Hành vi lừa đảo và sử dụng tài liệu giả của Tina Dương đối mặt với bao nhiêu năm tù?

Linh Trần, Theo Phụ nữ Việt Nam 10:59 07/02/2023

Đối tượng Tina Dương đã bị cơ quan CSĐT đề nghị khởi tố về 2 tội danh do có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều tổ chức cá nhân. Vậy, theo quy định của pháp luật, Tina Dương có thể bị xử phạt bao nhiêu năm tù?

Liên quan đến vụ việc "cú lừa thế kỷ" của "hot girl", "tiểu thư sang chảnh" Ninh Thị Vân Anh (còn gọi là Tina Dương, sinh năm 1995, trú tại tỉnh Bắc Giang) bị tố lừa đảo nhiều người, ngày 02/02/2023, Cơ quan CSĐT (Công an tỉnh Bình Thuận) đã hoàn tất kết luận điều tra. Cơ quan CSĐT cũng đã chuyển kết luận điều tra tới Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố Ninh Thị Vân Anh về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

Theo kết luận điều tra, anh Dương Quốc Thái (40 tuổi, trú TP.HCM) là chủ sở hữu của xe ô tô VINFAST LUX BS 51H - 242.74.

Ngày 1/12/2021, anh Thái cho Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Gia Đình Việt (Q.Tân Bình, TP.HCM) thuê chiếc xe ô tô biển số 51H - 242.74 theo hợp đồng, mục đích là để cho thuê xe ôtô tự lái.

Đến ngày 24/01/2022, Ninh Thị Vân Anh gọi điện thoại đến Công ty Gia Đình Việt để thuê xe ô tô tự lái và yêu cầu công ty giao xe tại TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

Sau đó công ty này đã cho nhân viên đem xe ô tô 51H - 242.74 ra TP.Phan Thiết giao cho Tina Dương thuê theo hợp đồng là 3 tháng (kể từ ngày 24/1/2022) với số tiền 45 triệu đồng, cộng thêm 5 triệu đồng chi phí đem xe ra Phan Thiết là 50 triệu đồng.

Đến ngày 24/4/2022 hết hợp đồng thuê xe thì phía công ty cho thuê xe nhiều lần liên lạc với Tina Dương để yêu cầu trả lại xe và số tiền còn thiếu, nhưng Tina Dương cố tình trốn tránh, không trả cả xe và tiền.

Đến tháng 5/2022, Tina Dương đến Ninh Bình, cùng một người khác mở cửa hàng bán trái cây.

Cùng thời điểm này Tina Dương mua trả góp 2 chiếc sim điện thoại số 0966777.999 và 0977176666 của anh Nguyễn Văn Minh (ở TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương) với giá hơn 500 triệu đồng nhưng chưa đủ tiền để trả.

Ngày 9/6/2022, Tina Dương đem chiếc xe ô tô BS 51H - 242.74 đến bán cho anh Bùi Đức Hiếu (28 tuổi, trú Q.Hoàng Mai, Hà Nội, có tiệm rửa xe ngay sát cửa hàng bán trái cây của Tina Dương).

Sau khi thỏa thuận, anh Hiếu đưa trước tiền đặt cọc cho Tina Dương 160 triệu đồng. Anh Hiếu tiếp tục chuyển tiền cho Tina Dương nhiều lần nữa tổng cộng là 390 triệu đồng. Sau đó, Tina Dương vào TP.HCM đặt làm giả một giấy chứng nhận đăng ký ô tô cho xe 51H - 242.74 rồi giao cho người mua và hứa khi nào làm xong giấy tờ sang tên sẽ chuyển trả nốt số tiền còn thiếu là 600 triệu đồng.

Đến ngày 30/6/2022, đúng hẹn ngày làm giấy sang tên nhưng Tina Dương không đến như giao ước với người mua và cố tình trốn tránh.

Trong thời gian này, công ty cho Tina Dương thuê xe yêu cầu trả xe nhưng không liên lạc được, do vậy đã lần theo định vị xe và phát hiện xe đang để ở TP.Ninh Bình nên đã đến Công an TP.Ninh Bình tố cáo Tina Dương về hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Thời điểm đó, Tina Dương thiếu nợ tiền nhiều người mà không trả, nên ngày 8/7/2022 cô này đã bỏ đi khỏi Ninh Bình về lại TP.HCM và sau đó đến TP.Phan Thiết (Bình Thuận) để sinh sống. Sau đó, Tina Dương bị Cơ quan CSĐT (Công an TP.Phan Thiết) mời làm việc do có nhiều đơn tố cáo liên quan.

Ngày 5/7/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP.Ninh Bình (Ninh Bình) đã chuyển tin báo trên đến Công an TP.Phan Thiết để điều tra theo thẩm quyền.

Đến ngày 12/10/2022, Viện KSND TP.Phan Thiết ra quyết định chuyển vụ án hình sự đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận để điều tra theo thẩm quyền. Quá trình điều tra Ninh Thị Vân Anh khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như kể trên.

Hành vi lừa đảo và sử dụng tài liệu giả của Tina Dương đối mặt với bao nhiêu năm tù? - Ảnh 1.

Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt Ninh Thị Vân Anh (tức Tina Dương).

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, kết hợp với lời khai nhận tội của bị can, Cơ quan CSĐT (Công an tỉnh Bình Thuận) có đủ cơ sở kết luận Ninh Thị Vân Anh đã có hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

Vì vậy, hành vi của Tina Dương phải chịu trách nhiệm về việc chiếm đoạt của Công ty cổ phần Gia Đình Việt với số tiền (đã giám định) là 774.285.345 đồng. Đồng thời, bị can còn làm giả giấy đăng ký xe để bán tiếp cho anh Bùi Đức Hiếu.

Căn cứ ở Điều 232 Bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận chuyển toàn bộ hồ sơ, vật chứng của vụ án, kèm bản kết luận điều tra đến Viện KSND tỉnh Bình Thuận đề nghị truy tố bị can Ninh Thị Vân Anh, tức Tina Dương.

Hành vi lừa đảo và sử dụng tài liệu giả của Tina Dương đối mặt với bao nhiêu năm tù? - Ảnh 2.

Chiếc xe ô tô, tang vật của vụ án

Tina Dương đối mặt với bao nhiêu năm tù?

Trao đổi với Luật sư Đinh Đức Duy, Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi vay, mượn, thuê tài sản hoặc nhận tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng. Sau khi nhận được tài sản một cách hợp pháp rồi gian dối, bỏ trốn để chiếm đoạt, sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản, có tài sản nhưng cố tình không trả.

Đối với hành vi sử dụng giấy tờ xe ô tô giả để bán cho người người khác, trong giao dịch này, đối tượng đã chủ động thuê người làm giấy tờ giả nhằm mục đích khiến người mua tin tưởng, ký hợp đồng mua bán sau đó thu lợi bất chính từ người mua xe.

Về hình phạt, Tina Dương bị đề nghị truy tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo Khoản 4 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015. Khung hình phạt ở đây là từ 12 năm đến 20 năm tù. Đối với tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" theo Khoản 3 Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 có khung hình phạt từ 3 năm đến 7 năm tù.

Căn cứ quy định tại Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 2015, trường hợp khi xét xử cùng một lần người phạm nhiều tội thì Tòa án sẽ quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt của các tội. Đối với hình phạt tù có thời hạn thì tổng hợp hình phạt chung không được vượt quá 30 năm.

Như vậy, đối tượng Vân Anh có thể phải lĩnh mức án từ 15 đến 27 năm tù. Khi xét xử, Tòa án sẽ căn cứ vào các tình tiết có trong hồ sơ vụ án, tính chất mức độ của hành vi phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ (nếu có) để quyết định hình phạt cụ thể..

Hành vi lừa đảo và sử dụng tài liệu giả của Tina Dương đối mặt với bao nhiêu năm tù? - Ảnh 3.

Luật sư Đinh Đức Duy, Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Những thủ đoạn lừa đảo thường thấy

Không chỉ vụ việc trên, thực tế thời gian qua đã có nhiều trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thực tế cho thấy, nạn nhân không chỉ là người cao tuổi, học vấn thấp, dễ tin người mà nhiều người dù có học vấn cao, sành sỏi trong đầu tư tài chính cũng bị lừa. Theo luật sư Đinh Đức Duy, một số thủ đoạn mà kẻ lừa đảo thường sử dụng có thể kể đến như:

Đánh vào tâm lý không muốn mắc nợ người khác: Đây là tâm lý chung của mọi người. Khi nhận được điều gì đó từ người khác, thông thường mọi người mong muốn đền đáp lại điều đó. Cảm giác mắc nợ của nạn nhân được những kẻ lừa đảo lợi dụng để khơi gợi và khiến cho nạn nhân hành động theo bản năng mong muốn trả ơn của họ.

Cung cấp thông tin gây nhiễu: Kẻ lừa đảo có thể đưa ra rất nhiều thông tin có liên quan, các mối quan hệ mình có, thậm chí thuê người dàn xếp hoặc tổ chức các buổi làm việc giả để tạo dựng niềm tin với nạn nhân. Nạn nhân có thể được bảo đảm rằng đây là đề nghị rất đặc biệt, cơ hội hiếm có mà không phải ai cũng có, từ đó khiến nạn nhân trở nên hấp tấp, vội vàng hơn trong các quyết định của mình.

Tâm lý đám đông: Ai cũng đều có mong muốn làm giàu, vì vậy mọi người thường suy nghĩ rằng người khác làm được thì mình cũng có thể làm được. Và khi nạn nhân đang được chào hàng, được cung cấp quá nhiều thông tin có lợi, được cam kết bằng về lợi nhuận, về sự thành công thì mong muốn nhanh chóng làm giàu của họ dường như trở nên mãnh liệt hơn, khiến họ rơi vào tình thế mơ hồ và áp lực. Họ không còn sự đề phòng và quên mất việc phải xác thực, kiểm chứng lại thông tin mặc dù trong thâm tâm vẫn đang nghi ngờ, mông lung.

Cam kết hoàn tiền nếu rủi ro: Đây là một thủ đoạn mà những kẻ lừa đảo rất hay sử dụng. Kẻ gian thường đưa ra rất nhiều cam kết về sự thành công, cam kết hoàn tiền nếu có rủi ro, cam kết mức lãi suất cao để nạn nhân tin tưởng.

Luật sư Duy cho rằng, không có một công thức chung nào về thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo sử dụng. Vì vậy, trước bất cứ lời mời chào, dụ dỗ nào, mọi người cần phải tỉnh táo, kiểm soát được lòng tham của chính mình, cảnh giác không để cám dỗ che mắt, tự trang bị kiến thức ở các nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy, chỉ giao dịch với những người mà mình biết rõ và tin tưởng, tham khảo ý kiến của người có chuyên môn trước khi đầu tư hay ký kết bất kỳ giao dịch nào…

Đầu tư thì dễ nhưng để có lợi nhuận từ việc đầu tư thì không dễ chút nào. Hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi đầu tư hoặc đưa tiền cho bất kỳ ai, đặc biệt là số tiền lớn. Đừng để bản thân trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo, luật sư Duy khuyến cáo.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày