Nếu bạn vừa là CEO của SpaceX, Tesla, đồng thời cũng là nhà sáng lập của Công ty Boring và OpenAI, có lẽ chỉ có thuật phân thân của Naruto mới có thể giúp bạn cáng đáng được khối lượng công việc khổng lồ mà Elon Musk phải đối mặt hàng ngày. Tuy nhiên, vị tỉ phú 47 tuổi này vẫn luôn không ngừng nỗ lực và khẳng định sẽ không bao giờ dừng lại cho đến khi giúp nhân loại thống trị Sao Hỏa.
Những dự án, lĩnh vực công nghệ mà Elon Musk đã và đang theo đuổi cũng khiến người ta phải ngả mũ thán phục vì tầm nhìn vĩ đại của ông. Từ xe điện, pin mặt trời cho đến tên lửa, robot cùng hàng loạt sản phẩm độc đáo khác, Musk chẳng khác nào Tony Stark (Iron Man) phiên bản đời thực.
Tuy nhiên chẳng có con đường thành công nào trải đầy hoa hồng cả, và Elon Musk cũng không phải ngoại lệ. Ít ai biết rằng người đàn ông có sức ảnh hưởng nhất nhì làng công nghệ hiện nay lại từng là nạn nhân của nạn bạo lực học đường khi còn nhỏ, và đã phải trải qua rất nhiều khó khăn để đạt được những thành tựu như ngày hôm nay.
Elon Musk sinh vào ngày 28/6/1971 tại thành phố Pretoria, Nam Phi.
Ông luôn là một người sống hướng nội và ít khi chia sẻ suy nghĩ của mình. Cha của Elon Musk, kĩ sư Errol Musk, từng tiết lộ: "Trong khi bạn bè cùng trang lứa thường hay tụ tập, tiệc tùng hay chơi thể thao cùng nhau thì Elon lại tự nhốt mình trong một thư viện nhỏ và đọc hết toàn bộ sách ở đó".
Mẹ của Elon Musk, bà May Musk, từng là một chuyên gia dinh dưỡng kiêm người mẫu chuyên nghiệp tại Canada và đã từng xuất hiện trên trang bìa của tạp chí TIME danh giá.
Sau khi cha mẹ quyết định li hôn vào năm 1979, Elon Musk (khi ấy mới hơn 8 tuổi) cùng em trai Kimbal Musk sống cùng cha của mình. Và đây cũng chính là khởi nguồn cho mối quan hệ đầy rắc rối, mâu thuẫn giữa ông và cha của mình.
Năm 1983, Elon Musk (khi ấy mới 12 tuổi) đã bán tựa game có tên "Blastar" do ông tự thiết kế cho một tạp chí máy tính và kiếm được 500 USD. Musk cho biết: "Đó chỉ là một tựa game bình thường không có gì nổi bật, nhưng vẫn hay hơn nhiều so với Flappy Bird".
Tuy nhiên, quãng đời học sinh của Elon Musk lại diễn ra không mấy êm đẹp. Ông là nạn nhân của bạo lực học đường và từng bị bắt nạt đến mức phải nhập viện. Những tên côn đồ đã đẩy ông xuống một cầu thang và liên tục đánh đập không thương tiếc cho đến khi ông bất tỉnh nhân sự.
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Musk chuyển đến sống tại Canada và theo học Đại học Queen ở Kingston, Ontario trong vòng 2 năm. Trong khoảng thời gian ấy, ông sống cùng mẹ, em gái Tosca và em trai Kimbal.
Sau đó, ông chuyển sang Đại học Pennsylvania rồi hoàn thành chương trình cử nhân và thạc sĩ 2 ngành vật lý và kinh tế. Bức ảnh này được chụp vào năm 2012 khi ông đã đọc một bài diễn đầy cảm hứng trong lễ tốt nghiệp tại Caltech - Viện Công nghệ California.
Trong quá trình theo học tại Đại học Pennsylvania, Elon Musk cùng một người bạn cùng lớp, Adeo Ressi, đã thuê nguyên căn nhà gồm 10 phòng ngủ và biến nó thành một hộp đêm náo nhiệt. Đây có thể coi là trải nghiệm khởi nghiệp đầu tiên của vị tỉ phú này.
Sau khi tốt nghiệp, Musk chuyển đến Đại học Stanford để theo học chương trình tiến sĩ. Tuy nhiên, ông đã thôi học ngay khi chương trình này còn chưa bắt đầu. Quyết định này được đưa ra khá chóng vánh, chỉ trong vòng 2 ngày khi ông sống tại California. Elon Musk cho biết khi ấy ông muốn thử vận may trước sự bùng nổ của Internet. Và đến nay, ông vẫn chưa quay lại để hoàn thành chương trình học tại Stanford.
Với sự trợ giúp của một nhóm các nhà đầu tư tại Thung lũng Silicon, Elon Musk cùng cậu em trai Kimbal đã ra mắt dự án Zip2. Về cơ bản, dự án này sẽ cung cấp những chỉ dẫn du lịch, chỉ đường trên các tờ báo lớn như The New York Times hay Chicago Tribune.
