Hoàng Thùy Linh và Khang A Tủa - những kẻ tiên phong “bản lĩnh" và “ngông cuồng" trên hành trình bảo vệ bản sắc riêng

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 20:30 28/05/2020

Hoàng Thùy Linh và Khang A Tủa - 2 cái tên khi mới đặt cạnh nhau sẽ khiến người ta không khỏi đặt một dấu chấm hỏi rằng liệu giữa họ có điểm gì tương đồng?

Hoàng Thùy Linh là một ca sĩ nắm trong tay nhiều bản hit từng leo lên Top 1 trending trên Youtube Việt Nam. Công chúng yêu thương gọi Linh là "Cô Mị", người đã thổi chất liệu truyền thống dân tộc vào sân chơi Vpop đang bị thống trị bởi hàng tá MV tiểu tam và ballad u uất. Khang A Tủa - chàng sinh viên người Mông đầu tiên của Đại học Bách Khoa và cũng bỏ học sau đó 2 năm vì cảm thấy đó không phải là nơi mình thuộc về. Như một phép màu, Tủa trở thành một trong những sinh viên đầu tiên của Đại học Fulbright tại Việt Nam.

Vậy thì, điểm chung của họ là gì?

Sự giống nhau của Hoàng Thùy Linh và Khang A Tủa chính là họ luôn tiên phong trong việc đem văn hoá truyền thống đến gần hơn với cuộc sống hiện đại, để từ đó có thể đưa nó đi thật xa đến với thật nhiều người. Dành tình yêu tha thiết cho quê hương, đất nước, dân tộc, cho những điều bình dị và gần gũi, cả hai người đều đang nỗ lực trong hành trình bảo vệ, giữ gìn và lan toả những nét đẹp mà mình hết mực nâng niu, trân trọng.

Vì là những người mở đường nên ở họ không thể thiếu được ý chí và bản lĩnh vô cùng kiên cường, mạnh mẽ. Để rồi, khi đã dám đi con đường không ai đi, làm những điều không ai làm, họ đã có cho riêng mình những quả ngọt thật xứng đáng.

Khang A Tủa - người tiên phong không bao giờ quên mình là ai, đến từ đâu

Khang A Tủa luôn gắn với rất nhiều những điều đầu tiên. Tủa là người Mông đầu tiên đậu vào ĐH Bách Khoa. Cậu cũng là người Mông đầu tiên bỏ học đại học vì cảm thấy mình không thuộc về, cũng không hạnh phúc ở ngôi trường này. Để rồi ở tuổi 25, Tủa là 1 trong 54 sinh viên đầu tiên ở trường Đại học Fulbright.

Quê Tủa ở Mù Cang Chải - Yên Bái. Từ nhà đến campus của trường, Tủa phải đi theo con đường cấp phối vào xã Chế Cu Nha, lên huyện Mù Cang Chải rồi đi tiếp 300km đường bộ ra Hà Nội, bay thêm 2h đồng hồ để đến được với TP.HCM. Con đường ấy vốn không dễ dàng, với một người Mông như Tủa lại càng chông gai hơn bao giờ hết. Vì Tủa là người tiên phong nên cậu phải chấp nhận đi con đường chưa ai từng đi, làm những việc chưa ai từng làm, chấp nhận mò đường để mở lối.

Hoàng Thùy Linh và Khang A Tủa - những kẻ tiên phong “bản lĩnh và “ngông cuồng trên hành trình bảo vệ bản sắc riêng - Ảnh 1.

Tủa bảo để làm một người tiên phong, ai cũng cần có chút can đảm và cả sự liều lĩnh. Như Tủa đã liều lĩnh xuống Hà Nội để học Đại học với 2 triệu đồng - toàn bộ số tiền tích cóp cả đời của bố cậu để theo đuổi con chữ. Rồi chính cậu cũng can đảm nói với bố rằng ĐH Bách Khoa không phải nơi cậu cảm thấy hạnh phúc và quyết định nghỉ học sau 2 năm. Sau đó, Tủa đi theo tiếng gọi của trái tim, tham gia rất nhiều hoạt động cộng đồng và các dự án xã hội nhằm giúp đỡ cho cộng đồng người Mông. Cậu cũng đã liều lĩnh dự tuyển vào Fulbright với 1 bài luận viết hoàn toàn bằng… Google dịch. Tủa bảo mỗi thử thách, mỗi trải nghiệm, mỗi cơ hội đến với mình đều là có lý do, cậu đơn giản là chưa bao giờ ngừng nỗ lực vươn đến một phiên bản tốt hơn của Khang A Tủa ngày hôm qua, luôn mở lòng đón nhận, thích nghi và thay đổi.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp Tủa là chỏm tóc đuôi gà rất đặc trưng của người Mông và cả bộ quần áo dân tộc cho chính tay mẹ cậu kiên nhẫn khâu từng đường kim mũi chỉ. Tủa có thể ăn mặc, để tóc như một người Kinh nhưng cậu không muốn quên mình là ai, từ đâu tới. Tủa mang trong mình rất nhiều những nỗi ưu tư, trăn trở về dân tộc mình, về cách làm sao để thật nhiều, thật nhiều những đứa trẻ người Mông để có thể cùng con chữ rồi đi thật xa và ngắm thế giới. Tủa cũng luôn canh cánh nỗi lo để giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hoá của người Mông.

