Trong lần "chào sân" thị trường Việt Nam, thương hiệu thời trang bình dân nổi tiếng bậc nhất thế giới Zara đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của giới mộ điệu. Ngày đầu khai trương, người ta đã chứng kiến cảnh tượng mua sắm tấp nập không ngừng nghỉ từ giữa trưa đến tối muộn với hàng nghìn lượt khách nườm nượp tại cửa hàng đầu tiên của Zara. Kéo theo sự buôn may bán đắt của Zara là khá nhiều tranh cãi có liên quan đến văn hóa mua hàng, bán hàng. Để có cái nhìn thật khách quan về việc này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nhiệm vụ của nhân viên bán hàng cũng như khách mua hàng.
Quang cảnh mua sắm tấp nập trong cửa hàng Zara mới mở tại TP.HCM.
Về phía nhân viên bán hàng, nhiệm vụ của họ không hề chỉ gói gọn trong hai chữ "bán hàng" mà là cả ti tỉ việc không tên khác. Bạn nghĩ rằng nhân viên bán hàng chỉ đơn thuần là thuyết phục khách mua hàng ư? Không đâu, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ không hề đơn giản như vậy. Trên thực tế, các nhân viên bán hàng có hàng tá việc phải làm cả trước, trong và sau khi họ tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Trước giờ mở cửa, các nhân viên bán hàng phải cùng với người quản lý thực hiện việc sắp xếp, trưng bày các sản phẩm trong cửa hàng sao cho thật bắt mắt, khoa học để hàng hóa dễ gây ấn tượng với khách hàng cũng như đạt hiệu quả thẩm mỹ cao nhất. Những sản phẩm được trưng bày luôn luôn phải ở trong tình trạng tinh tươm nhất có thể: áo, quần phải gấp đúng quy chuẩn, túi xách phải được giữ đúng phom dáng, v.v... và tất cả phải thật sạch sẽ. Người chăm nom, giữ gìn cho những sản phẩm này đương nhiên là các nhân viên bán hàng chứ không phải ai khác.
Trong suốt thời gian cửa hàng hoạt động, các nhân viên bán hàng cũng phải đảm bảo khu vực trưng bày hàng luôn sạch sẽ, ngăn nắp và chỉn chu. Điều đó có nghĩa là khi khách hàng xem xong đồ, nhân viên bán hàng sẽ ngay lập tức phải chỉnh đốn và trưng bày món đồ đó theo y như hiện trạng hoàn hảo ban đầu, tránh để tình trạng lộn xộn gây mất mỹ quan cửa hàng và cũng là để khách hàng đến sau có cơ hội được xem hàng một cách thoải mái nhất.
Khi gặp gỡ, tiếp xúc với khách hàng, nhân viên bán hàng có nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu sản phẩm phù hợp nhất với khách hàng cũng như trả lời mọi câu hỏi có liên quan đến sản phẩm. Để làm tốt việc này, nhân viên bán hàng cần phải đầu tư thời gian tìm hiểu, trau dồi kiến thức về các sản phẩm có trong cửa hàng.
Một nhân viên bán hàng có nghĩa vụ phải chăm sóc khách hàng thật tận tình từ khi khách mới bước vào cửa cho đến khi khách rời cửa hàng. Giả dụ khách hàng ưng một món đồ và muốn thử, nhân viên bán hàng sẽ phải mang món đồ đó vào phòng thử cho khách và túc trực ở bên ngoài xem khách có cần giúp đỡ gì không. Tiếp đến, nếu khách đồng ý mua món hàng đó, nhân viên bán hàng sẽ mang món đồ ra quầy thu ngân, tiến hành thanh toán, gói và trao đồ cho khách.
Tại các cửa hàng thời trang cao cấp, nhân viên bán hàng còn đặc biệt chú tâm đến việc chăm sóc khách hậu mua hàng. Đơn cử như khi khách mua một chiếc đầm để đem tặng, vài ngày sau, nhân viên bán hàng sẽ gọi cho khách để hỏi xem người được tặng có mặc vừa chiếc đầm đó không, có thích món quà như vậy không. Việc này không chỉ thể hiện được sự quan tâm gần gũi giữa nhân viên và khách, khiến khách hàng có thiện cảm với cửa hàng hơn mà còn tạo điều kiện để nhân viên bán hàng nâng cao kỹ năng của mình.
Còn các khách hàng, mặc dù vẫn luôn được coi là "thượng đế" nhưng vẫn cần chú trọng đến văn hóa mua hàng. Khi xem đồ xong, nếu không mua, khách hàng không nhất thiết phải gấp hay treo nó về y như hiện trạng ban đầu (vì nếu không được đào tạo kĩ năng, bạn cũng khó lòng làm được việc đó, và nhân viên bán hàng thì vẫn phải làm nhiệm vụ sắp xếp của họ mà thôi). Tuy nhiên khách hàng cũng nên để sản phẩm tại đúng vị trí thay vì tiện đâu bỏ đấy để nhân viên bán hàng bớt vất vả trong khâu thu dọn. Khi thử đồ, hãy cẩn thận hết mức để tránh gây hư hỏng đồ bởi nếu bạn làm hỏng và lờ đi, người phải đền sau cùng chính là nhân viên bán hàng. Đối với các cô nàng hay trang điểm, hãy lưu ý khi thử đồ có màu sáng bởi vết son phấn rất dễ lem ra vải và khó giặt sạch. Bên cạnh đó, nếu cửa hàng quá đông, hãy xếp hàng khi vào phòng thử đồ lẫn khi thanh toán.
Ngoài ra, khi mua hàng ở những nơi có chính sách đổi trả thoải mái, bạn nên lưu ý về quy định đổi trả (sản phẩm còn mới tinh, còn nguyên mác, tag giá, được đổi trả trong vòng mấy ngày) để tránh gây phiền hà khi có ý định đổi trả sản phẩm mình mua.