Hiểm họa đằng sau siêu phẩm của Công Phượng

Thiên Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 16:02 08/02/2017
Chia sẻ

Bàn thắng đẹp mắt mang lại niềm vui cho cá nhân Công Phượng cũng như nhiều người hâm mộ, nhưng đằng sau niềm vui ấy lại là nỗi lo rất cũ với không chỉ riêng chân sút HAGL.

Đá giao hữu với Malaysia để làm gì? 

Có lẽ đến tận bây giờ, người ta vẫn phải đặt ra câu hỏi tại sao phải sắp xếp một trận đấu giao hữu đầu xuân Đinh Dậu với U23 Malaysia, đội bóng chủ nhà của SEA Games 29, cũng được xem là đối thủ chính của U23 Việt Nam ở giải đấu sẽ diễn ra vào tháng 8 tới. 

Sở dĩ phải đặt câu hỏi ấy bởi từ thời điểm diễn ra trận đấu giao hữu này cho tới việc lựa chọn Malaysia làm đối thủ cho thấy rất nhiều điểm nghịch lý. 

Về tính thời điểm, các cầu thủ vẫn đang thi đấu ở giải quốc nội, vừa mới ăn tết cổ truyền cùng gia đình. Những cầu thủ như Hà Đức Chinh cũng chỉ vừa kết thúc trận đấu ở Cúp QG, tới nỗi HLV Huỳnh Đức phải nổi cáu không muốn "nhả quân" cho một trận "vô thưởng, vô phạt". 

Bên cạnh đó, việc tập trung chỉ chưa đầy 1 tuần rồi về, trong khi kế hoạch chuẩn bị cho SEA Games vẫn chưa được lên trang khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu vì sao phải tổ chức một trận đấu giao hữu vào thời điểm ấy. 

Hiểm họa đằng sau siêu phẩm của Công Phượng - Ảnh 1.

Thực tế, việc hội quân trong thời gian ngắn để đá 1 trận giao hữu ở đội tuyển như thế cũng không lạ, nhưng sắp xếp thế nào để phù hợp và cho trận đấu có ý nghĩa, chất lượng lại là câu chuyện khác. Thời điểm diễn ra trận đấu với Malaysia không trùng với ngày "FIFA day", và đương nhiên đối thủ của chúng ta cũng sẽ không thể có được lực lượng tốt nhất. 

Việc chọn Malaysia là đối thủ lại càng cho thấy chúng ta tiếp tục đi theo một vòng luẩn quẩn khi chọn đúng đối thủ chính sẽ cạnh tranh ở SEA Games để thi đấu. Những bài học nhãn tiền vẫn còn nguyên vẹn, khi mới năm ngoái, chúng ta cũng mời Indonesia đá giao hữu trước AFF Cup và kết quả, khi gặp lại họ chúng ta thất bại ở bán kết. Năm 2015, chúng ta cũng mời Myanmar sang đá giao hữu trước SEA Games và kết quả lại thua họ khi vào giải đấu chính thức cũng ở trận bán kết. 

Ngay chính Malaysia, năm 2014 chúng ta cũng mời họ đá giao hữu để chuẩn bị cho AFF Cup 2014 diễn ra, trận ấy đội tuyển Việt Nam thắng tưng bừng nhưng rồi khi bước vào giải lại thua họ cũng tại bán kết. 

Tuy nhiên, sau bao năm VFF vẫn không sửa sai và tiếp tục mời một đội bóng trong khu vực sang đá giao hữu, đương nhiên họ chỉ mang đội dự bị sang và ta thì thắng tưng bừng với đội hình gần như mạnh nhất, để rồi tự làm khó chính mình. 

Siêu phẩm của Công Phượng và những nỗi lo 

Bàn thắng của Công Phượng đã mang lại niềm vui cho nhiều người hâm mộ cầu thủ này, nhiều người cho rằng bàn thắng ấy sẽ giúp Công Phượng lấy lại được trạng thái tâm lý tốt sau một thời gian rất dài "tịt ngòi" và không tìm lại được chính mình. 

Pha đi bóng solo của Công Phượng trước rừng hậu vệ Malaysia đã cho người ta được nhìn thấy hình ảnh của cầu thủ ở độ tuổi 19, ngày mà anh mới bắt đầu trình làng. Bàn thắng ấy, khiến nhiều người vỗ đùi đến đét: "Phượng của ngày xưa đây rồi!".

Hiểm họa đằng sau siêu phẩm của Công Phượng - Ảnh 2.

Nhưng từ niềm vui ấy, lại khiến người ta "dở khóc, dở cười", bởi Công Phượng mới 22 tuổi, và câu cảm thán lẽ ra chỉ dành cho những cầu thủ đã qua đỉnh cao sự nghiệp, hoặc những cầu thủ đã tuổi "băm". 

Khi Phượng ở ĐTQG, HLV Hữu Thắng bị dư luận đưa ra bài toán khó là làm thế nào để một cầu thủ 21 tuổi tìm lại mình năm 19 tuổi. Một điều nghe thôi đã thấy sự nghịch lý. 

Và bây giờ, khi Phượng 22 tuổi, người ta lại tiếp tục mong muốn đội tuyển U23 sẽ giúp Công Phượng đá như thời anh 19. Vậy hóa ra, chúng ta đang đặt giới hạn đỉnh cao của Công Phượng ở tuổi 19 chứ không phải một cầu thủ trẻ cần phải thay đổi và tiến bộ qua từng ngày.

Từ niềm vui chiến thắng của Công Phượng và đội tuyển trong một trận giao hữu không mang nhiều ý nghĩa cho thấy một vòng luẩn quẩn của bóng đá Việt Nam. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày