Kết thúc buổi học, tôi bước vào một nhà hàng bán mì ramen ở Kyoto vào một buổi sáng se lạnh cuối tháng 10. Không gì tuyệt hơn một bát súp nóng lúc này.
Sau một tháng du học ở Nhật, việc dùng bữa ở các quán ăn đã trở thành hoạt động thường ngày của tôi. Tôi cũng đã quá quen với những bảng hiệu ghi dòng chữ "mokushoku", trong tiếng Nhật nghĩa là ăn trong im lặng, hay ăn một mình.
Tôi hay hướng mắt vào bảng hiệu, nhìn chằm chằm không rời, rồi sau đó mới từ tốn gọi đồ ăn và thưởng thức một mình. Mới vài tháng trước, khi tôi còn học ở New Jersey (Mỹ), chỉ cần nghĩ đến chuyện phải đi ăn một mình thôi là tôi đã phát hoảng lên rồi. Nhưng ở Kyoto, một thành phố không hối hả như thủ đô Tokyo, tôi dần quen và yêu với nhịp sống chậm rãi nơi đây.
Kyoto đã mở cửa lại cho khách du lịch quốc tế vào ngày 11/10/2022 sau ba năm hạn chế. Là một du học sinh thuộc diện trao đổi văn hóa, tôi được phép đến thành phố hai tháng trước khi biên giới chính thức mở cửa trở lại, với điều kiện là tôi phải xin được thị thực sinh viên. Hai tháng đầu thật yên tĩnh và yên bình, có rất ít khách du lịch lui tới các hàng quán.
Giờ đây, nhiều cửa hàng ramen có lắp vách ngăn bằng nhựa để thực khách tiện dùng bữa, đại dịch đã khiến người Nhật có thêm lý do để "hợp thức hóa" việc đi ăn một mình. Trong khoảng thời gian sinh sống tại đây, tôi dần nhận ra sự khác biệt của việc "cô đơn" và "một mình". Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Cô đơn là khi bạn rơi vào một trạng thái tựa như cách ly xã hội, bạn bị bỏ rơi và mất kết nối dù đang trong một không gian chật kín người. Còn một mình tức là bạn tận hưởng một bữa ăn ở nhà hàng mà không đi cùng ai, tại một đất nước mà chẳng ai biết bạn, nhưng bạn vẫn cảm thấy thoải mái.
Ở một nơi mà hiện tượng đi ăn một mình phổ biến đến mức người ta phải lắp đặt bảng thông báo, tôi vừa thấy bình thường nhưng cũng thấy thích thú.
Đi ăn một mình đúng là có nhiều lợi ích thật, nhưng mới đầu, tôi không thể nào chối bỏ cảm giác "vướng mắc" mơ hồ. Từ lúc bước vào nhà hàng cho đến khi gọi món, tôi liên tục quan sát xung quanh và giao tiếp bằng ánh mắt với người phục vụ, như thể tôi đang cần gọi thêm món hay muốn bám víu vào ai đó để khỏa lấp sự cô đơn. Ngại ngùng là thế, nhưng đổi lại, tôi có thời gian để tận hưởng và toàn tâm thưởng thức đồ ăn mà không phải "tiếp chuyện" với ai đó đi cùng. Đây là một trải nghiệm mới lạ mà tôi cần làm quen.
Nhiều hàng quán có những vách ngăn cho những khách hàng yêu thích sự riêng tư
Khi thấy cô đơn lúc đi ăn một mình, bạn sẽ nghĩ ra nhiều cách để thử thách bộ não, và giữ cho bản thân mình cảm thấy bình yên dù không đi cùng ai. Ăn tối một mình là một điều mà nhiều người "e ngại", nhưng thực hành thói quen này có thể đem lại những sự "tỉnh thức" bạn chưa từng nghĩ tới. Người ta đã nói rất nhiều về việc "tìm kiếm sức mạnh nội tại" đến mức cụm từ này dần trở nên sáo mòn, nhưng khi đạt được nó rồi, ta dường như trải nghiệm mọi thứ bằng một góc nhìn khác hẳn.
Văn hóa mokushoku bắt đầu từ một nhà hàng cà ri ở thành phố Fukuoka, thành phố lớn thứ năm Nhật Bản, sau đó nhiều nhà hàng khác trong khu vực bắt đầu học theo rồi mới dần mở rộng ra khắp đất nước. Ngay cả các khu vực ăn uống ở các trường tiểu học Nhật Bản cũng phổ biến hình thức này.
Các hàng quán sẽ lắp vách ngăn bằng nhựa, xốp hoặc gỗ như một cách tôn trọng không gian riêng tư của khách, giúp việc dùng bữa thoải mái, hiệu quả hơn, đồng thời khuyến khích mọi người bình thường hóa thói quen đi ăn một mình. Tuy nhiên vách ngăn chỉ mang tính hình thức, bởi dù có hay không thì mỗi thực khách khi bước vào nhà hàng mokushoku đều ngầm hiểu mình cần dùng bữa trong yên lặng. Đối với người hướng nội, dùng bữa một mình có ý nghĩa rất quan trọng.
Một sinh viên người bản địa từng nói với tôi rằng người hướng ngoại ở Nhật là tiêu chuẩn của người hướng nội trong mắt người Mỹ. Mặc dù có hơi quy chụp khi bảo rằng mỗi quốc gia đều có một kiểu tính cách đặc trưng, nhưng nếu phải đánh giá khuynh hướng tính cách của người Nhật, có lẽ người Nhật nhìn chung khá hướng nội.
Họ rất để tâm đến từng lời mình nói ra, điều này một phần xuất phát từ nền văn hóa cộng đồng, ít dám chấp nhận các cá thể khác biệt. Rất hiếm khi tôi nghe thấy một cuộc tranh luận diễn ra trên bàn ăn của người Nhật, trong khi điều này diễn ra thường xuyên ở các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Mokushoku giúp tôi học tiếng Nhật. Khi không đi cùng một người bạn biết nói tiếng Nhật, tôi phải "tự thân vận động" liên tục, tôi giao tiếp với nhân viên, cố gắng giải thích bằng vốn từ hạn hẹp. Mặc dù mới đầu cũng vấp váp nhiều, nhưng mỗi lần mắc lỗi là một lần tôi học từ mới nhanh hơn. Chẳng hạn, tôi biết tỏi gọi là "ninniku" sau nhiều lần cố gắng giải thích cho người phục vụ. Tôi đang học bằng kinh nghiệm thực tế.
Ăn một mình cũng giúp tôi trân quý thực phẩm. Nhật Bản có những món ăn hoặc nước sốt với hương vị ngọt mặn rất đặc biệt, tôi luôn thích từ từ nếm thử những hương vị mới.
Trong khi chậm rãi thưởng thức bữa ăn, tôi cũng tranh thủ cập nhật tin nhắn từ bạn bè. Nhưng trên hết, tôi không cảm thấy cô đơn, dẫu đang một mình một bàn. Từ lâu tôi chỉ mải mê dành thời gian để nghĩ về người khác mà quên mất việc tự nâng ly chúc mừng chính mình. Giờ đây, mỗi lần đi ăn đều tựa như những dịp "ăn mừng" nho nhỏ.
Bất cứ khi nào tôi thấy một khách hàng khác đi ăn mà không dắt theo ai, tôi biết ở thành phố Kyoto này, thoải mái khi ở một mình nghĩa là bạn đã đạt được cảm giác tự do.
* Bài viết được thực hiện bởi Anne Wen, một cây bút tự do của tờ Insider