Hình ảnh chú voi bị hủy hoại cột sống phản ánh mặt tối của ngành công nghiệp du lịch

Hạ Khương, Theo Phụ Nữ Việt Nam 09:00 13/03/2023
Chia sẻ

Chỉ trong vài ngày, bức ảnh đã lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Voi là một trong những loài động vật to lớn và có sức mạnh phi thường trong thế giới hoang dã. Nhưng đáng tiếc thay, ưu điểm này lại bị con người tận dụng để phục vụ cho hoạt động du lịch. Có thể thấy, đến nay cưỡi voi là một dịch vụ du lịch khá phổ biến tại nhiều nước Đông Nam Á, ví dụ như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia.

Nhiều người nghĩ loài voi khỏe như vậy thì vài người cưỡi một lúc cũng không có vấn đề gì. Nhưng thực tế là hành động cưỡi voi có thể gây ra những thương tổn vinh viễn cho loài vật này. Mới đây, một nhóm cứu hộ động vật ở Thái Lan đã chia sẻ bức ảnh những du khách cưỡi lên lưng một chú voi, khiến chúng chịu tổn thương nặng nề. Có thể thấy, phần lưng của chú voi trùng hẳn xuống, chân trước dài hơn chân sau.

Hình ảnh chú voi bị hủy hoại cột sống phản ánh mặt tối của ngành công nghiệp du lịch - Ảnh 1.

Hình ảnh chú voi với phần lưng trùng xuống

25 năm chở khách làm biến dạng cột sống

Cụ thể, tổ chức Wildlife Friends Foundation ở Thái Lan (WFFT) đã chụp lại bức ảnh về một chú voi cái có tên Pai Lin. Pai Lin năm nay đã 71 tuổi và cột sống của chú voi này đã bị biến dạng nặng nề sau 25 năm chở khách, đôi lúc Pai Lin phải mang trên lưng cùng lúc 6 vị khách.

Tổ chức này cho biết: "Lưng của Pai Lin vẫn phải chịu áp lực liên tục, khiến cho các mô và xương trên cơ thể bị thoái hoá, từ đó cột sống bị tổn thương vĩnh viễn".

Tổ chức Wildlife Friends Foundation ở Thái Lan là tổ chức phi chính phủ, được thành lập vào năm 2001 bởi giám đốc Edwin Wiek với sự giúp đỡ của người dân địa phương từ tỉnh Phetchaburi. Nhiệm vụ của tổ chức này là giải cứu các loài động vật hoang dã được nuôi nhốt hay thuần hoá.

Hình ảnh chú voi bị hủy hoại cột sống phản ánh mặt tối của ngành công nghiệp du lịch - Ảnh 2.

Kinh doanh dịch vụ cưỡi voi thực chất là ngược đãi động vật trá hình

Cưỡi voi là một hoạt động du lịch phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á, nhưng các nhà hoạt động xã hội buộc tội hành động này là một hình thức ngược đãi động vật vì bản chất cơ thể của chúng không được cấu tạo để chuyên chở vật nặng, nói cách khác, voi không sinh ra để cho con người cưỡi.

Tom Taylor, giám đốc dự án của nhóm, cũng khẳng định rằng lưng voi không phù hợp với công việc mang trọng lượng nặng: “Các đốt xương của chúng hướng lên trên. Áp lực khối lượng lớn liên tục từ khách du lịch lên xương sống của voi có thể dẫn đến tổn thương thể chất vĩnh viễn. Qua đó ta có thể hình dung được những đau đớn mà Pan Lin đã phải gánh chịu trong suốt hơn 20 năm qua”.

Hình ảnh chú voi bị hủy hoại cột sống phản ánh mặt tối của ngành công nghiệp du lịch - Ảnh 3.

Voi không sinh ra để cho con người cưỡi

Giám đốc Wiek cũng củng cố quan điểm này, ông nói: “Voi, không giống như ngựa, không được nuôi để cưỡi. Chúng cũng không phải là động vật được thuần hóa và được bắt từ tự nhiên để rồi nuôi nhốt trong điều kiện tồi tệ”.

Những chú voi tội nghiệp thường bị lạm dụng và vắt kiệt sức trong các ngành công nghiệp khác như khai thác gỗ, nhiều con đã phải bỏ mạng vì kiệt sức và suy dinh dưỡng khi bị ép làm việc.

Riêng tại Thái Lan, cưỡi voi là một dịch vụ du lịch hợp pháp và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Thái Lan. Hằng năm các du khách trong và ngoài nước tìm đến các khu bảo tồn hay trại voi ở Thái Lan để có cơ hội tiếp xúc với chúng.

Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề nhức nhối và gây tranh cãi. Voi tại Thái Lan được nuôi nhốt từ khi chúng vừa mới chào đời. Chúng bị ép phải tách ra khỏi môi trường tự nhiên và sống trong điều kiện khắc nghiệt ở những khu bảo tồn hoặc các trung tâm du lịch. Rất nhiều con bị đánh đập từ nhỏ vì huấn luyện viên muốn chúng phải học cách nghe lời. Ngoài đánh đập, họ cũng dùng đến hình thức bỏ đói voi.

Pai Lin đến khu bảo tồn của chúng tôi vào năm 2006 sau khi phục vụ cho các tour du lịch Thái Lan. Chủ cũ đã bỏ rơi chú voi Pai Lin vì cho rằng chú voi này quá chậm chạp, luôn bị bệnh và không thể làm việc được nữa”, Edwin Wiek, giám đốc và người sáng lập WFFT, trả lời CNN.

Giải cứu voi nhưng cũng là giúp đỡ những loài khác

Pai Lin đang sống chung với 24 chú voi khác. Chú voi tội nghiệp đã được giải cứu và được cung cấp biện pháp bảo vệ phù hợp. Giám đốc Wiek cho biết: “Chú voi đã có da có thịt hơn so với khi mới đến. Nhưng bạn có thể thấy xương sống của nó bị thay đổi rõ ràng - đó là một dị tật thể chất mà sẽ đi theo chú voi này đến suốt đời, nhưng hiện tại Pai Lin đã rất khoẻ mạnh.

Hình ảnh chú voi bị hủy hoại cột sống phản ánh mặt tối của ngành công nghiệp du lịch - Ảnh 4.

Giải cứu được voi sẽ thúc đẩy các chiến dịch giải cứu khác

Hiện câu chuyện về Pai Lin đang được chia sẻ rộng rãi để nâng cao nhận thức về hành vi ngược đãi loài voi, đồng thời khuyên du khách đừng cưỡi chúng. Cưỡi voi không những là hành động tàn ác với voi mà còn nguy hiểm với con người. Được biết vào năm 2016, một sự cố đáng tiếc đã xảy ra ở một trại voi Thái Lan, khi một con voi đang chở khách bỗng trở nên hung hăng và kích động. Con voi đó dùng ngà đâm vào người quản tượng, rồi bỏ chạy vào rừng, mang theo hai du khách sợ hãi bị mắc kẹt trên lưng voi. Một du khách đã thiệt mạng khi văng khỏi lưng của voi.

Nhờ sự phát triển của Internet, những cá nhân và tổ chức đã lên tiếng mạnh mẽ về quyền động vật, các du khách đã dần hiểu rõ và thay đổi thái độ về việc cưỡi voi. Tuy nhiên, rộng hơn thế, tất cả các loài vật chịu cảnh ngược đãi trong các sở thú cũng có được sự chú ý cần thiết. Hiện tại, nhiều quốc gia đã có những chế tài xử phạt nghiêm khắc với các hành vi bạo lực hay lạm dụng đối với động vật.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày