"Đen nhận được thông tin vào lúc 21h. Chúng tôi cảm thấy rụng rời tay chân và lập tức báo với bên vận hành kênh phải khóa MV. Chúng tôi không muốn tăng lượt xem theo cách buồn bã thế này. Xin được gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn", đó là chia sẻ của Đen Vâu về việc ẩn MV Trời Hôm Nay Nhiều Mây Cực sau khi biết tin chiếc trực thăng Bell 505 chở 4 người ngắm Vịnh Hạ Long bị rơi.
Hành động nhẹ nhàng, tử tế và ấm áp của Đen thể hiện tấm lòng trắc ẩn của một nghệ sĩ chân chính. Hành động đó dường như hạt mầm tích cực hiếm hoi giữa thời điểm hàng loạt nghệ sĩ Vbiz bị phản ứng vì thói háo danh, phát ngôn phản cảm, văn hóa ứng xử trên mạng đáng báo động. Hành động tử tế của Đen Vâu được ca ngợi bao nhiêu, càng cho thấy phần nào việc khán giả ngày càng mất lòng tin với nghệ sĩ Việt bấy nhiêu.
Không phải ngẫu nhiên niềm tin của công chúng bị xói mòn, nó được bồi bởi vô số scandal của nghệ sĩ. Scandal đó không chỉ đến từ những người mới chập chững vào nghề, mà lại được tạo nên từ hàng loạt ngôi sao hạng A. Họ đã có những phát ngôn, hành động đề cao bản thân, đặt vị trí của mình hơn tất cả.
Gần đây nhất, Trấn Thành khiến khán giả và nhiều đồng nghiệp phản ứng vì thái độ trịch thượng của anh khi phát biểu "Đời nghệ sĩ khó nuốt". Anh ấm ức, khóc nức nở như đang mang trong mình biết bao sự tức giận: "Ai thích tiền, muốn nếm hào quang thì hãy nếm nó đi để biết nó là cái gì".
Trấn Thành đăng ảnh ăn mừng Nhà Bà Nữ thu 475 tỷ nhưng tin tức tiêu cực về anh lại lên Xu hướng tìm kiếm của Google.
Trấn Thành đang ở vị trí hàng đầu showbiz. Hai bộ phim của anh đạo diễn, sản xuất đều lập kỷ lục doanh thu phòng vé: Bố Già - 400 tỷ, Nhà Bà Nữ gần 500 tỷ. Mỗi show diễn, hợp đồng của anh trị giá hàng tỷ đồng. Có thể nói Trấn Thành đã hốt hàng trăm tỷ, nhận biết bao vinh quang lẫn hào quang và tiền bạc từ nghề diễn. Đó là niềm mơ ước của tất cả những người theo đuổi con đường nghệ thuật.
Nhưng khi Trấn Thành nói "Đời nghệ sĩ khó nuốt", anh dường như đã quên mất người tạo nên vinh quang, tiền bạc lấp lánh cho mình - khán giả. Sẽ không thể có ngôi sao Trấn Thành chẳng thể có được những kỷ lục phòng vé nếu không có đông đảo khán giả ủng hộ, hâm mộ.
Chia sẻ với chúng tôi, nhà văn Hoài Hương đánh giá câu nói của Trấn Thành thể hiện sự không tôn trọng khán giả, người mang lại vinh quang cho mình. Nam MC nói như thể nghệ sĩ đang ban phát nghệ thuật và khán giả xem nghệ thuật phải biết ơn mình. Anh cũng đồng thời cho rằng được nổi tiếng, hào quang là do bản thân đã phải khổ sở, hy sinh, mang tài năng cho khán giả thưởng thức. Và vinh quang Trấn Thành có được là điều đương nhiên.
Ngay cả đồng nghiệp cũng không thể đồng tình với Trấn Thành. Ca sĩ Duy Mạnh cho rằng: "Làm nghệ sĩ nổi tiếng mặc dù có chút áp lực về công việc nhưng thực sự rất tự hào, hãnh diện và hạnh phúc. Đạt được vinh quang đó là mong ước của rất nhiều người. Nhưng một khi đạt vinh quang rồi lại than vãn kể khổ, khóc lóc với thiên hạ. Hành động đó bản chất là ích kỷ, coi thường khán giả".
