Hoàng hậu Farida của Ai Cập là một trong những biểu tượng sắc đẹp đình đám một thời của thế giới. Tuy nhiên, cuộc đời bà lại trải qua nhiều biến cố và thăng trầm, để lại vô vàn tiếc thương cho muôn đời sau.
Hoàng hậu Farida có tên thật là Safinaz Zulficar, bà sinh năm 1921, tại thành phố Alexandria trong gia đình bề thế. Ông nội bà là một sĩ quan cao cấp của quân đội Ai Cập, cha đẻ là thẩm phán nổi tiếng còn mẹ bà là một chính trị gia nhạy bén. Mẹ của Farida còn là người hầu cận của Vương hậu Ai Cập Nazli Sabri lúc bấy giờ.
Sinh ra trong gia đình có tiếng tăm như vậy nên ngay từ khi còn nhỏ, bà Farida đã được thừa hưởng nền giáo dục bài bản. Bà theo học tại một trường Pháp ngữ nổi tiếng ở Ai Cập. Farida không hề làm gia đình thất vọng khi bà là một người tài năng xuất chúng: Giỏi tiếng Pháp, chơi xuất sắc piano, có khiếu hội họa và săn bắn thành thạo. Đặc biệt, bà còn sở hữu nhan sắc rung động lòng người.
Hoàng hậu Farida khi còn nhỏ
Vào mùa đông năm 1937, trong chuyến công du của hoàng gia tới châu Âu, mẹ Farida đã đồng ý cho con gái đi theo tháp tùng. Đây cũng là chuyến đi khởi đầu cho mối lương duyên giữa Farida với Quốc vương Ai Cập lúc bấy giờ, ông Farouk. Trước đó, vào ngày 28/4/1936, vua Ai Cập Fuad băng hà sau một cơn đau tim. Hoàng tử Farouk, khi đó đang ở Anh, đã nhanh chóng trở về quê hương để thừa kế ngai vàng.
Tại thời điểm đó, tân hoàng đế Farouk là một người đàn ông tài giỏi, đầy hoài bão. Quốc vương muốn đưa Ai Cập phát triển hùng mạnh ra toàn thế giới. Dân chúng đánh giá rất cao vị vua này và coi ông là niềm hy vọng của đất nước. Trong chuyến tàu tới châu Âu, thiếu nữ xinh đẹp Farida và vị vua bản lĩnh, điển trai đã phải lòng nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Mối lương duyên của hai người được gia đình hai bên ủng hộ tuyệt đối. Chính vì vậy, một năm sau, hôn lễ của cặp đôi được tổ chức xa hoa và đình đám bậc nhất lúc bấy giờ, diễn ra tại Cung điện Qubba. Cô dâu mới Farida được Quốc vương Farouk tặng một chiếc vòng cổ quý hiếm làm bằng kim cương. Bên cạnh đó, cô dâu xinh đẹp cũng được mẹ chồng ban cho chiếc vương miện ngọc lục bảo đắt đỏ, giá của nó khoảng 7000 bảng Anh (hơn 2 tỷ đồng).
Hôn lễ của cặp đôi diễn ra trong khung cảnh xa hoa
Cô dâu mới nhận nhiều món quà giá trị từ gia đình nhà chồng
Tiệc cưới kéo dài trong 2 ngày với đủ loại món ăn xa xỉ của Ả Rập và Pháp cùng với một số món bánh được trang trí theo biểu tượng hoàng gia. Cặp đôi sau đó đã đến Cung điện Anshas, nằm ở một vùng nông thôn yên tĩnh để dành 14 ngày tại đây hưởng tuần trăng mật.
Kể từ khi trở thành Hoàng hậu, nhờ thừa hưởng nền giáo dục hiện đại nên bà Farida đã ghi dấu ấn của riêng mình bằng các nhiệm vụ giúp ích cho cộng đồng, nhất là phụ nữ. Bà nhận chức chủ tịch danh dự của Liên minh Nữ quyền Ai Cập và Liên minh Phụ nữ mới.
