"Thất vọng quá! Không còn biết nói gì nữa!".
"Đại diện phụ nữ Việt Nam mà thế này sao?".
"Nhìn thằng con trai hút thuốc phì phèo đã thấy không đàng hoàng rồi, đây là con gái mà còn hoa hậu nữa!".
"Xăm mình, tomboy, đều chấp nhận được. Hút thuốc thì không!".
"Sau lần này thì hiểu nhân cách của cô này luôn!".
...
Cư dân mạng đang bình luận về hành vi hút thuốc của Hoa hậu Kỳ Duyên trong quán cà phê như vậy đó.
Đầu tiên phải nói ngay hút thuốc nơi công cộng là không đúng, vì sẽ gây hại cho người khác. Hành vi này không đẹp, mà một hoa hậu thì tuyệt đối không nên có hành vi không đẹp.
Thế nhưng ngoài hút thuốc thì Kỳ Duyên không có hành vi nào sai trái gây chấn động tâm can đến nỗi người người phải thốt lên cay đắng ngỡ ngàng, như các trích dẫn ở trên cả.
Hơn nữa, cô ấy đã thừa tuổi trưởng thành rồi, và pháp luật không cấm người trưởng thành hút thuốc. Kỳ Duyên có quyền làm những gì pháp luật không cấm. Hành vi ấy có ưa mắt người hâm mộ hay không, đó lại thuộc phạm trù khác.
Ở Việt Nam, để giữ được tình cảm (trên mặt báo) của số đông người hâm mộ, hoa hậu 19 tuổi nên giữ hình ảnh ngoan hiền (trên mặt báo), áo dài trắng tóc thề buông lơi, mắt luôn mở to, nói không (trên mặt báo) với các sở thích bình thường của giới trẻ thành thị như đi bar, uống cocktail hay khiêu vũ thật "xõa". Hình như là thế!
Thế nhưng, căn ke ra mà nói, việc cô ấy hút thuốc có ảnh hưởng xấu tới danh vị hoa hậu hay không? Rất tiếc, tôi e là không.
Bởi cho tới nay đã có 14 cuộc thi hoa hậu Việt Nam được tổ chức, nhưng ngạc nhiên chưa - chưa từng có quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ mà hoa hậu phải đảm trách trong hai năm đội vương miện cả. Kỳ Duyên - cũng như vài hoa hậu trước cô - lúng túng là phải. Họ có cái hành lang nào để bám theo đâu!
Nhưng có lẽ Kỳ Duyên sẽ là hoa hậu đóng góp nhiều vào lịch sử tổ chức thi hoa hậu của khoảng mấy chục năm nay, theo cách riêng của cô ấy. Vì chỉ sau các xôn xao về tư thế ngủ, phẫu thuật, đi trễ sự kiện... của cô, Ban tổ chức (BTC) cuộc thi hoa hậu Việt Nam mới lên tiếng thừa nhận "sẽ có một quy chế mới, trong đó nêu rõ những hoạt động hỗ trợ hoa hậu và các người đẹp hậu đăng quang".
Còn trước giờ, BTC Hoa hậu Việt Nam chỉ lo tổ chức và chọn ra hoa hậu. Đến khi hoa hậu nhận quyền trượng vào tay cũng là lúc quyền trượng của BTC hạ xuống.
Như vậy theo tôi, về hoa hậu, chúng ta có đủ ba sự thiếu chuyên nghiệp: BTC thiếu chuyên nghiệp, hoa hậu thiếu chuyên nghiệp và người hâm mộ - thiếu chuyên nghiệp nốt.
Người hâm mộ thiếu chuyên nghiệp là vì đã đòi hỏi quá xa một cuộc thi nhan sắc.
Hoa hậu là ai? Đó là người được tôn vinh trong một cuộc thi nhan sắc. Chỉ thế thôi.
Cô ấy là người được số đông chọn là xinh đẹp nhất trong cuộc thi. Vậy thì người hâm mộ được quyền yêu cầu cô ấy luôn luôn xinh đẹp, ít nhất là trong hai năm cô ấy đội vương miện. Cô ấy hãy chụp các bộ ảnh quảng cáo các nhãn hàng, mặc những bộ thời trang đẹp đẽ, lăng xê các mốt mới... và đó gần như là tất cả yêu cầu của tuyệt đại đa số người hâm mộ về danh hiệu hoa hậu.
Chúng ta không thể yêu cầu cô ấy đã xinh đẹp rồi thì nhân thể làm nốt chiến binh bảo vệ môi trường, giải các bài toán khó nhất thế giới, hay trở thành Mẹ Teresa được.
Cuộc thi nào có quán quân của cuộc thi ấy, các bạn đã đặt định cô ấy ở giá trị nhan sắc cơ mà? Sao lại bắt cô ấy gánh hết niềm tin và hy vọng, những trọng trách vĩ đại đến mức là "đại diện cho phụ nữ Việt Nam", hay thậm chí, đại diện cho quốc gia nữa?
Hay ta bầu cô ấy làm bộ trưởng Bộ niềm tin luôn đi nhỉ, nếu một số khán giả nào đó đã thật dễ dàng trao cho cô ấy toàn bộ mong ước thiết tha của mình trong cuộc đời đến thế, như tấm gương duy nhất vậy?
Tôi nghĩ tấm gương lớn nhất nên chứng minh và học hỏi, chẳng ai khác chính là bản thân chúng ta đây, các anh chị ạ. Là anh chị, nên làm gương cho em nhỏ. Là cha mẹ, con cái ta nhìn vào từng hành vi, từng câu nói của ta hàng ngày để hình thành chuẩn mực cư xử cho nó.
Trong chương trình "Con biết tuốt" phát trên tivi tối qua, có một cậu bé chừng bảy tuổi kể: "Ba con hay nhậu lắm, ba nhậu từ 1, 2 giờ trưa đến 10 giờ đêm mới về. Mà về là lên phòng tụi con, dắt chó lên chơi, chọc ghẹo tụi con. Vậy là con chó bị đói, phải cho nó ăn. Phải tới 12 giờ ba hết ghẹo nữa, chó ăn xong nó đi ngủ, tụi con cũng mới đi ngủ được. Vậy mà ba toàn bắt tụi con 10 giờ phải đi ngủ để có sức khỏe sáng mai đi học, đang là mùa thi..." vân vân.
Tôi tin không chỉ người cha của cậu bé kia, mà không ít người khác cũng giật mình đấy. Gớm thực-ta nghĩ-tưởng nó còn nhỏ không biết gì, vậy mà không gì lọt khỏi mắt nó.
Vậy thì ai là người mà ta gặp gỡ nhiều nhất, có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau nhất, cho ta nhiều yêu thương xúc cảm nhất, có thể quyết định tới cuộc đời chúng ta nhất, quan trọng với chúng ta nhất? Dĩ nhiên là cha mẹ, anh chị, con cái ta, sau đó là đồng nghiệp, những mối quan hệ xã hội và bạn bè.
Vậy thì thời gian, tình yêu, sự trân trọng, niềm tin, cả sự nghiêm khắc và mong ước... thiết thực nhất, ta nên dành cho những người yêu thương gần gũi nhất hiện giờ.
Còn hoa hậu hay những ngôi sao giải trí, họ đã dành cho chúng ta nhan sắc, giọng hát, điệu múa, sự thông minh hài hước... nhưng họ cũng là con người, dĩ nhiên phải có những khuyết điểm, thậm chí nhược điểm của riêng họ. Hâm mộ thì cứ hâm mộ, nhưng chớ đóng băng họ đặt lên bệ đá, rồi chắp tay lạy thờ. Đến khi họ mỏi chân quá nhúc nhích đòi đi xuống thì ta khóc rưng rức than vãn ôi sao cuộc đời lại đắng cay với những cái quạt, à tôi nhầm-fan hâm mộ quá vậy.
Trở lại với Kỳ Duyên. Cô ấy mới 19 tuổi. Ở lứa tuổi này, con cái của không ít bà mẹ còn chưa hề biết tự lập là gì. Nên các bà mẹ có thể nhẹ nhõm một chút, nhìn Kỳ Duyên đúng như cô ấy vốn có, là một cô gái 19 tuổi được tôn xưng về nhan sắc. Không nên buộc cô phải gồng lên đóng vai một thiên nữ không tì vết.
Hãy để cho cô gái trẻ măng ấy quyền sai và sửa sai, như ai trong chúng ta cũng đã từng sai và sửa, như các bà mẹ, người chị luôn vị tha và rộng lượng với con gái và em gái của mình vậy.
Bài thể hiện quan điểm cá nhân của người viết.