NSƯT Thành Lộc nêu quan điểm rằng đã chọn nghề diễn thì không nên than khổ. "Đã chấp nhận là cái nghề, coi đó là lẽ sống, là công việc chuyên nghiệp và nói một cách khác là làm có tiền mà, bộ làm không hả, ký hợp đồng mấy trăm triệu thì ăn cái tát có sao đâu. Còn cái sự hy sinh, đó là bắt buộc, đừng có kể khổ với khán giả, vì cái đó chỉ làm cho mắc cười thôi", nghệ sĩ gạo cội nói.
Không phát biểu gây bức xúc như Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng lại làm khán giả phản ứng bởi dự án phim điện ảnh về cuộc đời được gắn chữ The King (nhà vua). Đa số các ý kiến cho rằng nam ca sĩ đang vỗ ngực, tự xưng mình là vua. Việc làm này của Đàm Vĩnh Hưng bị đánh giá ngạo mạn, ngông cuồng, thể hiện thói háo danh kệch cỡm.
Tất nhiên, lần này Đàm Vĩnh Hưng trước sự phản ứng gay gắt từ công chúng đã lập tức thanh minh, rằng là chiếc ghế như ngai vàng ở buổi họp báo thực ra chỉ là… ghế cắt tóc mà thôi. Đồng thời Đàm Vĩnh Hưng thông báo bỏ chữ "The King" khỏi tên phim.
Đàm Vĩnh Hưng bị phản đối liên tục thời gian qua
Là ca sĩ tai tiếng bậc nhất Vbiz, Đàm Vĩnh Hưng trước đó có nhiều phát ngôn dậy sóng dư luận. Năm 2019, nam ca sĩ nhận "gạch đá" vì tự xưng "Đàm Vĩnh Hưng là vùng đất cấm". Không ai có thể ở trên đỉnh cao mãi mãi, ngay cả vua cũng không thể mãi ngồi ngai vàng, trị vì đời đời, vì thế đây được cho là một trong những phát ngôn ảo tưởng quyền lực nặng nề của Đàm Vĩnh Hưng.
Trên VTV, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng ở Việt Nam, tính háo danh có ở nhiều người Việt, có từ lâu đời. Háo danh là từ mang ý nghĩa tiêu cực, thể hiện đó là người coi trọng danh tiếng, phô trương danh tiếng trên mức cần thiết và trên mức bản thân có.
"Ảo tưởng", "ngáo quyền lực" là cụm từ khán giả nhắc tới nhiều trong thời gian qua, nói về tình trạng nghệ sĩ tự đặt mình ở vị trí cao hơn tất cả. Căn bệnh này nở nộ hơn khi mạng xã hội phát triển, mỗi nghệ sĩ đều có trang cá nhân, fanpage, YouTube riêng. Mỗi trang cá nhân của họ thu hút hàng triệu, chục triệu người theo dõi. Với lượng người hâm mộ đông đảo đó, mỗi bài đăng của họ nhận hàng chục nghìn bình luận, triệu lượt like. Do đó, nghệ sĩ cho rằng tự họ đã là một kênh truyền thông, khán giả phải theo dõi, khen ngợi, tung hô.
Sự ảo tưởng ấy còn bắt nguồn từ chính tình cảm, sự hâm mộ của công chúng dành cho nghệ sĩ. Có thể nói khó có ngành nghề nào được thần tượng, tung hô như nghệ sĩ. Họ đến đâu cũng có người xin chụp ảnh, gọi tên, tặng quà, nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ. Các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn… đều dành sự ưu ái cho người của công chúng. Nhiều nghệ sĩ vì thế mặc nhiên nghĩ rằng mình được quyền hơn người.
Từ suy nghĩ lệch lạc, cho mình ở địa vị cao sang hơn người, nghệ sĩ sẽ mắc bệnh ảo tưởng sức mạnh. Họ phát ngôn theo kiểu tự do chủ nghĩa, trịch thượng. Nhưng họ quên rằng chính phát ngôn, ứng xử đó lại bị khán giả đánh giá về tư duy, văn hóa, lối sống của mình.
Họ có thể có triệu, hàng chục triệu người theo dõi trang cá nhân nhưng đó chỉ là số lượng nhỏ so với dân số gần trăm triệu dân ở Việt Nam. Và cũng chỉ cần lượng nhỏ trong số trăm triệu dân đó phản ứng, tẩy chay họ thì sự khủng hoảng nghệ sĩ phải đón nhận sẽ rất khủng khiếp. Đó là chưa kể trong số triệu fan đó, ai cũng có nhận thức, đánh giá của riêng mình, đủ tỉnh táo nhận ra đúng và sai. Do đó, họ có thể hâm mộ nghệ sĩ nhưng sẽ không nhiều người u mê thần tượng, ủng hộ sự sai trái.
Đông Nhi đã phải hứng chịu làn sóng chỉ trích từ chính cộng đồng fan ruột, sự rời bỏ fanclub của rất nhiều người sau khi có phát ngôn coi thường người hâm mộ. Làn sóng rời bỏ thần tượng rầm rộ đến mức khiến nữ ca sĩ phải lên tiếng xin lỗi. Cô thừa nhận bản thân đã dùng lời nói gây tổn thương, và có những câu chữ chưa xác đáng.
NSƯT Xuân Bắc bị kêu gọi tẩy chay trong suốt dịp Tết Nguyên Đán 2023 vì kể câu chuyện mẹ - con, chiếc bánh chưng. Câu chuyện bị nghi ám chỉ nói về khán giả và nghệ sĩ diễn Táo Quân. Nghệ sĩ kỳ cựu khiến khán giả bức xúc khi tự cho mình ở địa vị trên - người mẹ, còn khán giả - con. Trước đây, Xuân Bắc luôn im lặng trước mỗi scandal liên quan đến bản thân, gia đình nhưng lần này anh đã phải lên tiếng xin lỗi vì "đã kể câu chuyện ngụ ngôn khiến khán giả hiểu nhầm".
Trấn Thành có hơn chục triệu follower trên fanpage, số lượng fan đông đảo nhưng ở thời điểm anh đăng tải con số tổng kết ấn tượng - gần 500 tỷ đồng từ phim Nhà Bà Nữ, thông tin ấy chìm nghỉm sau những phản ứng vì phát ngôn "Đời nghệ sĩ khó nuốt". Thay vào đó, tin tức tiêu cực về Trấn Thành lại xuất hiện trên Xu hướng tìm kiếm của Google.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy băn Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nêu quan điểm văn nghệ sĩ có ảnh hưởng rất lớn đối với công chúng vì vậy họ nên là tấm gương tốt, truyền cảm hứng cho người dân. Nghệ sĩ nên hiểu rằng đó là vinh dự đồng thời là trách nhiệm của họ.
Ông đánh giá thời gian qua, kỳ vọng của khán giả với văn nghệ sĩ không được đáp ứng. Một số nghệ sĩ để lại tiếng xấu, hình ảnh không phù hợp cả trong lời nói hay chia sẻ trên mạng xã hội. Những lệch chuẩn không phù hợp này có thể ảnh hưởng tới công chúng, môi trường văn hóa, đặc biệt trong giới trẻ. Do đó, PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho hay cần có quy định về luật pháp, chế tài nghiêm khắc để răn đe, xử lý mang tính làm gương để nghệ sĩ không có những chia sẻ hoặc có hành động lệch chuẩn.
Theo nhà văn Hoài Hương, nghệ sĩ là người của công chúng, hưởng đặc quyền của người nổi tiếng thì phải cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói, giữ hình ảnh. Nếu lấy tính cách thẳng thắn, không kiểm soát được cảm xúc để có thể nói bất cứ điều gì mình muốn là ích kỷ. Theo bà, càng nghệ sĩ nổi tiếng càng phải biết giữ hình ảnh, cư xử, phát ngôn văn minh.
NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, đánh giá ứng xử của nghệ sĩ trong thời gian qua có nhiều lệch chuẩn và đáng báo động. Theo ông, đã theo con đường nghệ thuật, mỗi nghệ sĩ cần nâng cao ý thức trách nhiệm với nghề, xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, mỗi nghệ sĩ cần thực hiện tốt nghĩa vụ, quyền hạn của người công dân, tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật, có lối sống lành mạnh, có ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức của cộng đồng, xã hội.
Là người trong cuộc, NSND Bạch Tuyết khẳng định nghệ sĩ, nghệ thuật là nghề đẹp, được khán giả ưu ái do đó cần phải biết ơn và có hành xử đúng đắn. Bà bày tỏ: "Nghệ sĩ được khán giả hâm mộ, có khi được tặng hoa, thậm chí tặng nhà, xe hơi. Người ta đối xử với nghề của mình như vậy, nếu không biết ơn thì tồn tại thế nào. Đối với tôi đó là nghề sang nhất, đẹp nhất, ít nghiệp nhất. Nếu được điều đó mình phải hành xử sao cho đúng".