Hiện tượng "lại giống" khi con người có đuôi, lông tóc mọc khắp cơ thể: Là do tái hiện đặc điểm tổ tiên xa xưa hay chỉ là trò đùa của tạo hóa?

Yu, Theo Helino 02:35 13/12/2019

Rốt cuộc, những người mang đặc điểm đã thoái hóa của tổ tiên là vì nguyên nhân gì?

Thỉnh thoảng con người thường hay phát hiện một số động vật kỳ lạ, gọi là kỳ lạ bởi vì chúng có những đặc điểm vốn không hề tồn tại trên cơ thể giống loài đó. Năm 2006, một con cá heo mũi chai (Tursiops truncatus, là một loài nổi tiếng trong họ Delphinidae, bộ Cetacea) được bắt tại Nhật Bản. Vào thời điểm đó, hình ảnh chú cá heo này xuất hiện ngập tràn trên các trang tin tức toàn thế giới bởi vì điều đặc biệt: Cá heo có 4 vây.

Hiện tượng lại giống khi con người có đuôi, lông tóc mọc khắp cơ thể: Là do tái hiện đặc điểm tổ tiên xa xưa hay chỉ là trò đùa của tạo hóa? - Ảnh 1.

Cá heo 4 vây được phát hiện tại Nhật Bản vào năm 2006.

Bằng chứng hóa thạch cho thấy khoảng 50 triệu năm trước, tổ tiên của bộ Cá voi (Cetaceans) có 4 chân, chúng là động vật có vú sống trên cạn và có cùng tổ tiên với hà mã và hươu.

Sau đó, chúng di chuyển từ đất liền ra biển và dần dần phát triển thành hình thái mà chúng ta nhìn thấy ở hiện tại. Để thích nghi với môi trường biển, chi trước của những loài thuộc bộ Cá voi trở thành vây, chi sau bị thoái hóa và biến mất. Khi một đặc điểm đã mất từ lâu xuất hiện trở lại trên cơ thể sinh vật một cách ngẫu nhiên, đó gọi là “Sự lại giống” (Atavism).

Mặc dù các chi sau của các loài thuộc bộ Cá voi đã bị thoái hóa hoàn toàn, nhưng chúng vẫn còn giữ những dấu vết xương chi sau như xương thắt lưng, xương đùi và xương chày. Chỉ là chúng ta không thể thấy rõ nếu không quan sát kỹ lưỡng.

Thực tế là trên cơ thể con người hiện đại có thể tìm thấy được hơn một trăm dấu vết của bộ phận đã biến mất. Bao gồm: Ruột thừa, manh tràng, răng khôn, núm vú nam, ống dẫn tinh dịch nữ,... Trong số đó, xương cụt là bằng chứng rõ ràng nhất cho việc loài người chúng ta từng có đuôi.

Hiện tượng lại giống khi con người có đuôi, lông tóc mọc khắp cơ thể: Là do tái hiện đặc điểm tổ tiên xa xưa hay chỉ là trò đùa của tạo hóa? - Ảnh 2.

Xương cụt ở người.

Các nhà khoa học đã chứng minh con người tiến hóa từ loài vượn, mà một trong những đặc điểm của vượn là thiếu đuôi. Và xương cụt là “tàn dư” của cái đuôi trong quá trình tiến hóa (xương cụt hay xương đuôi là xương rất nhỏ ở phần cuối của cột sống. Nó có tác dụng quan trọng giúp giữ cân bằng khi bạn ngồi và cố định các nhóm cơ, gân, dây chằng xung quanh). Nó thường có hình khối tam giác và gồm khoảng 3 - 5 đốt sống. Hiện tượng lại giống thường xuất hiện ở các “tàn dư” này.

Sự tiến hóa không phải là quá trình loại bỏ hoàn toàn những đặc điểm cũ, mà là thay đổi, “chắp vá” trên cơ sở đặc điểm hiện có. Một số gen của tổ tiên xa xưa không biến mất hoàn toàn, những gen này sẽ trở thành cấu trúc nền tảng nhất cho các sinh vật sống.

