Hành trình du học thạc sĩ tại Anh của chàng trai khiếm thị

HOÀI ANH/VTC News, Theo VTC News 07:33 27/10/2022

Chàng trai khiếm thị Thành Vinh quyết tâm giành học bổng du học để thực hiện ước mơ thuở nhỏ - chạm tay vào tuyết.

Nguyễn Thành Vinh (sinh năm 1994) đang theo học bậc thạc sĩ ngành Giáo dục đặc biệt, trường Đại Học Exeter, Vương Quốc Anh. Nhờ giành học bổng Chevening, Vinh được trợ cấp 100% học phí và chi phí sinh hoạt hàng tháng.

Hành trình du học thạc sĩ tại Anh của chàng trai khiếm thị - Ảnh 1.

Vinh hiện là du học sinh tại Anh. (Ảnh: NVCC)

Vinh sinh ra tại Long An, khi mới 19 tháng tuổi, cậu bé vô tình làm vỡ cốc sữa, bị những mảnh thuỷ tinh bắn vào mắt và mất thị lực hoàn toàn. Năm 6 tuổi, rời gia đình đến sống, học tập tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM, cậu mới dần thấm thía áp lực của cuộc sống tự lập ngoài vòng tay của gia đình.

"Đây cũng thời điểm mà cuộc sống của tôi bước sang một trang mới. Tôi sống tự lập hơn, có thể tự chăm sóc bản thân, giặt quần áo, rửa bát và học tập", Vinh nói.

9x cho biết lần đầu tiên được tiếp xúc với tiếng Anh vào năm lớp 2 – thông qua một bài hát và bị hấp dẫn bởi ngôn ngữ này. Sau đó, Vinh học thuộc lời nhiều bài hát tiếng Anh, tập phát âm theo và luôn tận dụng mọi khoảnh khắc được trò chuyện tiếng Anh.

Nhờ khả năng nghe, nói tiếng Anh tốt nên khi Tổ chức từ thiện Loreto đến Trường Nguyễn Đình Chiểu dạy tiếng Anh cho trẻ em khuyết tật, Vinh đã để lại ấn tượng tốt cho các thành viên.

"Tôi là người có tính tò mò cao, luôn khao khát tìm kiếm những điều mới lạ. Vậy nên, khi được nghe những người nước ngoài kể về tuyết, tôi nung nấu ước mơ đi nước ngoài để một lần được chạm vào tuyết", Vinh kể lại.

Từ năm lớp 3, theo chương trình học của trường Nguyễn Đình Chiểu, Vinh được tham gia học hòa nhập tại một trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM. Sau đó, cậu theo học tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ và Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An.

Hết cấp 3, Vinh mơ ước được theo học tại Đại học RMIT. Tuy nhiên thời điểm cậu tốt nghiệp lớp 12, trường này chưa có suất học bổng 100% cho bất kỳ đối tượng nào. Cậu đành gác lại ước mơ, tìm kiếm những cơ hội mới tại các trường đại học khác.

Vinh sau đó bị nhiều trường từ chối vì sợ cậu không theo kịp chương trình. Không nhụt chí, Vinh tìm về trường gần nhà - Đại học Tân Tạo (Long An) để nộp đơn xin học nhưng cậu tiếp tục bị từ chối. Cậu chủ động xin được gặp ban giám hiệu nhà trường để thuyết phục. Nhận thấy nghị lực và khả năng của Vinh, Đại học Tân Tạo lần đầu tiên chấp nhận một sinh viên khiếm thị vào trường.

Sau hai năm theo học Đại học Tân Tạo, khi biết Đại học RMIT có học bổng cho sinh viên khiếm thị, Vinh ngay lập tức gửi hồ sơ. Với sự tự tin, thành tích học tập tốt cùng khả năng nói tiếng Anh lưu loát, Vinh trở thành sinh viên khiếm thị đầu tiên nhận học bổng 100% của RMIT.

Vì chưa sở hữu bất kỳ bằng tiếng Anh nào, Vinh buộc phải tham gia kỳ thi xếp lớp tại trường đại học. Chàng trai sau đó đã đỗ vào lớp L7 - lớp tiếng Anh cao nhất của Trường RMIT.

Hành trình du học thạc sĩ tại Anh của chàng trai khiếm thị - Ảnh 2.

Vinh nhận bằng tốt nghiệp Đại học RMIT Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Nhận bằng tốt nghiệp vào năm 2018, Vinh đặt mục tiêu tiếp theo là giành học bổng Chevening. Để giành học bổng này, ứng viên bắt buộc phải đang đi làm, ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc trong bất kể lĩnh vực nào.

Vinh bắt tay vào làm công việc dịch thuật và mở lớp dạy tiếng Anh. Dịch COVID-19 bùng phát khiến các lớp tiếng Anh của Vinh không thể hoạt động trong 6 tháng liên tục, số tiền dành dụm được cũng "không cánh mà bay".

Vinh chuyển các lớp học sang trực tuyến, đối mặt với thách thức phải kết nối trực tuyến và kiểm soát học viên của mình. Cuối 2020, 9x xây dựng được những lớp học online và bắt đầu có kinh nghiệm giảng dạy theo mô hình này.

Năm 2021, khi có 1 năm kinh nghiệm dạy lớp online, Vinh làm tình nguyện tại một mái ấm mồ côi, điều hành một nhóm cho người khiếm thị gỡ băng để có thêm thu nhập có tên ScriVi. ScriVi trang bị cho các thành viên khiếm thị kỹ năng chuyển âm thanh thành chữ viết chuyên nghiệp để cung cấp dịch vụ này cho các nhà nghiên cứu, nhà báo và các khách hàng khác.

"Tháng 4/2021 đánh dấu thành tựu mới của ScriVi khi tôi thành công ký kết một hợp đồng quan trọng với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU)", Vinh chia sẻ.

Do điểm GPA thời đại học không quá ấn tượng nên Vinh giành thời gian đầu tư cho bài luận. Học bổng Chevening mở từ tháng 8 hàng năm và đóng vào đầu tháng 11. Thế nhưng từ tháng 4 Vinh bắt đầu viết bài luận và giành ra 6 tháng để toàn tâm toàn ý cho bài luận.

Hồ sơ xin học bổng Chevening luôn bao gồm 4 bài luận: Leadership – Lãnh đạo và sức ảnh hưởng; Networking – Khả năng xây dựng mạng lưới; Studying in the UK –Tại sao lại chọn những ngành, trường học đó và Career Plan – Kế hoạch tương lai. Chevening giới hạn mỗi bài luận chỉ được viết trong phạm vi tối đa 500 từ, quá 1 từ cũng khiến hồ sơ không hợp lệ. Đây chính là thách thức lớn đối với Vinh.

"Không gì khó bằng viết về cuộc đời chính mình với vô vàn trải nghiệm. Đặc biệt là phải viết làm sao để mỗi câu mỗi từ đều có thể thuyết phục được hội đồng giám khảo", Vinh nói.

Vinh chinh phục thành công học bổng Chevening. (Ảnh: NVCC)

Chinh phục thành công học bổng Chevening, Vinh nghiệm ra rằng, chỉ cần mình hiểu rõ bản thân, ham học hỏi, đặt bản thân mình vào những nhu cầu mà cộng đồng và xã hội đang cần và không ngừng cố gắng theo đuổi con đường có ý nghĩa với chính mình, thì không gì là không thể.

Dự định lớn nhất của Vinh là sáng lập chương trình phát triển cá nhân, trở thành người hướng dẫn, đồng hành cho các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam. "Tôi từng cảm thấy lạc lõng, bơ vơ vì không được ai định hướng trong công việc, học tập. Vậy nên tôi muốn giúp đỡ các bạn để phát triển năng lực bản thân", Vinh nói.

Điều tiếp theo, Vinh mong muốn được "đầu quân" cho một cơ sở giáo dục, trở thành người tham vấn để tạo ra một môi trường giáo dục hoàn hảo cho các đối tượng học sinh.