Theo các chuyên gia, COVID-19 có tốc độ lây lan cao gấp 2,5 lần so với cảm cúm thông thường, nhưng nhiều người nhiễm virus không có các triệu chứng mắc bệnh, do đó con số hơn 200.000 ca được xác nhận nhiễm virus này chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".
Ngày 17/3 vừa qua, Chính phủ Anh thừa nhận có thể đã có hơn 55.000 ca nhiễm COVID-19 ở nước này, cao hơn nhiều so với con số 2.600 ca ghi nhận được tính đến nay.
Chuyên gia dịch tễ học Jerry Shaman tại Đại học Columbia Jerry Shaman nhận định "có khả năng" các quốc gia phát triển chỉ mới phát hiện được từ 10-20% trong tổng số ca mắc COVID-19 trên thực tế. Theo ông Shaman, có nhiều nguyên nhân lý giải cho khả năng này, trong đó có năng lực xét nghiệm, coi nhẹ dịch bệnh và sự ngạo mạn.
Một bệnh nhân được lấy máu để xét nghiệm tại bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 16/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Việc không phát hiện ra các ca nhiễm hoặc các ca nhiễm không có triệu chứng bệnh có thể đồng nghĩa virus SARS-CoV-2 ít nguy hiểm chết người hơn so với những lo ngại ban đầu. Tuy nhiên, tỷ lệ sàng lọc thấp là một vấn đề lớn đối với các chính phủ trên toàn thế giới hiện đang nỗ lực ngăn chặn dịch lây lan và giảm bớt áp lực đối với các hệ thống y tế.
Theo chuyên gia Shaman, nhiều trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở mức nhẹ nhưng vẫn dễ lây cho người khác. Vì vậy khi họ tham gia các hoạt động thường ngày như đi làm hay sử dụng phương tiện giao thông công cộng sẽ làm lây lan virus trong cộng đồng.
Bà Cecile Viboud, nhà nghiên cứu dịch bệnh tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ đánh giá cao trường hợp Hàn Quốc. Sau khi số ca nhiễm tăng vọt hồi tháng 2 vừa qua, ngoài thực hiện nghiêm các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhà chức trách Hàn Quốc đã nâng cao năng lực xét nghiệm, và theo bà Cecile Viboud, việc tăng mạnh số ca xét nghiệm "là bước ngoặt thực sự" trong công tác ngăn chặn dịch ở nước này.
Từ đánh giá trên, bà Viboud cho rằng điều quan trọng cần làm trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay là tiến hành xét nghiệm sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm.
Đầu tuần này, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các nước cần kiểm tra mọi trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19, coi đây là công tác hết sức quan trọng.
Bà Sharon Lewin, người đứng đầu Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và Miễn dịch Peter Doherty tại Đại học Melbourne, cũng dẫn chứng một điển hình khác trong xét nghiệm và xác định các tiếp xúc của bệnh nhân là Singapore. Đảo quốc này đã triển khai xét nghiệm rất sớm và xác định các ca nhiễm qua theo dõi những người tiếp xúc gần với những trường hợp này, từ đó khẩn trương tiến hành các biện pháp cách ly nghiêm ngặt. Ngoài ra, Singapore cũng đã triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn, hạn chế tiếp xúc gần, với việc đóng cửa trường học từ 2-3 tuần, cấm các hoạt động tập trung đông người.
Các chuyên gia cảnh báo một khi số ca lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng thì chỉ có một cánh cửa hẹp mở cho cơ hội ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch COVID-19, và dường như minh chứng cho cảnh báo này là Italy và Tây Ban Nha - hai "ổ dịch'' lớn nhất ở châu Âu.