Hệ luỵ khi cha mẹ áp đặt con thái quá

Tùng Bách, Theo Giáo dục và Thời đại 15:51 13/11/2023
Chia sẻ

Theo chuyên gia, việc cha mẹ áp đặt, gây áp lực cho con quá mức có thể phản tác dụng, gây những hậu quả lâu dài đối với sự phát triển của con.

Cha mẹ nào cũng mong muốn bảo đảm sự an toàn và mang lại hạnh phúc cho con. Chính vì vậy, nhiều người tin rằng áp đặt khuôn khổ, con chỉ cần nghe theo sẽ thành công và không phải vấp ngã.

Áp đặt khiến phản tác dụng

Theo chuyên gia, việc cha mẹ áp đặt và gây áp lực cho con quá mức có thể phản tác dụng, gây ra những hậu quả lâu dài đối với sự phát triển tâm sinh lý của con trẻ. Theo TS Khuất Thu Hồng - Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), những năm tháng tuổi thơ của mình cũng chịu nhiều áp lực từ người lớn, thậm chí từng có ý nghĩ muốn tìm đến cái chết.

“Lúc đó cứ nghĩ mình là đứa bất hạnh nhất trên đời. Lớn lên mới biết vô vàn những đứa trẻ cũng nghĩ như thế. Và khi đó mới thấy sợ hãi cho ý nghĩ của mình và thương bố mẹ vô cùng”, TS Khuất Thu Hồng nói.

Rồi đến khi làm mẹ, dù là một chuyên gia tâm lý, bà cũng thừa nhận không tránh khỏi có những lúc làm con cái buồn khổ vì mình. Làm thế nào để nuôi dạy con nên người, không mắc phải những sai lầm lớn là điều không dễ dàng khi làm cha mẹ.

TS Hồng cho rằng, giáo dục trẻ dựa trên sự toàn diện chứ không phải nhồi nhét vào đầu trẻ đủ thứ kiến thức. Trước tiên là lối sống, hành vi, cách ứng xử trong cuộc đời. Do đó, chính cha mẹ hãy sống bao dung, biết tha thứ, không bao giờ đóng vai quan tòa, áp đặt sự trừng phạt lên bất kỳ ai. Những đứa trẻ lớn lên trong sự bao dung, hào phóng, biết ơn chắc chắn sẽ thành người tốt, bạn tốt của bất kỳ ai.

“Trong cuộc sống, cha mẹ cũng cần biết những cách thức khác giúp con khôn lớn, trưởng thành mà không cần phải sử dụng quyền làm cha mẹ áp đặt trẻ”, TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, thầy Phạm Huy Hùng (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) nhận định, việc áp đặt quá mức lên con cái sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

“Áp đặt là khi cha mẹ kỳ vọng con tuân theo các quy tắc của mình mà không được hỏi lại hay thảo luận về những nguyên tắc đó. Thay vì lắng nghe con, họ thường có xu hướng kiểm soát và định hướng con phát triển theo kế hoạch đã định hướng sẵn.

Tuy nhiên, việc cha mẹ gây áp lực và áp đặt cho con cái chỉ khiến con sống cuộc đời mà cha mẹ mong muốn; và sẽ tiếp tục ép buộc con thực hiện ước mơ bị cấm đoán, dang dở của chính mình. Thậm chí, một số bậc phụ huynh trừng phạt trẻ một cách nghiêm khắc đến mức được coi là bạo hành trẻ em nếu con không nghe lời và tuân thủ”, thầy Hùng nhận định.

Hệ luỵ khi cha mẹ áp đặt con thái quá - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: INT.

Tự ti vì bị áp đặt

Theo thầy Phạm Huy Hùng, việc cha mẹ áp đặt con cái cũng khiến con khó thể hiện bản thân, bộc lộ cảm xúc, thậm chí trẻ còn luôn lo lắng vì bị đánh giá, hoặc bị mắng mỏ nặng lời nếu chẳng may đi chệch với quy tắc nghiêm ngặt của cha mẹ. Những lời chỉ trích gay gắt có thể khiến trẻ cảm thấy thua kém so với bạn bè và có thể khiến con mặc cảm.

Thế nên, sự áp đặt có thể khiến con đánh mất lòng tự trọng và sự tự tin vào chính bản thân mình. Việc cha mẹ cứng nhắc, kiểm soát và nghiêm khắc còn làm giảm khả năng đương đầu với thế giới của con. Trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn để xử lý các tình huống cũng như đánh giá các vấn đề một cách khách quan.

“Cha mẹ độc đoán cũng thường nhấn mạnh nguyên nhân và hậu quả khi con bất tuân những nguyên tắc được đặt ra. Điều này cản trở khả năng đưa ra lựa chọn tự nhiên của trẻ. Những đứa trẻ phụ thuộc vào người khác để phát triển sự tự tin của mình thường sẽ gặp khó khăn trong các tình huống xã hội hoặc trong môi trường mới”, thầy Hùng nhấn mạnh.

Ngoài ra, áp đặt con trẻ còn gây hệ lụy như suy giảm các kỹ năng tương tác xã hội. Khi bị áp đặt quá mức, trẻ thường phát triển các hành vi xấu hoặc trở nên hung dữ. Thay vì nghĩ về cách làm mọi thứ tốt hơn trong tương lai, trẻ sẽ thường tập trung vào sự tức giận khi cha mẹ áp đặt con cái. Con có thể lớn lên để trở thành những “bậc thầy nói dối” để tránh bị trừng phạt.

Những đứa trẻ này cuối cùng trở nên mệt mỏi với danh sách các quy tắc dường như vô tận liên tục được đưa ra. Do đó, con sẽ cố tình thách thức cha mẹ bằng cách hành động đi ngược lại nguyên tắc.

Việc cha mẹ áp đặt con cái quá mức không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của con, mà còn gia tăng nguy cơ trẻ mắc phải các rối loạn tâm lý. Những đứa trẻ có cha mẹ nghiêm khắc dễ bị trầm cảm; rối loạn lo âu, ăn uống, lưỡng cực và nhân cách; lạm dụng chất kích thích…

“Những rối loạn tâm lý nêu trên sẽ cản trở khả năng học tập, các thói quen sinh hoạt lành mạnh và sức khỏe thể chất của con. Từ đó, chất lượng cuộc sống của trẻ bị suy giảm.

Cha mẹ có thể không nhận ra được những nguy hại đó ngay nhưng lâu dần sẽ gây ra hệ lụy khôn lường với trẻ. Do đó, phải quan tâm bằng chia sẻ, yêu thương thay vì áp đặt mọi thứ bắt con nhất nhất tuân theo”, thầy Hùng đưa ra lời khuyên.

Theo thầy Hùng, áp đặt những tưởng giúp con có cuộc sống hạnh phúc hơn nhưng thực chất ảnh hưởng tới sức khoẻ thể chất và tinh thần của chúng. Bởi khi cha mẹ luôn áp đặt con cái, họ sẽ thường bỏ qua và không đáp ứng những nhu cầu chính đáng của con, dẫn đến cảm giác bất an, không ổn định trong tương lai của trẻ.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày