Hoãn mổ vì thiếu máu, chồng chất nỗi lo giữa đại dịch COVID-19

Song Hằng, Theo Sức khỏe & Đời sống 09:01 25/05/2021

Trong những ngày dịch bệnh COVID-19 đang ở giai đoạn căng thẳng hơn bao giờ hết, có những người mẹ mang thai phải nhập viện gấp trong bao nỗi lo chất chồng: Lo bị lây nhiễm COVID-19, lo sức khỏe của mẹ không ổn sẽ nguy hiểm cho mầm sống bé nhỏ và còn cả nỗi lo "không có máu".

Lượng máu dự trữ đang giảm mạnh do ảnh hưởng của làn sóng COVID-19. Thống kê từ Viện Huyết học - Truyền máu TW, trong nửa đầu tháng 5, viện chỉ tiếp nhận được hơn 3.000 đơn vị máu, 52 lịch hiến máu đã bị hủy bỏ.

Ước tính trong tháng 5 và tháng 6, bệnh viện này cần khoảng 60.000 đơn vị máu. Viện khẩn thiết kêu gọi người dân đến hiến máu và hiến tiểu cầu.

Nỗi lo liên tiếp trong những tuần cuối của thai kỳ

Giữa tháng 5/2021, chị Nguyễn Thị T. (Hà Nội) đi khám thai định kỳ thì được bác sĩ thông báo chị bị thiếu máu nặng và phải chuyển sang Viện Huyết học - Truyền máu TW. Chị cần truyền máu gấp vì thiếu máu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và em bé.

Từ khi mang thai, chị T. luôn đi khám thai đều đặn và được biết mình bị nhau tiền đạo, dự kiến sẽ sinh mổ vào tuần thai thứ 36. Con sẽ phải sinh sớm khi chưa đủ ngày, đủ tháng, giờ lại bị thiếu máu khiến lòng chị đầy nỗi lo lắng, bất an. Chỉ cần nghĩ đến việc đứa con bé bỏng còn trong bụng mẹ có thể bị chậm phát triển và gặp nguy hiểm, chị T. quặn thắt cả ruột gan. Nằm trên giường bệnh, chị chỉ mong sao được truyền đủ máu để nuôi dưỡng con, để con được ở trong bụng mẹ thêm ngày nào tốt ngày ấy.

Trước đây, chị T. chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải truyền máu. Chị chia sẻ: "Khi khỏe mạnh, tôi chưa bao giờ nghĩ máu lại quan trọng như vậy, đến khi rơi vào hoàn cảnh này tôi mới hiểu và càng trân quý giá trị của việc hiến máu. Tôi mong sao những người có sức khỏe cố gắng vượt qua dịch bệnh, tham gia hiến máu để giúp đỡ người bệnh như chúng tôi".

Hoãn mổ vì thiếu máu, chồng chất nỗi lo giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Ảnh: Công Thắng

Khi mỗi ngày cả nước có thêm hàng trăm ca nhiễm COVID-19 mới, chị Trần Minh H. (Hà Tĩnh) cũng bước vào tuần thứ 37 của thai kỳ. Chị luôn hết sức giữ gìn, hạn chế tiếp xúc với mọi người để bảo vệ con trước đại dịch. Vậy mà khi chỉ còn vài tuần nữa sẽ sinh con, chị phải nhập viện gấp vì tiểu cầu xuống rất thấp, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và con.

Cuối năm 2020, khi mới mang được 15 tuần, chị bất ngờ phát hiện bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu. Từ đó, tháng nào chị cũng phải đi khám định kỳ hoặc điều trị nội trú tại Khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học - Truyền máu TW.

Lần này chị nhập viện, nỗi lo âu càng lớn hơn khi dịch bệnh rình rập khắp nơi còn kéo theo tình trạng thiếu máu, thiếu tiểu cầu hết sức trầm trọng. Nếu không được truyền tiểu cầu kịp thời, chị đối mặt với nhiều nguy cơ xuất huyết, thậm chí là có thể không giữ được thai nhi.

Lo âu không chỉ của người bệnh

BSCKII. Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học - Truyền máu TW cho biết: "Trước mắt, Viện đã cố gắng hết sức để sản phụ được ưu tiên truyền tiểu cầu gấp. Nhưng với tình trạng của sản phụ nếu sinh thường sẽ rất nguy hiểm.

Sắp tới sản phụ còn cần truyền rất nhiều tiểu cầu để nâng chỉ số xét nghiệm lên mức an toàn hơn, đề phòng nguy cơ chảy máu cả trước, trong và sau khi sinh mổ. Không chỉ gia đình người bệnh mà cả các y bác sĩ đều hết sức lo lắng trước tình hình nguồn máu phục vụ điều trị khan hiếm như hiện nay".

Sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 trong tháng 5/2021 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động tiếp nhận và cung cấp máu cho điều trị của các cơ sở y tế trên phạm vi toàn quốc. Chỉ tính riêng tại Viện Huyết học - Truyền máu TW, từ 27/4 - 21/5/2021, lượng máu tiếp nhận chỉ bằng 30% so với kế hoạch.

Hoãn mổ vì thiếu máu, chồng chất nỗi lo giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Ảnh: Công Thắng

Trong hoàn cảnh nguồn máu phục vụ điều trị ngày càng sụt giảm, các ca cấp cứu, các sản phụ đang trong tình thế cấp bách cần được ưu tiên cung cấp máu và chế phẩm máu. Tuy nhiên, việc đảm bảo cung cấp chế phẩm máu với số lượng lớn cho những sản phụ có nguy cơ xuất huyết cao như chị Trần Thị H. và nhiều ca bệnh nặng khác là một nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Trong khi đó vẫn còn hàng ngàn người bệnh thiếu máu mạn tính, thiếu máu nhẹ buộc phải trì hoãn truyền chế phẩm máu. Nhiều ca phẫu thuật phải tạm hoãn. Nhưng việc trì hoãn cũng không thể kéo dài vì sẽ dẫn đến nhiều biến chứng cho người bệnh.

Hoãn mổ vì thiếu máu, y bác sĩ tiên phong hiến máu

"Máu rất cần cho cấp cứu và điều trị. Máu thiếu nên chúng tôi buộc phải hoãn tối đa các ca mổ phiên", PGS. TS. Đào Xuân Thành - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ khi cùng các đồng nghiệp và người nhà bệnh nhân tham gia hiến máu sáng ngày 21/5/2021.

Vì có những ca mổ không thể trì hoãn được, PGS. Thành vừa hiến máu, vừa nhắc các khoa có bệnh nhân sẽ mổ vận động người thân hiến máu ngay tại bệnh viện, để không phải vất vả sang tận Viện Huyết học - Truyền máu TW hiến máu.

Hoãn mổ vì thiếu máu, chồng chất nỗi lo giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 4.
Hoãn mổ vì thiếu máu, chồng chất nỗi lo giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 5.

Dù rất băn khoăn về việc đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người hiến máu và bệnh viện trong mùa dịch, nhưng PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ và kêu gọi trên Facebook cá nhân: "Đại dịch COVID ảnh hưởng đến nhiều mặt của cuộc sống. Có những thứ có thể bớt, có thể nhịn nhưng chúng ta chưa tìm ra được sản phẩm nhân tạo thay thế máu và các chế phẩm của máu. Xin hãy cùng chung tay với chúng tôi, rất nhiều bệnh nhân đang đợi tấm lòng thiện nguyện của các bạn".

Chia sẻ với người bệnh cần máu, kỹ thuật viên Nguyễn Tiến Vinh, khoa Ngoại - Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ: "Có nhiều ca mổ mở, bệnh nhân cần máu rất nhiều, họ phải huy động người thân, bạn bè vô cùng vất vả. Ngoài công việc chuyên môn, góp thêm một đơn vị máu với tôi đơn giản là có thể làm điều gì đó tốt hơn cho anh em đồng đội vững vàng hơn trong quá trình điều trị cho người bệnh".

Điều dưỡng Ngô Văn Hoan, khoa Nội tiết hô hấp hiến máu lần thứ 3. "Hiến máu là hành động rất đẹp nên lúc nào tôi cũng thích được hiến máu", anh Hoan chia sẻ, bản thân anh cũng từng có người thân phải truyền máu nên càng hiểu máu ý nghĩa thế nào.

Để tham gia hiến máu cứu người, người dân có thể đến Viện Huyết học - Truyền máu TW hiến máu tại tầng 2, Khoa Tiếp nhận máu (phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội), từ 8h đến 20h tất cả các ngày (kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ).

Các điểm hiến máu cố định tại Hà Nội: từ 8h - 12h và 13h30 - 17h tất cả các ngày (các điểm này sẽ mở cả Chủ nhật, ít nhất là trong tháng 5/2021). Nên đến trước giờ kết thúc 45 phút để đăng ký và kiểm tra sức khỏe trước hiến máu.

- 26 Lương Ngọc Quyến, Hoàn Kiếm

- 132 Quan Nhân, Thanh Xuân

- Số 10, Ngõ 122 Đường Láng, Đống Đa

Thiếu máu điều trị, bệnh viện tỉnh phải huy động hiến máu để duy trì sự sống cho bệnh nhi

BVĐK tỉnh Lạng Sơn vừa tiếp nhận cháu Nguyễn Tuấn Đạt (6 tuổi, ở xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng), vào viện truyền máu định kỳ do bệnh tan máu bẩm sinh.

Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lượng máu dự trữ của Bệnh viện đang khan hiếm trong khi người nhà cháu Đạt đều đang thực hiện cách ly, không thể cho máu. Bệnh viện đã huy động nguồn máu từ các thành viên trong Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống. Nhận được tin báo, bác sĩ Đoàn Anh Đức - Chủ nhiệm CLB Ngân hàng máu sống đã hiến 1 đơn vị máu, kịp thời truyền cho bệnh nhi. Các tình nguyện viên trên địa bàn thành phố Lạng Sơn cũng đã đến đăng ký hiến máu cứu người bệnh.

Anh Đào Duy Tùng công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy đã hiến 1 đơn vị máu để cấp cứu bệnh nhân đang điều trị tại khoa Ngoại Thần kinh - Lồng ngực. Chị Mai Quỳnh Liên công tác tại Văn phòng HĐND - UBND thành phố hiến 1 đơn vị máu truyền cho bệnh nhi tan máu bẩm sinh. Anh Nguyễn Hữu Giang ở phường Hoàng Văn Thụ, TP. Lạng Sơn hiến 1 đơn vị máu cho bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa.

Thiếu máu điều trị liên tục mấy tuần qua do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến các bệnh nhân tại BVĐK tỉnh Lạng Sơn cũng phải mòn mỏi chờ máu. Các chế phẩm máu không được cung cấp đầy đủ từ Viện Huyết học - Truyền máu TW, nên nhiều bệnh nhân phải nhận máu toàn phần từ các thành viên CLB Ngân hàng máu sống trên địa bàn tỉnh.