Hoàng Đức dùng thuốc giảm đau thi đấu: Đừng quên "tấm gương" Đình Trọng

MAI PHƯƠNG, Theo VTC News 09:41 05/01/2024

Khi HLV Philippe Troussier nhắc đến việc Nguyễn Hoàng Đức dùng thuốc giảm đau để thi đấu ở V.League, người hâm mộ nhớ đến trường hợp đầy tiếc nuối của Đình Trọng.

Chiều 4/1, HLV Philippe Troussier đưa ra quyết định mà ông không hề mong muốn. Nguyễn Hoàng Đức được trả về câu lạc bộ Thể Công Viettel để điều trị chấn thương. Nhà cầm quân người Pháp trực tiếp lắng nghe nguyện vọng của học trò và cân nhắc kĩ tình hình thực tế chấn thương.

HLV Troussier không mạo hiểm với Hoàng Đức

Hoàng Đức không ra sân phút nào trong 2 trận đấu vòng loại World Cup 2026 diễn ra tháng 11/2023. Có hay không sự bất đồng giữa huấn luyện viên Troussier và học trò? Đó là chủ đề bàn tán nhiều nhất xoay quanh đội tuyển Việt Nam cuối năm ngoái. Tuy nhiên, câu chuyện lần này hoàn toàn khác.

Hoàng Đức nếu "cố" thì vẫn có thể ra sân một trận đấu tại Qatar. Tuy nhiên, những tấm phim chụp chấn thương cho thấy anh sẽ phải trả giá rất đắt để đổi lại những phút ít ỏi đó.

Hoàng Đức dùng thuốc giảm đau thi đấu: Đừng quên tấm gương Đình Trọng - Ảnh 1.

Hoàng Đức chia tay đội tuyển Việt Nam.

Tiền vệ của Thể Công Viettel bị phù dây chằng chày sên trước và sau, dây chằng sên mác sau, phù nề phần mềm mắt cá chân trái từ trước khi lên tập trung đội tuyển Việt Nam. Bác sĩ chẩn đoán cầu thủ sinh năm 1998 có thể đá Asian Cup 2023 nhưng chắc chắn chưa bình phục hoàn toàn. Tính đến trận đấu với Indonesia vào ngày 19/1, Hoàng Đức cùng lắm chỉ đạt được 70% trạng thái tốt nhất.

Bất chấp những tin đồn về sự bất đồng với cậu học trò, HLV Troussier chưa đóng cánh cửa với Hoàng Đức. Nhà cầm quân người Pháp không dùng Hoàng Đức ở 2 trận đấu tại vòng loại World Cup 2026 nhưng chẳng có chuyện anh nằm ngoài kế hoạch nhân sự của đội tuyển Việt Nam. Bằng chứng là ông vẫn điền tên anh vào danh sách đăng ký với AFC và định chờ đến ngày cuối cùng.

Ở một giải đấu lớn, chỉ cần có cơ hội, Hoàng Đức vẫn đủ sức lấy lại những gì đã mất. HLV Troussier cũng chờ đợi điều đó. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra lần cuối buộc ông thầy người Pháp phải đưa ra quyết định - sự thay đổi duy nhất trong danh sách đăng ký với AFC trước đó.

Không quên "tấm gương" Đình Trọng

"Tôi có nói chuyện với Đức Chiến, Hoàng Đức và một số cầu thủ chấn thương. Trong giai đoạn vừa qua họ uống thuốc giảm đau để vào sân thi đấu ở cấp CLB", HLV Troussier tiết lộ trong buổi họp báo chiều 4/1.

Thông tin này đập tan tất cả những tin đồn ngoài vấn đề chấn thương của Hoàng Đức. Ông Troussier không cố gắng đưa vào sân một "thương binh" mà đến cuối tháng 1 mới chơi bóng được bình thường. Khi biết chuyện học trò phải tiêm thuốc giảm đau để đá V.League trong thời gian dài, ông càng không thể ép anh thi đấu.

Người hâm mộ cũng có thể dễ dàng thông cảm với HLV Troussier và cả Hoàng Đức. Câu chuyện này gợi ngay lại cái tên đầy tiếc nuối - Trần Đình Trọng. Một trong những trung vệ "của hiếm" của bóng đá Việt Nam gần như biến mất sau những đỉnh cao đầu sự nghiệp.

Hoàng Đức dùng thuốc giảm đau thi đấu: Đừng quên tấm gương Đình Trọng - Ảnh 2.

Đình Trọng chật vật sau những chấn thương nặng.

Chấn thương tái phát sau vòng chung kết U23 châu Á 2020 ảnh hưởng nặng đến sự nghiệp của Trần Đình Trọng. Tính đến thời điểm vào sân đá chính trước U23 Triều Tiên, Trần Đình Trọng mới phẫu thuật đầu gối chưa đầy 7 tháng. Nhiều người nói rằng cầu thủ này hồi phục thần tốc mới có thể ra sân sớm như vậy.

Ở trận đấu với HAGL vào tháng 6/2019, anh chấn thương nặng, bị đứt dây chằng chéo trước đầu gối, tổn thương sụn và dập dây chằng mác. Tháng 11/2019, Đình Trọng vẫn có tên trong danh sách đội U23 Việt Nam dự SEA Games 30 trên đất Philippines. Tuy nhiên, vào giờ chót, ông Park gạch tên học trò bởi Đình Trọng không thể ra sân và thi đấu với cái đầu gối chưa lành lặn.

Chỉ hơn 1 tháng sau, Đình Trọng xuất hiện trên băng ghế dự bị của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á 2020. Số phút thi đấu của Đình Trọng tăng dần và tỉ lệ thuận với khó khăn mà U23 Việt Nam gặp phải. Đến trận gặp U23 Triều Tiên, anh đá chính và có màn trình diễn không tốt.

Chia sẻ với VTC News ở thời điểm đó, một số chuyên gia y học thể thao cũng bất ngờ về sự trở lại sớm của Đình Trọng. Dù cơ địa có tốt như thế nào, việc vào sân thi đấu khi vừa đứt dây chằng chưa tới 7 tháng là điều rất mạo hiểm. Sự nôn nóng này rất có thể cũng là tác nhân quan trọng khiến quá trình hồi phục chấn thương bị phá vỡ và 3 năm tiếp theo trở thành quãng thời gian quá khó khăn với cầu thủ sinh năm 1997.

Tháng 8/2020, anh lại phải phẫu thuật sụn chêm đầu gối. Suốt mùa giải 2021, Đình Trọng chấn thương nhiều và không đóng góp cho Hà Nội FC. Đầu mùa giải 2023, Đình Trọng đứt dây chằng đầu gối phải và nghỉ thi đấu đến hết mùa.

Sau ngần ấy biến cố, Đình Trọng từng phát biểu trước truyền thông: "Chuyện của tôi là bài học cho mọi cầu thủ. tôi cố gắng thi đấu khi thể trạng chưa tốt, dẫn đến chấn thương từ 2019. Tôi không trách ai cả. Lỗi là do tôi nóng vội. Tôi cũng ở các bác sĩ ở CLB và đội tuyển quyết đoán hơn. Là cầu thủ ai cũng muốn được thi đấu, nhưng cần có người ngăn cản khi chấn thương chưa hồi phục".

Trong phần trả lời ấy, Đình Trọng từng ước mình "sáng suốt hơn". Có lẽ, Hoàng Đức đã dũng cảm khi nói ra nguyện vọng cùng lời hẹn "trở lại vào tháng 3/2024".