Ví dụ, khi phôi người bình thường phát triển đến khoảng 4 - 5 tuần tuổi, 10 - 12 xương sống sẽ phát triển, chiếm hơn 10% chiều dài của phôi. Nhưng đến tháng thứ 2, “xương đuôi” bắt đầu trải qua quá trình “Chết rụng tế bào” (Apoptosis). Trong khoảng tháng thứ 3 hoặc lâu hơn, phần “đuôi” rút lại hoàn toàn và biến mất, 3 - 5 đốt sống hợp nhất lại thành 1 xương cụt.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều đứa trẻ vẫn có thể có những chiếc đuôi nhỏ với độ dài khác nhau khi sinh ra. Đây cũng là những trường hợp sự lại giống mà chúng ta thường nghe nhất.

Hiện tượng lại giống khi con người có đuôi, lông tóc mọc khắp cơ thể: Là do tái hiện đặc điểm tổ tiên xa xưa hay chỉ là trò đùa của tạo hóa? - Ảnh 3.

Một đứa bé Trung Quốc 5 tháng tuổi với chiếc đuôi nhỏ.

Trong nhiều năm qua, các phương tiện truyền thông đã đưa tin rất nhiều trường hợp con người có đuôi. Nhưng không phải tất cả đều thuộc hiện tượng sự lại giống. Theo định nghĩa, sự lại giống là những gen ban đầu xuất hiện trở lại, khác với các trường hợp đột biến ra các gen mới. Do đó, rất khó để nói một hình thái là sự lại giống hay là dị dạng do đột biến gen.

Các tài liệu y khoa cho thấy, đã có hơn 100 trường hợp người có đuôi, trong số này có người có “đuôi thật”, cũng có những trường hợp là “đuôi giả”. Một trường hợp nổi tiếng nhất xuất hiện ở Ấn Độ, một thiếu niên có “đuôi” dài 18cm, nhưng có thể đây là kết quả của bệnh gai cột sống. Dù được xem như một “thần linh chuyển thế” nhưng cậu ta không thể đi lại và phải di chuyển bằng xe lăn. Có thể thấy đuôi cậu ta không bắt đầu từ “xương cụt” mà là từ thắt lưng.

Hiện tượng lại giống khi con người có đuôi, lông tóc mọc khắp cơ thể: Là do tái hiện đặc điểm tổ tiên xa xưa hay chỉ là trò đùa của tạo hóa? - Ảnh 4.

"Thần linh chuyển thế" của người Ấn Độ với cái đuôi "mọc" từ lưng. Đây không phải là trường hợp "Sự lại giống".

Một cái đuôi thật sự không như vậy. Nó chứa mỡ, mô liên kết phức tạp, cơ vân, mạch máu và dây thần kinh. Trên da được bao phủ bởi các sợi lông. Những cái đuôi này cũng rất lành tính, và cá thể vẫn có thể phát triển bình thường mà không có bất kỳ khó khăn nào xuất hiện trong cuộc sống thường ngày.

Ngoài những chiếc đuôi kỳ lạ đó, chúng ta cũng hay thấy hình ảnh những “đứa bé lông lá” xuất hiện trên internet. Tuy nhiên, bệnh nhiều lông (Hypertrichosis hay còn gọi là hội chứng Ambras, bệnh người sói, bệnh ma sói, hội chứng người sói) cũng không đồng nghĩa với hiện tượng ‘Sự lại giống”, chúng thường do đột biến gen gây ra. Những người mắc bệnh này ngoài lông phát triển rậm rạp trên cơ thể còn có thể có lông dày đặc trên mặt. Trong khi đó, trên khuôn mặt loài vượn tổ tiên của con người không hề có lông, điều này chứng tỏ bệnh nhiều lông (Hypertrichosis) không hề liên quan đến hiện tượng sự lại giống.

Hiện tượng lại giống khi con người có đuôi, lông tóc mọc khắp cơ thể: Là do tái hiện đặc điểm tổ tiên xa xưa hay chỉ là trò đùa của tạo hóa? - Ảnh 5.

Alice Elizabeth Doherty, cô gái Hoa Kỳ mắc bệnh nhiều lông.

Thực tế, chúng ta vẫn có nhiều thông tin chưa được rõ ràng về hiện tượng sự lại giống. Nhưng chỉ có nghiên cứu sâu hơn về di truyền học, chúng ta mới có thể tìm ra nguồn gốc chính xác của loài người.

Nguồn: Zhihu