Mỗi người chúng ta, ai rồi cũng sẽ có những ngày (hoặc chuỗi ngày) thật tệ, và tệ hơn nữa là mọi điều mệt mỏi đều xảy ra gần như cùng một lúc...
Chia tay một mối tình, thất bại liên tục trong công việc, mất đi một người thân, giấc mơ bấy lâu tan biến trong phút chốc,... Phải, đâu ai biết được, đời mà, cái gì mà chẳng thể xảy ra. Những lúc đó, bao nhiêu là năng lượng tích cực, sự mạnh mẽ vốn có cũng không còn lại chút nào. Chúng ta thất bại. Chúng ta mất mát. Chúng ta đau lòng. Chúng ta có thể là người gánh lấy bi kịch, hoặc là chứng kiến người thân mình đang gánh lấy bi kịch.
Nhưng, điều đầu tiên mà chúng ta thốt ra với ai đó khi mọi chuyện bắt đầu rơi vào khủng hoảng là gì?
Ừ, chúng ta bất giác nói rằng, "Không sao cả, mọi chuyện sẽ ổn thôi".
Dường như, không biết từ bao giờ, phản ứng "không sao cả" lại thành điều mặc định, là điều đầu tiên được dùng lấy để khuyên nhủ, động viên trong những chuỗi ngày trượt dài trong sự chán chường, buồn tủi.
Dường như, đó là cái phao cứu cánh, sự đảm bảo duy nhất mà bản thân con người ta có thể nghĩ đến, là cách duy nhất mà chúng ta có thể làm để đối diện với những điều tồi tệ đang từng ngày nằm ngoài sự kiểm soát của chính mình.
... Cách đây không lâu, tình cảm của tôi gặp "biến cố" lớn vô cùng. Trượt dài trong một mối quan hệ đầy gian dối, tổn thương, thất vọng. Sống trong cảm giác day dứt, hối hận, sai lầm, tôi rơi vào sự hoang mang, chới với. Và những người còn lại bên cạnh tôi lúc đó, chỉ có thể bảo tôi rằng "cố lên, không sao cả, sẽ ổn thôi"...
Nhưng rồi, chẳng có chuyện nào ổn thật cả. Rất nhiều điều tệ hại vẫn cứ xảy ra. Và câu nói kia như chỉ là lời nói dối để mụ mị bản thân. Và có lí hay không, dường như những lời động viên này chẳng hề có tác dụng.
... Cũng như quay lại chuyện biến cố, ừ, thì là "không sao cả". Nhưng, ngay chính bản thân tôi thừa hiểu được - khi người ta không còn đủ sức để kiểm soát sự bất ổn, càng tự nhủ "không sao", chính là càng có rất nhiều điều hoang mang.
Bạn có biết tại sao không?
Vì cơ bản, chính chúng ta đều biết, nó không phải là sự thật.
Và có một sự thật là, khi một người đang ở tận cùng nỗi đau, điều phản tác dụng nhất với họ chính là bảo rằng "mọi điều rồi sẽ ổn thôi". Vì tận trong đau lòng đó, họ cảm nhận được sự vô nghĩa của câu nói đó là thế nào. Ngay cả khi đó là lời động viên tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể nói cùng nhau, thì đó cũng là điều vô nghĩa. Và họ - những kẻ đau khổ - không hề muốn phải dốc sức huyễn hoặc bản thân như thế.
... Thật ra, với kinh nghiệm vài lần rơi vào khủng hoảng tâm lí, tôi nhận ra rằng mình không muốn những nỗi đau bản thân đang cảm thấy bị-xem-nhẹ-đi. Bởi vì đó là những điều đã xảy ra, ngay cả khi bạn đang nói với tôi rằng không-sao-đâu. Đừng vội nói chúng tôi cố chấp, bi kịch hóa mọi thứ lên. Vì nếu thật sự mọi thứ ổn, vậy tại sao, chúng tôi lại cảm thấy quá nhiều đau đớn thế này. Vấn đề là gì? Tại sao lại như vậy? Nói tôi biết đi, tôi phải làm gì để hết đau lòng đây?...
