"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy ở thế giới này"

Elessar, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 11/05/2016

Chúng ta cũng không bao giờ có thể khiến người khác thay đổi cách sống, thay đổi những thói quen của mình bằng cách lên án họ trong khi bản thân chúng ta, trong một giờ phút lười biếng nào đó, vẫn vô tư xả rác, chen hàng.

Một trong những người lỗi lạc mà tôi ngưỡng mộ nhất là Gandhi. Có rất nhiều điều để cúi mình trước ngài, sự thông thái, niềm tin vào chân lí của riêng mình, lòng nhân hậu và những bước ngoặt vĩ đại ngài mang đến cho thế giới này. Nhưng khoảnh khắc khiến tôi rạp mình trước ông, và toàn tâm kính phục con người này, chỉ đơn giản là khoảnh khắc tôi đọc được một câu nói của ngài. Không có gì to tát cả . "Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy ở thế giới này".

Tất nhiên là bài viết này không phải chỉ để nói về Gandhi hay bày tỏ một cách không xấu hổ về sự ngưỡng mộ của tôi dành cho ngài. Chỉ đơn giản là, giữa một xã hội mà chúng ta vẫn phải đặt những câu hỏi về cách hành xử thiếu văn minh, những thói xấu nơi công cộng, về vệ sinh môi trường hay thậm chí ở một bức tranh to hơn, là sự bất bình đẳng giới tính, thói quen bắt nạt và sỉ nhục ngoại hình… thì câu nói đấy của Ganhi chính là lời giải đáp duy nhất cho mọi sự bất mãn mà chúng ta chất chứa trong lòng bấy lâu nay.

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy ở thế giới này".

Nếu đi lượn trên Facebook vài vòng và ghi lại những dòng comment về một vấn đề xã hội đang nóng hổi nào đó, về thói xấu của người trẻ, của người Việt hiện đại, khoảng 5-10’ sau bạn sẽ phải đặt câu hỏi về sự tồn tại của sách Đạo đức. Ai cần một quyển sách dày cộp và chỉ được dạy vào tiết học đầu tiên của thứ 2 hàng tuần, khi mà chỉ cần lướt Facebook cũng có đầy đủ những bài học kèm theo những ví dụ sống động và ngôn từ gần gũi ( thường được chêm vào các cụm từ như đ*, vc*, ..vv..). Từ những bài học vô cùng súc tích đến từ những comment, cho đến cả một bài luận dài nghìn share với tít đại loại là: "Càng ngày, người trẻ càng tha hoá/ xấu tính/ phá hoại môi trường…", hoặc để đảm bảo câu like/share thì cứ tương thêm câu: "Thất vọng về thế hệ người trẻ bây giờ…" cho nhanh. Làm nhà đạo đức không khó, status nghìn like share lại càng dễ hơn.

Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy ở thế giới này - Ảnh 1.

Sự thất vọng về con người, về ý thức là một cảm giác rất dễ hiểu, rất quen thuộc mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua. Chúng ta nhìn thấy rác giữa đường, thấy mùi xú uế bốc lên ở chân những bức tường cũ hay những gốc cây cổ thụ, thất vọng về ý thức khi thấy một đám học sinh nói to hay thản nhiên xả rác ra giữa phố. Gần hơn, chúng ta thất vọng khi nhìn thấy bãi biển Thanh Hoá ngập trong rác sau một trận cuồng phong của con người tạo ra. Trước những tình thế mang màu sắc phê phán như thế, kẻ tốt đẹp trong ta trỗi dậy và kêu gào, cơn giận dữ mạnh mẽ đến mức, nó làm ta quên mất việc ta vừa vứt bộp túi bim bim và lon nước ngọt giữa vỉa hè, hay mới mùa hè năm nào đi biển Sầm Sơn, ta mua một đống đồ ăn và kỷ niệm lại cho biển túi nylon cùng giấy báo gói con mực.

Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy ở thế giới này - Ảnh 2.

Những bờ cát đầy rác là hình ảnh quen thuộc bấy lâu nay... (Ảnh: Nguyễn Nam Long).

Tôi vô tình đọc được status của người mẫu Hà Anh, cũng có phần nào tương đồng với sự "đổ trách nhiệm" của đám đông mà tôi đang nói đến này. "Tôi biết khi mình kêu gọi bảo vệ loài tê giác, hay loài gấu, hay tê tê, hay rừng xanh…. có nhiều người cảm thấy không liên quan tới mình và dửng dưng. Tôi biết khi mình kêu gọi mọi người đừng xả rác bừa bãi ra chốn công cộng và những nơi danh lam thắng cảnh, đặc biệt là các loại rác không tiêu hủy như nilon, vỏ chai nhựa…. mọi người vẫn cảm thấy "không phải việc của mình".

Đến khi miếng ăn của chính chúng ta bị đe dọa - mọi con cá, tôm cua, hải sản bị đe dọa nhiễm độc, thì chúng ta bỗng sực tỉnh. "

Chúng ta sẽ không bao giờ có một cuộc sống sạch sẽ hơn, có những con người ý thức hơn nếu chúng ta tiếp tục tư duy theo kiểu bài trừ cái xấu bằng mồm, và lên án mà không hành động.

Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy ở thế giới này - Ảnh 3.

Chúng ta cũng không bao giờ có thể khiến người khác thay đổi cách sống, thay đổi những thói quen của mình bằng cách lên án họ trong khi bản thân chúng ta, trong một giờ phút lười biếng nào đó, vấn vô tư xả rác, chen hàng.

Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy ở thế giới này - Ảnh 4.

Có bao nhiêu người trong số những kẻ đã xả rác ra bờ biển Đồ Sơn vào dịp lễ vừa rồi - đã lên mạng viết status "bảo vệ môi trường" vô cùng tâm huyết?

Tôi có một niềm tin u ám rằng, sẽ chẳng có sự thay đổi mang tính đại chúng nào có thể khiến tất cả những kẻ vô ý thức tự dưng… có ý thức. Nếu có, chắc là một phép màu hoặc một loại virus nào đó giống kiểu zombie. Nhưng tôi tin, những thay đổi có thể xuất hiện từ chính mỗi người. Bởi nếu chúng ta nhận thức được cái xấu, tại sao chúng ta không tập sống một cuộc sống nghiêm khắc hơn, với chính chúng ta trước - thay vì đòi hỏi điều đó từ người khác?

Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy ở thế giới này - Ảnh 5.

Tự thay đổi thói quen và nghiêm khắc với chính mình không phải là một việc dễ làm, nhưng nó cần thiết nếu bạn đòi hỏi một xã hội có ý thức hơn. Biết việc vứt rác là sai, nhưng thay vì lười nên vứt tạm vào gốc cây kín kín, cứ chịu khó cầm túi rác cho đến khi tìm được thùng rác. Than phiền về việc ô nhiễm môi trường thì nhìn thật kỹ ô phân loại rác hữu cơ và vô cơ rồi vứt rác cho đúng, người làm phân loại sẽ dễ hơn trong việc tái chế. Đèn đỏ ở quãng đường vắng ai cũng vượt, nhưng cũng đừng tặc lưỡi vì không có công an nên mình vượt cũng được, ý thức trật tự đến từ chính những trường hợp rất nhỏ như thế này. Tất cả những việc làm này đều rất nhỏ nhưng lại khả thi, ai cũng có thể làm được để cuộc sống quanh mình tốt hơn, mà chẳng cần phải lên tiếng hằn học với những kẻ vô ý thức.

Tôi đã nhìn thấy những nhóm người trẻ từ chối tin vào cơn giận dữ, những con người tự cho mình đứng ngoài mọi cuộc tranh cãi, những quan điểm lớn lao... để tự di dưỡng một cuộc sống trong lành và tươi đẹp xung quanh mình. Những kẻ vô tư, những người lạc quan đang dần nhiều lên giữa bầu không khí sôi sục vì những bất mãn và hằn học.

Từ những nhóm bạn trẻ tự phát động những phong trào nhặt rác nơi công cộng, những người kiên nhẫn đứng hàng giờ dưới cái nắng nóng hầm hập giờ tan tầm để giơ tấm biển: "Tắt máy 5' khi dừng đèn đỏ", hay đến cả các FC ca sĩ/nhóm nhạc thần tượng - mỗi khi kết thúc một sự kiện ca nhạc đều cần mẫn đứng lại cùng nhau nhặt sạch rác chỗ mình ngồi.

Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy ở thế giới này - Ảnh 6.

Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy ở thế giới này - Ảnh 7.

Các bạn trẻ ở lại sau một buổi ca nhạc để nhặt sạch rác quanh chỗ mình ngồi.

Ở cấp độ cao hơn, truyền hình liên tục có những chương trình kêu gọi thay đổi môi trường sống. VTV 24h phát động sự kiện "Hãy làm sạch biển" để tuyên truyền người dân có ý thức không xả rác ra biển. Hay đợt Tết vừa rồi, chương trình "Hãy gõ cửa" kêu gọi các ký túc xá trường ĐH mở cửa đón người vô gia cư cũng đã tạo được những tiếng vang nhất định.

Cuộc sống có đang tốt lên không? Chắc chắn là có, với những người đang cố gắng thay đổi nó mỗi ngày.

Cái lợi hơn nữa của việc tự thay đổi chính mình, ấy là ta mang được nguồn năng lượng tốt đẹp đấy cho những người khác, cho cả thế hệ sau mình. Trẻ con là học trò nhiệt tình nhất, chúng là tấm gương phản chiếu lại cách chúng ta ứng xử với đời sống hàng ngày. Nếu ta vứt rác bừa bãi, trẻ con sẽ vứt theo. Nhưng nếu ta vứt rác vào thùng, trẻ con sẽ coi đó là lẽ dĩ ngẫu, là chuyện hiển nhiên. Ta vượt đèn đỏ, đến một ngày sẽ giật mình hối hận vì trẻ con ngồi sau giục ta cứ vượt đi khi đang chờ giữa ngã tư đông nghịt. Thay vào đó, khi ta kiên nhẫn chờ đến đèn xanh, sẽ có một ngày ta mỉm cười khi thấy lũ trẻ cau mặt khi thấy người bên cạnh phóng vụt khi đèn đỏ vừa hiện.

Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy ở thế giới này - Ảnh 8.

Trẻ con Nhật không tự nhiên ngoan ngoãn và lễ phép, chúng lớn lên giữa những con người coi sự lễ độ và lịch sự là tôn chỉ.

Cuộc sống này sẽ tốt dần lên, nếu tất cả chúng ta đều dần ý thức được những sự thay đổi rất nhỏ đấy có thể mang đến một làn gió tốt lành. Nghe có vẻ mơ hồ và thiếu đi nhiều những khẩu hiệu to tát, nhưng nó thực tế và có thể làm được ngay, từ chính bạn để rồi là những người xung quanh, ở một câu chuyện dài hơn - sẽ là cả một cộng đồng và cả xã hội này.

Lúc này, hãy đọc nhẩm lại câu nói của Gandhi xem sao.

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy ở thế giới này".