Nghiên cứu này khiến nhiều người bất ngờ vì "thủ phạm" khiến đất nước Ai Cập cổ đại sụp đổ hóa ra lại xuất phát từ những "căng thẳng xã hội", hệ lụy đáng sợ từ núi lửa phun trào và biến đổi khí hậu.
Điều này cho thấy biến đổi khí hậu có ảnh hưởng ghê gớm và tác động rất lớn đến đời sống và xã hội loài người từ rất lâu đời.
Biến đổi khí hậu và núi lửa phun trào "leo thang" là nguyên nhân khiến xã hội Ai Cập gặp nhiều bất ổn, xung đột. Ảnh: Getty
Joseph Manning, tác giả chính của báo cáo chuyên sâu về sự sụp đổ của "xứ sở kim tự tháp" tại Đại học Yale (Mỹ) đã tuyên bố rằng, những thảm họa thiên nhiên liên tiếp chính là nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn lớn trong xã hội Ai Cập cổ đại.
Nghiên cứu này đã cho thấy một bức tranh mới về nền văn minh cổ đại Ai Cập, nơi từng xảy ra hạn hán và thảm họa thiên nhiên liên miên. Chính những biến động này gây ra tình trạng căng thẳng về nền kinh tế và nảy sinh các xung đột trong xã hội Ai Cập cổ đại lúc bấy giờ.
Joseph cho biết: "Người Ai Cập cổ đại hầu hết đều tận dụng lượng phù sa màu mỡ ở hai bên bờ sông Nile để canh tác, do đó họ phụ thuộc rất nhiều vào mùa nước lũ dâng cao thường mỗi năm một lần của con sông Nile.
Hoạt động mạnh mẽ của núi lửa trong khu vực đã làm suy giảm mực nước lũ của sông Nile, gây ra nhiều khó khăn trong việc đảm bảo lương thực đầy đủ cho người dân. Việc canh tác nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến căng thẳng xã hội, gây ra tình trạng bất ổn và kéo theo nhiều hậu quả chính trị và kinh tế khác".
Hình minh họa: Internet
Núi lửa tác động mạnh mẽ, vương triều Cleopatra sụp đổ
Cụ thể, nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications cho thấy, thiếu thốn lương thực đã gây ra tình trạng rối loạn kinh tế và chính trị, có thể là hệ quả đẩy Ai Cập cổ đại đến bước đường sụp đổ.
Căn cứ vào những tài liệu ghi chép thời điểm phun trào núi lửa trong quá khứ và đối chiếu với tài liệu mô tả về sự bất ổn của xã hội Ai Cập, cùng với lịch sử mực nước sông Nile thời cổ đại, các nhà khoa học đã phát hiện ra một vụ phun trào núi lửa khủng khiếp vào năm 44 trước công nguyên.
Hệ quả của vụ phun trào đã làm ảnh hưởng đến sự hình thành gió mùa ở châu Phi và làm suy giảm lượng mưa.
Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến Vương quốc Ptolemaic (Ai Cập) do nữ hoàng tài sắc Cleopatra lãnh đạo, suy yếu và "diệt vong".
Vương quốc của nữ hoàng Cleopatra sụp đổ vì lượng mưa sụt giảm dẫn đến nhiều bất ổn xã hội, nạn đói gia tăng. Ảnh trong phim.
Đối với một quốc gia chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, việc suy giảm nguồn phù sa màu mỡ do nước lũ sụt giảm đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Bên cạnh đó, hạn hán kéo dài, nạn đói hoành hành cũng gây ra tình trạng bất ổn nghiêm trọng trong kinh tế và chính trị ở Ai Cập cổ đại.
Ngoài ra, hạn hán kéo dài còn ảnh hưởng đến khả năng mở rộng bờ cõi và phòng thủ của vương quốc Ai Cập cổ đại.
Các hoạt động chính trị và quân sự của Ai Cập cổ đại cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: Getty
Jenifer Marlon, đồng tác giả của nghiên cứu do Trinity College Dublin thực hiện, cho biết: "Khoa học và lịch sử rất hiếm khi có những bằng chứng mạnh mẽ và chi tiết đến vậy, làm sáng tỏ cách xã hội phản ứng trước các cú sốc về biến đổi khí hậu trong quá khứ".
Tiến sĩ Francis Ludlow, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: "Để hiểu đầy đủ và toàn diện về bất ổn xã hội do những áp lực môi trường gây ra thì bối cảnh lịch sử chính là chìa khóa.
Bên cạnh đó, áp lực từ mức thuế cao và những căng thẳng sắc tộc vào thời điểm mất mùa do hạn hán kéo dài cũng có thể là nguyên nhân xảy ra những cuộc nổi dậy".
Nhiều vụ phun trào núi lửa xảy ra hàng năng nhưng chúng không ảnh hưởng đến hệ thống khí hậu như một số sự vụ gần đây.
Francis nhận định, sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ phải trải qua một vụ phun trào núi lửa "khổng lồ" và đó có thể là một chuỗi phun trào "domino". Chúng có thể làm cho tình trạng hạn hán thêm trầm trọng ở những khu vực nhạy cảm trên thế giới.
Các phát hiện mới chỉ ra rằng, khoảng 70% mùa màng trên thế giới đều phụ thuộc vào mùa mưa. Do đó, các nhà nghiên cứu coi đây như là một lời ảnh báo về "thảm họa" tương tự đáng sợ có thể xảy ra ở những khu vực đang phụ thuộc phần lớn vào lượng mưa để trồng trọt.
Các nhà nghiên cứu cho biết, nhóm chuyên gia sẽ tiến hành phân tích sâu hơn về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các hoạt động thất thường của núi lửa đã làm tê liệt nền văn minh hàng đầu thế giới như Ai Cập cổ đại.
Nghiên cứu này có thể làm thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về biến đổi khí hậu có tác động và ảnh hưởng khủng khiếp và làm thay đổi rõ rệt đến xã hội thời xa xưa như thế nào.
Nguồn: Independent, Express, Ancient-origins