Khi Zip2 đi vào ổn định và bắt đầu khởi sắc, Musk bận rộn đến mức ông sống luôn tại văn phòng làm việc và phải tắm trong nhà tắm công cộng. Chính nhờ sự hi sinh này đã mang lại quả ngọt cho Zip2 khi được ông lớn Compaq mua lại với giá 341 triệu USD.
Vào năm 1999, Elon Musk sử dụng 10 triệu USD kiếm được từ Zip2 để thành lập X.com - một công ty hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng trực tuyến. Một năm sau, X.com kết hợp với start-up tài chính Confinity của Peter Thiel (bên trái) để thành lập PayPal.
Elon Musk từng trở thành CEO của PayPal nhưng chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Vào tháng 10/2000, Musk và các đồng sáng lập PayPal khác đã tranh cãi quyết liệt trong vấn đề chuyển từ hệ điều hành Unix sang sử dụng Windows. Ngay cả CTO Max Levchin (ảnh) cũng phản đối kịch liệt quyết định của Musk.
Khi Musk đang trên đường tận hưởng kỳ nghỉ dưỡng mà ông hằng mong đợi tại Úc, ban lãnh đạo của PayPal đã quyết định cắt chức ông và đưa Thiel lên làm CEO mới. "Đó chính là cái giá mà bạn phải trả khi đi du lịch đấy", Musk hài hước chia sẻ.
Nhưng vận may lại đến với Musk khi eBay mua lại PayPal vào cuối năm 2002. Với tư cách là cổ đông lớn nhất của PayPal, Musk đã bỏ túi đến 165 triệu USD trong khoản tiền 1,5 tỉ USD mà eBay đưa ra.
Tuy nhiên, ngay trước khi eBay mua lại PayPal, Elon Musk đã hình thành kế hoạch tiếp theo của mình, bao gồm cả dự án "điên rồ" đưa chuột hoặc thực vật lên Sao Hỏa để thử nghiệm. Tuy nhiên, vì giá tên lửa quá đắt, Musk quyết định sẽ tự xây dựng sản phẩm của riêng mình.
Đầu năm 2002, Musk thành lập công ty Space Exploration Technologies (SpaceX) với khoản tiền 100 triệu USD kiếm được từ PayPal. Mục tiêu của ông là thực hiện các chuyến bay vào vũ trụ với mức giá thấp hơn 10 lần.
Dòng tên lửa đầu tiên của Space X có tên là Falcon 9, được đặt theo con tàu vũ trụ Millennium Falcom trong series đình đám Star Wars.
Một dòng sản phẩm khác có tên là Dragon, lấy cảm hứng từ ca khúc "Puff the Magic Dragon".
Mục đích cao nhất của SpaceX là giúp nhân loại thống trị Sao Hỏa với mức phí thấp nhất có thể. Musk cho biết SpaceX sẽ không tiến hành IPO cho đến khi các con tàu của hãng có thể "bay đến Sao Hỏa như cơm bữa".
Năm 2004, Musk cùng với Martin Eberhard (ảnh) thành lập start-up xe điện Tesla. Trong đó, Musk đóng góp khoản đầu tư lên đến 70 triệu USD.
Musk cũng trực tiếp tham gia vào quá trình chế tạo sản phẩm tại Tesla và đóng góp công lớn trong việc tạo ra mẫu xe đầu tiên của hãng: Tesla Roadster. Khi chiếc Roadster đầu tiên ra mắt vào năm 2006, Musk đã trở thành chủ tịch của Tesla, và giờ thì ông kiêm luôn cả vị trí CEO của công ty này.
Chưa dừng lại ở đó, Elon Musk tiếp tục nâng cao tham vọng với SolarCity - một công ty chuyên về năng lượng mặt trời thành lập vào năm 2006.
Thế nhưng mọi chuyện tại Tesla lại không diễn ra suôn sẻ. Công ty này đã mất nhiều hơn được trong thời gian Eberhard giữ chức CEO. Chính điều đó đã buộc Musk phải tiến hành một cuộc "thay máu" toàn diện, sa thải Eberhard và sắp xếp lại toàn bộ đội ngũ giám đốc của Tesla.
Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008, Musk đã bỏ tiền túi của mình ra để cứu lấy Tesla trước bờ vực phá sản. Cụ thể, ông đã đầu tư khoản tiền 40 triệu USD và tiếp tục cho Tesla mượn thêm 40 triệu USD nữa. Có lẽ chính điều này đã giúp ông lấy được niềm tin của đồng nghiệp và trở thành CEO mới vào năm 2008.
Nhưng với quá nhiều dự án như SpaceX, Tesla và SolarCity, có thời điểm Musk gần như "trắng tay" hoàn toàn. Ông cho biết 2008 là năm tồi tệ nhất trong cuộc đời mình. Tesla thì liên tục thua lỗ, còn SpaceX lại gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phóng tên lửa Falcon 1. Đến năm 2009, Elon Musk phải vay tiền từ bạn bè chỉ để sống qua ngày.
Cũng trong khoảng thời gian này, Musk và Justine Musk, vợ cũ của mình, xảy ra nhiều mâu thuẫn đến mức phải ly hôn.
