Bị cáo Hồ Duy Hải năm 2008.
Đã bị tuyên tử hình
Sáng 6/5, TAND Tối cao mở phiên Giám đốc thẩm với Hồ Duy Hải (SN 1985, ở Thủ Thừa, Long An) – người đã bị 2 cấp xét xử sơ, phúc thẩm tuyên tử hình về các tội giết người, cướp tài sản.
Cụ thể, TAND tỉnh Long An xử sơ thẩm và xác định, khoảng 20 giờ ngày 13/1/2008, Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa) gặp các chị Nguyễn Thị Thu Vân, Nguyễn Thị Ánh Hồng.
Tại đây, Hải đưa tiền cho chị Vân đi mua trái cây về ăn và sau đó đã nắm tay, kéo chị Hồng vào buồng nhằm quan hệ tình dục. Tuy nhiên, chị Hồng phản ứng, bỏ chạy nên Hải đuổi theo, xô ngã nạn nhân rồi lấy thớt tròn đập vào vùng đầu. Hải còn dùng dao cắt cổ chị Hồng khiến người này tử vong.
Tiếp đến, Hải đi ra khu vực phòng vệ sinh rửa dao và tay cho sạch máu rồi dắt dao vào lưng quần. Lúc này, chị Vân đi mua trái cây về thấy chị Hồng bị tử vong nên bỏ chạy. Hải cũng đuổi theo, cầm ghế xếp inox đánh vào đầu rồi lấy dao thủ sẵn cắt cổ khiến chị Vân tử vong.
Bản án xác định, do máu bắn vào tay và áo nên Hải ra phòng vệ sinh rửa và đi lên nhà bỏ dao vào tấm bảng lớn để sát vách tường gần cầu thang. Sau đó, Hải lên phòng giao dịch mở tủ lấy tiền, tài sản của 2 cô gái.
Sau khi gây án, Hải leo qua hàng rào ngăn giữa sân sau và sân trước, lấy xe rồi chạy về hướng nhà dì ruột. Ngày 18/1/2008, Hải lấy số nữ trang, sim điện thoại lên TP.HCM bán. Tiếp đến, do sợ bị phát hiện nên Hải lấy quần áo, dây lưng đã mặc hôm gây án đem ra đốt ở sau vườn nhà dì ruột.
TAND tỉnh Long An sau đó tuyên phạt Hồ Duy Hải án tử hình về tội giết người, 5 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là tử hình. Hải sau đó xin giảm nhẹ hình phạt nhưng bị tòa phúc thẩm tại TP.HCM bác kháng cáo nên bản án tử hình của người này đã có hiệu lực pháp luật.
Bản án có mâu thuẫn
Người nhà và luật sư của Hồ Duy Hải sau đó gửi đơn cầu cứu tới nhiều nơi, cho rằng Hải không có tội như bản án nêu trên. Ngày 22/11/2019 (tức 11 năm sau khi xảy ra vụ án), Viện trưởng Viện KSND Tối cao ra Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm, đề nghị tuyên hủy án tử hình của Hải để điều tra lại.
Quyết định kháng nghị cho rằng, có sự mâu thuẫn rất lớn giữa kết quả khám nghiệm hiện trường với lời khai nhận tội. Ví dụ, Hải khai đi ra nhà tắm rửa tay, dao cho sạch máu; đập đầu chị Hồng vào chậu rửa Lavabo nhưng khám nghiệm không có dấu vết này.
Hải cũng khai dùng ghế đập đầu chị Vân trên phòng khách rồi kéo ra, đặt đầu chị Vân lên bụng chị Hồng để cắt cổ nhưng theo bản ảnh và Biên bản khám nghiệm hiện trường thể hiện chiếc ghế này nằm dưới nền nhà và chị Vân gác chân lên ghế.
Tiếp đến, một nhân chứng xác nhận trong ngày xảy ra vụ án có đến Bưu điện Cầu Voi để gọi điện về Cà Mau vào 19h39. Nhân chứng nhìn thấy một thanh niên ngồi trong bưu điện nhưng kết luận điều tra thể hiện vào lúc 19h13, Hải đang có mặt tại hiệu cầm đồ. Viện kiểm sát tối cao tính toán quãng đường và cho rằng Hải không thể có mặt tại bưu điện lúc 19h39 như kết luận điều tra đã xác định.
Căn cứ kháng nghị khác là hiện trường có nhiều dấu vân tay nhưng không trùng với vân tay của Hồ Duy Hải; điều tra thể hiện Hải giết người rất đơn giản nhưng cả 2 nạn nhân có nhiều thương tích, đồ đạc xung quanh thể hiện họ có chống cự; án phúc thẩm cho rằng Hải trèo cổng sau khi gây án – lúc trên người dính nhiều máu nhưng biên bản khám nghiệm hiện trường thể hiện cánh cổng không có vết máu nào.
Về tố tụng, Viện KSND Tối cao cho rằng vụ án có nhiều vi phạm nghiêm trọng như bỏ sót chứng cứ, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa ra một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ....
Các mốc thời gian trong vụ án
Ngày 13/1/2008, các chị Hồng, Vân bị sát hại. Ngày 01/12/2008, TAND tỉnh Long An đưa Hải ra xét xử, tuyên phạt tử hình. Sau đó, Hồ Duy Hải có đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 28/4/2009, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm và bác kháng cáo của Hải.
Ngày 4/5/2009, Hồ Duy Hải gửi đơn, xin Chủ tịch nước cho ân giảm án tử hình.
Ngày 24/5/2011, Chánh án TAND Tối cao quyết định không kháng nghị bản án và có Tờ trình gửi Chủ tịch nước đề nghị bác đơn xin ân giảm tử hình của Hồ Duy Hải.
Ngày 24/10/2011, Viện trưởng Viện KSND Tối cao (tức ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao hiện nay) cũng quyết định không kháng nghị vụ án và đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hải.
Ngày 17/5/2012, Chủ tịch nước có quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Ngày 4/12/2014, do mẹ đẻ của Hồ Duy Hải kêu oan cho con, TAND Tối cao đề nghị Chánh án TAND tỉnh Long An dừng thi hành án với Hải.
Ngày 23/12/2014, liên ngành Tư pháp Trung ương đã họp và thành lập Tổ chuyên viên thẩm định vụ án Hồ Duy Hải. Ngày 19/4/2016, liên ngành Tư pháp Trung ương họp và xác định Hồ Duy Hải không bị kết án oan.
Ngày 12/2/2018, Ủy ban Tư pháp Quốc hội có công văn kiến nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm vụ án. Chủ tịch nước cũng có ý kiến đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét vụ án, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Ngày 22/11/2019, Viện KSND Tối cao đã kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm, đề nghị hủy các bản án sơ - phúc thẩm đã tuyên cho Hồ Duy Hải để điều tra lại.
Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015: "Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án".
Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm gồm:
1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
2. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật.
3. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.
4. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.
5. Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
6. Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.