Trong khoảng thời gian nghỉ học ở ĐH Bách Khoa, Tua đã dành thời gian đi khắp các vùng núi cao của người Mông để sưu tầm lại các câu chuyện cổ tích của dân tộc mình, mang về tập hợp thành sách bằng cả tiếng Mông và tiếng kinh rồi gửi đến các trường học vùng cao. Tủa hi vọng tất cả các em nhỏ sẽ được giáo dục, hiểu và yêu mến bản sắc văn hoá của dân tộc mình kể từ khi còn là một đứa trẻ và sẽ lớn lên, lan toả nó đi thật xa. Cậu cũng làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận như ISEE trong những dự án mà Tủa cảm thấy có thể giúp ích cho cộng đồng mình.

Hiện tại, Tủa đang kiên trì với dự án "Vườn mơ". Ở đó, Tủa có thể giúp các em nhỏ người Mông có thể định hình mơ ước khi bước vào tuổi 16. Với vai trò là một người tiên phong, mở đường, Tủa đã có thể quay lại dìu dắt, mở lối cho nhiều hơn cho những đứa trẻ đang bước những bước chân đầu tiên vào cuộc đời. Tủa cũng lập fanpage Ná Nả - trong tiếng Mông có nghĩa là "mẹ ơi, mẹ ơi" để giúp những bà mẹ người Mông bán những sản phẩm do chính tay mình làm ra.

Khi làm bất cứ điều gì, Tủa cũng luôn lấy văn hoá dân tộc mình là nền tảng và cũng là mục tiêu để hướng tới. Cậu không hướng đến những thứ xa xôi, kì vĩ, lớn lao mà chỉ hướng về trái tim mình, nơi dòng máu của người Mông đang cuộn trào trong huyết quản.

Trong tiếng Mông, cái tên "Khang A Tủa" có nghĩa là "sự thay đổi tạo ra những bước ngoặt". Có lẽ vì thể mà Tủa luôn là người tiên phong và không ngừng nỗ lực tạo nên những bước ngoặt cho chính bản thân và cho cộng đồng mình, văn hoá Mông của mình.

Hoàng Thùy Linh và Khang A Tủa - những kẻ tiên phong “bản lĩnh và “ngông cuồng trên hành trình bảo vệ bản sắc riêng - Ảnh 2.

Hoàng Thùy Linh - người tiên phong đưa văn hóa vào âm nhạc với sự "ngông cuồng" tử tế

Trái ngược với Khang A Tủa, Hoàng Thùy Linh lại là người của showbiz, bản thân nữ ca sĩ đã có một nền tảng và những bước đi vững chắc ngay từ lúc xuất phát. Song thứ mà Hoàng Thùy Linh (từng) thiếu đó chính là sự bứt phá. Ngay cả chính cô cũng tự thừa nhận trước khi ra Album Hoàng, phiên bản mà cô trưng ra cho công chúng thấy là con người lúc nào cũng rụt rè, phải thỏa hiệp với quá nhiều thứ, đến mức Linh tưởng tượng ở trong mình luôn tồn tại một nhân cách khác. Nhưng may mắn quá, Hoàng Thùy Linh lúc này đã là phiên bản của một người tiên phong, biết cách để tự mình bứt phá. Giống như cách mà Linh trả lời: Muốn làm người tiên phong thì cần phải có sự dũng cảm, sự quyết liệt và cả sự mềm mỏng. Tiên phong không chỉ là làm những điều mà số đông không làm, mà còn phải tạo nên một con đường mới. Tôi là người luôn biết tiến và biết lùi đúng lúc, nhưng ý chí phải luôn sục sôi và sẵn sàng cho tất cả những thử thách.