Hoàng hậu cũng là người bảo trợ cho tổ chức từ thiện chuyên hỗ trợ nữ sinh Ai Cập hoạt động tích cực hơn trong cộng đồng xã hội. Bà Farida khi ấy là hình mẫu lý tưởng của các cô gái trẻ thời bấy giờ: Xinh đẹp, tài năng và độc lập, tự tin.
Có một người vợ đẹp người đẹp nết như vậy nhưng với nhà vua Ai Cập điều đó là chưa đủ. Ông cần Hoàng hậu của mình sinh được người con trai để thừa kế ngai vàng. Đáng tiếc thay, trong hơn 10 năm ở bên nhau, bà Farida chỉ sinh ra 3 nàng Công chúa là Ferial, Fawzia và Fadia.
Nhà vua luôn hy vọng vợ mình sẽ sinh một hoàng nam nối dõi.
Hoàng hậu xinh đẹp cùng với 3 người con gái của mình
Tình cảm của Quốc vương phai nhạt dần, ông không còn đem theo Hoàng hậu đi cùng mình tham dự các bữa tiệc cao cấp như những năm đầu hôn nhân. Nhà vua dành thời gian bên bóng hồng khác và điều này đã khiến cho bà Farida cảm thấy đau khổ vô cùng.
Vào thời điểm đó, việc ly hôn không phổ biến ở Ai Cập nhất là ở trong gia đình hoàng gia. Chính vì vậy, việc Hoàng hậu Farida chia tay Quốc vương vào ngày 19/11/1948 đã khiến dư luận choáng váng.
Doria Shafik, chuyên gia và nhà báo người Ai Cập cho biết, việc Hoàng hậu Farida rời bỏ cuộc hôn nhân không hạnh phúc giống như một lời kêu gọi phụ nữ hãy dũng cảm giải phóng bản thân và tìm lại tự do cho chính mình.
"Để đổi lại sự tự do, bà Farida đã từ bỏ vương miện. Đây là một hành động táo bạo chưa từng thấy trong lịch sử của người phụ nữ Ai Cập", Doria Shafik cho hay.
Bà Farida đã từ bỏ vương miện và địa vị để trở về với cuộc sống đời thường tự do
Sau khi ly hôn, bà Farida đã sống tại một vùng ngoại ô gần sông Nile. Cho đến năm 1964, bà định cư ở Lebanon. Vào tháng 3/1965, Quốc vương Ai Cập băng hà, bà cùng 3 cô con gái đã đến tang lễ để tiễn đưa người quá cố.
Về sau, bà đến Paris sinh sống từ năm 1968 - 1974. Cuối cùng, bà trở lại quê hương Ai Cập để sống những năm tháng cuối đời tại đây. Trong suốt thời gian sinh sống ở nước ngoài, bà Farida không tái hôn và tập trung phát triển tài năng hội họa của mình. Bà đã tổ chức một số cuộc triển lãm nghệ thuật cá nhân ở những quốc gia khác nhau trên thế giới.
Cựu Hoàng hậu Farida nhập viện vào tháng 9/1988 do gặp một số vấn đề sức khỏe, bao gồm bệnh bạch cầu, viêm phổi và viêm gan. Bà qua đời vào ngày 16/10/1988 ở Cairo, hưởng thọ 67 tuổi.
Có thể nói rằng, dù chỉ làm Hoàng hậu trong hơn 1 thập kỷ nhưng bà Farida đã đem đến những giá trị mang tính lịch sử cho người dân Ai Cập. Chính vì vậy, bà được người dân đánh giá là một trong những Hoàng hậu tài năng và tuyệt sắc nhất của Ai Cập nói riêng, thế giới nói chung.
Nguồn: Egyptindependent, Aljazeera