Vậy họ - những người đang tổn thương, cần gì?
Tất cả những gì họ muốn là có một ai đó bên cạnh. Kiên nhẫn và sẵn sàng lắng nghe họ. Để họ được mở lòng mà trút hết nỗi niềm, để có cơ hội được thổn thức những cảm giác đau lòng đang phải cố gắng kìm nén từng phút giây. Và chỉ là lắng nghe và được lắng nghe thôi. Đó chính là món quà tinh thần lớn nhất mà họ có thể nhận được, để đảm bảo rằng, họ không hề đơn độc.
Đó cũng là lí do vì sao, trong suốt khoảng thời gian khủng hoảng, con người ta thường xuyên cầu cứu đến những sự giúp đỡ. Họ không thể dừng việc "kể lể, than thở". Không phải là vì họ cần ai đó giải quyết vấn đề của họ. Nếu chúng ta hiểu được, không ai có thể giải quyết được giùm họ, thì họ cũng đủ hiểu rằng không phải ai cũng có đũa thần như cổ tích. Mà chỉ đơn giản là cần một ai đó bên cạnh. Vì cảm giác hoang hoải, chới với đó đang dần nhấn chìm họ trong sự cô độc.
Sâu thẳm trong lòng, chúng ta khi bị tổn thương, đều mong muốn được mọi người xung quanh nhìn nhận những thương tổn thật sự đó. Để chúng ta biết rằng, những gì mình đang cảm thấy là thực, không phải là ảo giác, không phải là những điều vô thực.
Và cuộc sống thì vẫn luôn tiếp diễn!
Tất nhiên là vậy. Và dù sớm hay muộn, dù vấn đề hay tổn thương có lớn đến thế nào, thì con người ta cũng sẽ bắt đầu hiểu ra được nhiều điều. Và dù sớm hay muộn, những kẻ mang đầy thương tích trong lòng lúc này cũng sẽ nhận ra được, mọi thứ lúc này mới đúng là "sẽ ổn thôi". Đi qua những bão giông rồi, và vì cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn. Dù có nhiều cơn ác mộng thế nào, thời gian vẫn trôi, mặt trời vẫn mọc, gió vẫn thổi và ngày cứ thế mà hết sáng lại đêm. Nhưng rõ ràng, để đi đến được cảm giác nhẹ nhàng đó là một chặng đường dài đầy khó khăn, và thứ mỗi chúng ta cần, không gì khác là một ai đó kiên nhẫn ở bên cạnh, đủ sự im lặng cần thiết để chúng ta biết, mình không một mình, đơn độc.
Vậy nên, nếu người bạn thương yêu đang chịu tổn thương, đau lòng, dù cho có là lời an ủi duy nhất có thể nói được, cũng đừng bảo "không sao cả, mọi thứ sẽ ổn thôi". Hãy cho họ cảm nhận được rằng, bạn hiểu "mọi thứ đang rất bất ổn", nhưng dù họ có muốn hay không, có thích hay không, bạn cũng luôn ở đây, bên cạnh họ, và sẽ cùng họ đi qua cơn "địa chấn" này.
Nếu như chính bạn đang gặp khủng hoảng cuộc sống? Đúng, nó không ổn. Nhưng bạn có thể vượt qua được.
Bạn vừa mất việc? Công việc startup thất bại? Đúng, nó không ổn. Nhưng bạn có thể vượt qua được.
Bạn vừa chia tay, vừa mất đi người mà bạn hết lòng yêu thương? Đúng, nó không ổn. Nhưng bạn có thể vượt qua được.
Giấc mơ bấy lâu bạn theo đuổi, bỗng tan thành mây khói? Đúng, nó không ổn. Nhưng bạn có thể vượt qua được.
Và dù là bạn đang gặp bất kì "cơn sang chấn tâm lí" nào trong cuộc sống, phải, nó không ổn.
Nhưng bạn có thể vượt qua được.