Không có một nền tảng thiết bị nào là được thống trị bởi một cái tên duy nhất, mà là sự "đối chọi, đấu đá" lẫn nhau giữa những ông lớn "sừng sỏ" trong ngành công nghiệp đó: Ở lĩnh vực máy tính có Apple với dòng Mac, hệ điều hành MacOS, MacBook đối đầu với Windows, PC và Surface Book. Giới nhiếp ảnh lại phải phân vân giữa Canon và Nikon, các thiết bị điện tử là cuộc chiến "bất phân thắng bại" của LG, Sonny và còn rất nhiều ví dụ khác.
Tuy nhiên, khác với các thị trường trên, sức mạnh của Android không phải là do một mình Google gây dựng lên, mà còn có nhiều “thế lực” khác chống lưng, cống hiến cho nó như LG, HTC, Samsung, Xiaomi, Huawei… Mã nguồn mở của hệ điều hành này giúp những nhà sản xuất có thể tự do phát triển, tạo nên nhiều ý tưởng, khả năng tùy biến linh hoạt nhưng đồng thời vẫn giữ được sự trơn tru, độ tương thích với ứng dụng cùng các tính năng khác của điện thoại.
Cái tên nổi bật nhất trong số kể trên, không ai khác, chính là Samsung, được mệnh danh là “Kẻ cứu rỗi thế giới Android”, hay nói cách khác, chính là nhân tố chính giúp smartphone chạy hệ điều hành này tạo được sự cân bằng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với iOS của iPhone. Đây không đơn thuần là một nhận định chủ quan hay có phần thiên vị, mà hoàn toàn có cơ sở dựa trên 4 lý do sau đây.
1. Samsung là nhà sản xuất smartphone Android lớn nhất thế giới
Hai năm liên tiếp, Samsung chiếm hơn 20% tổng số lượng điện thoại trên toàn thế giới
Mặc dù vẫn đang cho ra những sản phẩm chạy hệ điều hành "cây nhà lá vườn" Tizen tuy nhiên phần lớn máy Samsung bán ra đều chạy giao diện TouchWiz trên nền tảng Android.
Sự phổ biến của những chiếc smartphone mang thương hiệu Galaxy cũng đã chi phối hành vi của người tiêu dùng và hướng đi của các nhà sản xuất khác.
Chính "thầy phù thủy xứ Cupertino đại tài" Steve Jobs từng nói rằng không ai muốn sử dụng một chiếc smartphone lớn hơn 3,5 inch đâu! Nhưng Samsung đã đi trước thời đại với Galaxy Note và Apple cũng đành phải nghe theo yêu cầu của người dùng và tung ra iPhone 6 Plus.
Không chỉ vậy, từ màn hình lớn, Samsung lại tiếp tục dẫn đầu giới công nghệ bằng việc cho ra tính năng chia đôi cửa sổ - thứ mà mãi tới iOS 9 và Android 7.0 Nougat mới được mang lên.
Chính vì vị thế bá chủ của mình mà Samsung đã có thể "điều khiển" cả giới công nghệ
2. Samsung có đủ năng lực mang tới những đột phá
Trong năm 2015, Samsung chịu "rút hầu bao" ra 14,1 tỷ USD cho chi phí nghiên cứu và phát triển, cao thứ 2 thế giới và chỉ chịu thua công ty sản xuất "ô tô đại gia" Volkswagen.
Nếu so sánh với "đại kình địch" Apple thì Samsung vượt trội hơn hẳn về khoản "chi tiêu" khi Apple chỉ mới lọt vào danh sách top 20 lần đầu tiên.
Samsung có thể "chịu chơi" như vậy là vì doanh thu khủng đến từ dòng Galaxy S và Galaxy Note của mình.
Và lý do phía sau sự thành công vang dội của chúng chính là những công nghệ đột phá mà gã khổng lồ xứ kim chi đã đầu tư nghiên cứu như màn hình cong tràn, cảm biến mống mắt...
Tính tới thời điểm này, Samsung là công ty duy nhất có khả năng tự sản xuất các linh kiện quan trọng nhất của một smartphone như màn hình, vi xử lý, cảm biến camera, RAM và sắp tới đây là máy quét vân tay.
Trong khi đó, những hãng phân phối smartphone khác lại phải phụ thuộc nhiều vào nhiều nhà sản xuất linh kiện như Qualcomm, Sony, LG... đồng thời cũng "vay mượn" một số tính năng nổi bật của Samsung và Apple.