Hoàng Thùy Linh và Khang A Tủa - những kẻ tiên phong “bản lĩnh và “ngông cuồng trên hành trình bảo vệ bản sắc riêng - Ảnh 3.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói Hoàng Thùy Linh là con phượng hoàng tái sinh từ đống tro tàn. Đã 10 năm kể từ ngày Hoàng Thùy Linh ra mắt Album debut mang chính tên mình, để có được quả ngọt như ngày hôm nay, trước khi là người tiên phong, ở Linh đã có tố chất của người có bản lĩnh. Như chính sự "ngông cuồng", dám đưa yếu tố văn học vào một MV ca nhạc. Nhưng rõ ràng cái ngông cuồng của Hoàng Thùy Linh không phải là cái ngông muốn chứng tỏ cái tôi cá nhân, Linh thật sự đã "ngông cuồng" tử tế, phải yêu đất nước, yêu văn hóa dân tộc, yêu bộ trang phục người Mông lắm mới làm ra được một sản phẩm chỉn chu như "Để Mị Nói Cho Mà Nghe".

Nói như vậy không có nghĩa là Hoàng Thùy Linh chưa từng sai, chưa từng vấp ngã. Bản thân Linh cũng chia sẻ thẳng thắn rằng chẳng có mấy ai biết cô từng tung một sản phẩm mang tên Fall in Love (phát hành năm 2018 hợp tác cùng rapper Kimmese). Linh tiếc mình đã om bài hát quá lâu, điều này khiến cho bài hát khi đến tai công chúng họ sẽ cảm thấy cũ. Nhưng cũng nhờ sự chậm trễ này mà Hoàng Thùy Linh đã biết làm toán, tính kĩ từng đường đi nước bước trong sự nghiệp của mình. Giữa một thời đại nghe đâu cũng thấy Ballad, những bản tình ca u uất kể về câu chuyện làm người thứ ba, thì bỗng dưng câu chuyện "trào phúng" trong Album Hoàng được Linh kể bỗng dưng thú vị hơn hẳn.

Nếu bạn đủ tinh tế, Hoàng là một câu chuyện dân gian đầy đủ hỉ nộ ái ố của một người đàn bà, muốn tìm cách bứt phá ra khỏi vỏ bọc của hai chữ "phong kiến". Một đề tài có ngách cực kì hẹp được Hoàng Thùy Linh khai sáng. Nếu không có sự bứt phá, nếu không chịu làm người tiên phong thì không thể nào thành công. Trước khi thoả mãn tai nghe của công chúng, tự Linh chia sẻ rằng phải thỏa mãn chính con người tôi cái đã: "Hoàng Thùy Linh trong những năm khốn cùng nhất của cuộc đời đã không cho phép bản thân não nề hay tệ hại thì âm nhạc của mình cũng như thế, nó phải phản chiếu được con người mình trước, chuyện khác tính sau".

Điều đặc biệt ở Hoàng Thùy Linh là cô nàng không phân biệt, không vạch sẵn một biên giới khoảng cách nào giữa truyền thống và hiện đại. Con người vốn dĩ được kiến tạo bởi quá khứ và hiện tại, nhờ đó mà tạo nên tương lai. Vậy nên nó luôn luôn phải cùng là một dòng chảy, hoà quyện, bổ trợ cho nhau.

Gặp Hoàng Thùy Linh ở thời điểm này thật vô cùng khó, showbiz đã bắt đầu vào guồng trở lại sau thời gian dài im ắng. Linh cũng trở lại công việc thường nhật của một người nổi tiếng, nhận show quảng cáo, đi hát, lại bắt đầu hành trình đi tìm nguồn cảm hứng mới trong âm nhạc sau Hoàng. Linh nói với tôi Linh không gạch tên "thất bại" ra khỏi cuộc đời mình. Đó là một dạng trải nghiệm mà ai cũng phải trải qua, một hoặc nhiều lần trong đời. Có là 20 hay 50 tuổi thì tôi cũng không sợ thất bại. Chính những lần vấp ngã mới tôi luyện nên ý chí của Hoàng Thùy Linh như bây giờ.

Hoàng Thùy Linh và Khang A Tủa - những kẻ tiên phong “bản lĩnh và “ngông cuồng trên hành trình bảo vệ bản sắc riêng - Ảnh 4.


Hãy chờ đón sự xuất hiện của Hoàng Thùy Linh và Khang A Tủa trong một dự án đầy bất ngờ và cảm xúc vào ngày 30.05 này nhé!

Cùng đón xem tại: https://www.facebook.com/VsmartVietnam/

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày