Những ngày vừa qua, người dân nhận được hóa đơn tiền điện tháng 5 (chốt công tơ từ khoảng 11-5 đến 10-6). Không ít khách hàng phản ánh việc hóa đơn tăng vọt, gấp 2-3 lần so với tháng trước, trong khi thực tế sử dụng điện không biến động nhiều so với thời điểm trước.
Phản ánh với Báo Người Lao Động, anh Nguyễn H. (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết gia đình anh gồm 2 vợ chồng và một con nhỏ, việc sử dụng điện tháng 4 và tháng 5 là như nhau. Tuy nhiên, tiền điện tháng 5 tăng vọt lên hơn 1,5 triệu đồng so với gần 800 ngàn đồng của tháng 4.
Hoá đơn tiền điện tháng 5 của khách hàng tăng gấp đôi so với tháng 4
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có lý giải trước phản hồi của khách hàng về hóa đơn tiền điện tháng 5 tăng vọt. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu được ngành điện đưa ra là do nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát tăng cao, làm cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng.
EVN cho biết do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua là đợt nóng kép dài kỷ lục trong 27 năm qua đã dẫn đến tình hình tiêu thụ điện tăng rất cao, chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh.
Số liệu thống kê của ngành điện cho thấy đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4-2020, đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 ngàn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.
Số khách hàng sử dụng điện tháng 5 tăng so với tháng 4 do EVN thống kê
Tập đoàn Điện lực Việt Nam dẫn chứng, tại Hà Nội, có 94.232 khách hàng sử dụng điện tháng 5 tăng từ 50% đến dưới 100% so với tháng 4. Đáng chú ý, có 24.633 khách hàng ở Hà Nội, sử dụng điện tháng 5 tăng trên 300% so với tháng 4.
Tại TP HCM, số khách hàng sử dụng điện tháng 5 tăng từ 30%-100% so với tháng 4 là khoảng hơn 75 ngàn khách hàng. Trong khi đó, số khách hàng sử dụng tăng từ 300% trở lên là hơn 25 ngàn.
Theo phân tích của EVN, một hộ gia đình có mức tiêu thụ tháng 4 là 300 kWh thì số tiền điện cần thanh toán là 688.160 đồng (không tính giảm giá do Covid-19). Sang tháng 5, gia đình này nếu tiêu thụ điện tăng 20% nghĩa là sản lượng điện tiêu thụ ở mức 360 kWh số tiền điện cần thanh toán 875.204 đồng, tức là hóa đơn tiền điện tăng 27,18%.
"Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 50% (450 kWh) thì số tiền điện thanh toán là 1.160.885 đồng, tiền điện tăng 68,69% so với tháng 5. Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 100% (600 kWh) thì số tiền thanh toán là 1.643.840 đồng, tăng 138,87% so với tháng 4"- đại diện EVN cho hay.
Phía EVN cũng cho rằng chỉ với các hộ gia đình có sử dụng máy lạnh, máy điều hòa nhiệt độ mới thấy rõ việc sử dụng điện tăng lên nhiều và kèm theo đó là chi phí sử dụng điện cũng tăng theo. Còn với các hộ không sử dụng máy lạnh và chỉ sử dụng quạt làm mát thì chi phí này thay đổi không nhiều.
Với các ngày mùa hè, đặc biệt các ngày nắng nóng gay gắt và kéo dài ở mức trên 35 độ C, EVN lý giải nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát như điều hòa và quạt được sử dụng thường xuyên, liên tục. Thực tế việc sử dụng các thiết bị làm mát này nhiều hơn so với thời điểm các tháng trước đó.