Hãy nhìn vào dòng Note của Samsung, không biết bao nhiêu hãng đã "xin mà không hỏi" tên thương hiệu của sản phẩm này rồi?
Tuy nhiên không phải cái gì cũng có thể "mượn" được, có bao nhiêu smartphone trên thị trường hiện nay được trang bị một chiếc bút cảm ứng "thần thánh" như bút S Pen của Samsung?
Hay màn hình cong của S7 edge nữa? Liệu có hãng nào đủ sức để "nhái" được nó đẹp như bản gốc của công ty xứ Hàn này?
Chính những yếu tố trên đã khiến nhiều người đánh giá Samsung là kẻ sáng tạo duy nhất còn lại ở thế giới Android.
3. Samsung là ông trùm marketing
Sản phẩm tốt, nhưng để người dùng biết về nó thì các hãng còn cần một chiến dịch marketing có tầm ảnh hưởng mạnh. Và về khoản này, khó có một hãng nào có thể vượt mặt Samsung.
Chiến dịch "The Next Big Thing" đã khiến người dùng có một cái nhìn hoàn toàn khác về smartphone Samsung và mang tên tuổi của Galaxy S2 và Galaxy Note lên một tầm cao mới.
Công ty điện tử Hàn Quốc này còn hợp tác với những tên tuổi lớn như Lionel Messi và Cristiano Ronaldo trong chiến dịch #Galaxy11 trước thềm World Cup 2014.
Rồi cả việc tài trợ những sự kiện lớn như Oscar - Đây là bức ảnh đạt kỷ lục được retweet nhiều nhất mạng xã hội Twitter.
Không chỉ vậy, Samsung còn khiến mình nổi danh toàn cầu hơn nữa khi bắt tay làm đối tác với đại hội thể thao Olympic.
Mỗi vận động viên tham dự Olympic Rio 2016 đều nhận được một chiếc Samsung Galaxy S7 edge - món thể hiện sự hữu nghị của họ với Thế vận hội.
4. Samsung sở hữu hệ thống phân phối với quy mô toàn cầu
Cũng như marketing, một sản phẩm có tốt đến mấy cũng sẽ là vô nghĩa nếu như người dùng không thể mua nó. Nhiều sản phẩm giá thành tốt cấu hình mạnh nhưng lại khó đến tay người tiêu dùng vì không được bày bán rộng rãi.
Điều này liên quan trực tiếp đến hệ thống phân phối của các hãng: nó cần phải được trải dải trên mọi tỉnh, trên mọi vùng lãnh thổ, ở mọi quốc gia trên thế giới.
Samsung nằm trong số những công ty có các hệ thống bán lẻ cũng như chăm sóc khách hàng dày đặc nhất hiện nay.
Tại Việt Nam, do mối quan hệ chặt chẽ với các chuỗi cửa hàng, người dùng có thể sở hữu smartphone chính hãng Samsung ở bất kỳ đâu trên 63 tỉnh thành.
Các trung tâm chăm sóc khách hàng của hãng cũng được trải dải trên khắp cả nước.
Lợi thế về hệ thống phân phối còn giúp người dùng Samsung có thể sở hữu sản phẩm một cách nhanh chóng nhất.
Trong khi với các thương hiệu khác như Apple iPhone, LG, HTC, Asus... người dùng Việt Nam thường bị thua thiệt do chiếc máy mà họ quan tâm được mở bán chậm hơn so với các nước khác trên thế giới, thì tình trạng này gần như không xảy ra với smartphone Samsung.
Nhìn sang các đối thủ, không thể tìm được một cái tên thứ hai có "độ phủ sóng" đồng đều như Samsung. Đối thủ lớn nhất của Samsung là Apple thậm chí còn không có cửa hàng và trung tâm chăm sóc khách hàng tại Việt Nam.
Các nhãn hàng như Xiaomi, Meizu, Oppo tuy mạnh mẽ ở châu Á, nhưng hoàn toàn biệt tăm ở Mỹ. Ngược lại, cha đẻ Android là Google với chiếc Pixel lại không thèm quan tâm đến thị trường châu Á.
Và để kết thúc bài viết, hãy cùng nghe những gì mà Neil Mawston - giám đốc điều hành của công ty phân tích tài chính Strategy Analytics nói về Samsung: "Có thể nói, Samsung là hãng sản xuất smartphone Android duy nhất với tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Với vai trò lớn trong thị trường di động, Samsung có thể sử dụng sức mạnh của mình để xây dựng hướng đi tương lai của Android."