Nhưng kể từ Giáng Sinh năm 2008, mọi chuyện lại trở nên khởi sắc hơn với Elon Musk. SpaceX nhận được bản hợp đồng "béo bở" trị giá 1,5 tỉ USD từ NASA, trong khi Tesla cũng nhận được hỗ trợ từ các nhà đầu tư bên ngoài.
Năm 2010 đánh dấu một bước ngoặt mới đối với Elon Musk khi Tesla tiến hành IPO thành công, thu về 226 triệu USD. Để cải thiện tình hình tài chính cá nhân, Musk sau đó đã bán số cổ phiếu có giá trị tương đương với 15 triệu USD.
Sự nghiệp tuyệt vời của Musk đã thu hút sự chú ý của rất nhiều nhân vật lớn trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó có cả các nhà làm phim danh tiếng tại Hollywood. Ông thậm chí còn trở thành một phần cảm hứng để Robert Downey Jr tạo ra nhân vật Tony Stark trong các bộ phim "Iron Man" của Marvel. Musk cũng vinh dự xuất hiện trong bộ "Iron Man 2" vào năm 2010.
Đời sống cá nhân của Musk cũng xảy ra nhiều biến động trong khoảng thời gian này. Vào năm 2008, Musk hẹn hò với nữ diễn viên Talulah Riley (ảnh). Hai người đi đến kết hôn vào năm 2010 và nhanh chóng chia tay 2 năm sau đó. Tháng 7/2013, hai người quay lại với nhau nhưng cũng chỉ kéo dài đến tháng 12/2014 khi Musk nộp đơn xin ly hôn và nhanh chóng rút lại. Tháng 3/2016, đến lượt Riley nộp đơn ly hôn và hai người chính thức đường ai nấy đi 7 tháng sau đó.
Tháng 8/2017, nữ diễn viên Amber Heard cũng quyết định chia tay sau 1 năm hẹn hò với Musk. Vị tỉ phú này cho biết ông đã phải rất khó khăn mới có thể trải qua nỗi buồn mà mối tình này để lại.
Trái lại, sự nghiệp của Musk lại không ngừng thăng tiến, đặc biệt là với SpaceX. Cuối năm 2015, SpaceX đã thực hiện thành công 15 lần phóng tên lửa, thiết lập nên một kỷ lục vô tiền khoáng hậu.
Mới đây vào tháng 2/2018, SpaceX tiếp tục phóng thành công tên lửa Falcon Heavy, "hậu bối" của Falcon 9 và cũng là mẫu tên lửa hiện đại nhất của hãng tính đến thời điểm hiện tại.
Điểm đặc biệt chính là tên lửa Falcon Heavy đã mang theo chiếc Tesla Roadster màu đỏ của chính Elon Musk tiến thẳng vào quỹ đạo Sao Hỏa.
Bộ óc sáng tạo vĩ đại của Musk không cho phép ông ngủ quên trên chiến thắng. Vị tỉ phú này tiếp tục công bố những sáng kiến mới mang tính đột phá, trong đó phải kể đến hệ thống đường siêu tốc Hyperloop. Về mặt lý thuyết, Hyperloop cho phép hành khách di chuyển từ thành phố Los Angeles đến San Francisco trong vòng 30 phút, giúp cải thiện tình hình giao thông trên mặt đất.
Vào tháng 4 vừa qua, Musk đã công bố kế hoạch thử nghiệm hệ thống Hyperloop của Tesla và SpaceX với tốc độ 617 km/h, tức là khoảng một nửa so với vận tốc âm thanh.
Bên cạnh đó, Musk còn thành lập công ty The Boring Company vào năm 2016 (công ty "Nhàm chán") nhưng lại có rất nhiều ý tưởng táo bạo chẳng hề nhàm chán chút nào. Nhiệm vụ của công ty này là xây dựng đường hầm dưới những thành phố lớn để hình thành hệ thống giao thông tốc độ cao mới.
Cuối năm 2015, Musk trở thành đồng sáng lập của OpenAI, một công ty phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và đảm bảo rằng công nghệ này sẽ không gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến nhân loại. Trước đó, Musk cũng đã nhiều lần bày tỏ những lo ngại trước sự phát triển bùng nổ của AI sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, trong đó có cả Thế chiến thứ 3.
Mặc dù bày tỏ nhiều lo ngại về AI nhưng Musk lại không ngừng đầu tư vào hệ thống tự lái cho các sản phẩm xe điện của Tesla. Hệ thống này hiện đã có mặt trên 3 mẫu xe của hãng.
Cuối năm 2016, Tesla mua lại SolarCity với giá 2.6 tỉ USD. Hai dự án lớn nhất trong việc bảo vệ môi trường của Elon Musk cuối cùng cũng chính thức về chung một nhà.
Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn trong khâu sản xuất xe điện Model 3 nhưng các chuyên gia cho rằng 2018 sẽ tiếp tục là một năm thành công nữa của Elon Musk. Cả SpaceX và Tesla vẫn đang hoạt động ổn định còn bản thân Musk cũng đang sở hữu khối tài sản trị giá 20 tỉ USD.
Theo BusinessInsider