47 thầy giáo tiểu học Tri Lễ: Lên vùng cao, ở với đồng bào và học múa dân vũ

Team Wedo, Theo Trí Thức Trẻ 23:24 04/02/2018

Ngay cả trong điều kiện khó khăn và khốc liệt nhất của cuộc sống, các thầy vẫn bình tĩnh, vẫn lạc quan để học và thể hiện điệu nhảy dân vũ như đang kể câu chuyện về chính cuộc sống của mình.

6/12/2017

Từ Sài Gòn, chúng tôi bay chuyến sớm và đặt chân tới sân bay Vinh vào khoảng 10 giờ 30 sáng rồi đến thăm thầy Lang Văn Nhàn, hiệu trưởng trường Tiểu học Tri Lễ 4, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đang điều trị bệnh ở bệnh viện Vinh. Mệt mỏi nhưng thầy vẫn cố gắng nói chuyện với chúng tôi và dặn đi dặn lại: "Mọi người cứ đi lên đấy chứng kiến cho tận mắt". Chúng tôi phải rời Vinh nhanh để đến được bản trước 5g chiều, nếu muộn hơn, trời tối sẽ vô cùng khó đi.

Huyện Quế Phong cách TP Vinh 200 km. Con đường từ đồng bằng lên miền núi với nhiều đoạn đèo quanh co lên cao dần là trải nghiệm đầu tiên gây sốc. Đến xã miền núi Tri Lễ của huyện Quế Phong, một đoàn xe máy của các thầy trường tiểu học Tri Lễ 4 đã chờ sẵn, vì không xe nào có thể lên đó ngoài những tay lái kỳ cựu. Cú sốc thứ hai đến từ lời dặn của các thầy: không đeo túi và ba lô nặng sau lưng mà phải buộc thật chặt vào xe, xe nào chở người thì không chở đồ cho nhẹ, mới dễ dàng hơn khi di chuyển.  

47 thầy giáo tiểu học Tri Lễ: Lên vùng cao, ở với đồng bào và học múa dân vũ - Ảnh 1.

"Cung đường tử thần"

Vậy mà tôi vẫn không khỏi bàng hoàng khi bắt đầu vào đoạn đường rừng. Quang cảnh rừng núi rất đẹp và thơ mộng, sương mù bảng lảng, thỉnh thoảng những con heo đen lưng võng đi đủng đỉnh bên cạnh, thế nhưng đường đi thật nguy hiểm. Vừa hẹp vừa toàn đất đá nên các xe đều phải nối đuôi nhau hàng một. Những đoạn lên dốc xuống dốc uốn lượn giống như đang trải nghiệm thực tế trò roller coaster, nên dù đã được dặn trước nhưng tôi vẫn chưa thể hoàn toàn tin vào tay lái của các thầy. Tôi ghì chặt tay vào sau xe, mắt cố nhìn đoạn đường trước mắt, trong đầu nghĩ nếu có chuyện gì thì sẽ chủ động tự cứu mình. 

Hôm ấy trời nắng nên mặc dù lo sợ nhưng chúng tôi vẫn đến được trường an toàn.

Trải nghiệm con đường thực sự chỉ đến vào ngày 11/12. Lúc ấy hầu hết mọi người trong đoàn đã ghi hình xong và về lại Sài Gòn, Hà Nội. Chỉ còn tôi và anh Đào Duy Tùng (nghệ sĩ thị giác tại TP HCM) ở lại một tuần nữa. Chúng tôi sẽ dựa vào sinh hoạt hàng ngày để dựng một điệu múa tập thể riêng cho các thầy và trò của trường, sau này trong các dịp sinh hoạt thầy trò có thể nhảy múa cùng nhau.

Hôm ấy không may mắn như ngày đầu. Sáng sớm nhìn trời mưa và đầy sương mù, chúng tôi chỉ biết nhìn nhau và nói "thôi xong rồi, đường lên sẽ trơn lắm đây".

5 giờ 30 sáng, xuất phát từ thị trấn Kim Sơn. Trời vẫn còn mờ tối, lại tối thêm vì đầy sương. Phải qua đèo Chuối dài khoảng 6 km rất ngoằn ngoèo, nhưng sương mù dày đặc, chúng tôi không nhìn rõ được gì phía trước. Phải nối đuôi nhau đi thật chậm, gần như lần dò trong màn đêm. Lúc qua hết đèo tôi mới biết đây là đoạn rất dễ xảy ra tai nạn, đến nỗi được gọi là "cung đường tử thần".

Con đường từ xã Châu Thôn lên bản Mường Lống càng trơn nhẫy và nguy hiểm hơn sau mấy ngày mưa. Chúng tôi liên tục phải xuống xe, xúm lại cùng nhau đẩy lên dốc. Có những lúc trong đường rừng vắng lặng chỉ nghe tiếng động cơ rì rì phía sau nhưng lại tắt. Hóa ra xe nào cũng không đủ sức vượt dốc nên cứ tắt máy suốt, phải nhờ dân bản giúp đẩy lên. Chặng đường chỉ 15 km nhưng chúng tôi phải đi mất ba tiếng.  

47 thầy giáo tiểu học Tri Lễ: Lên vùng cao, ở với đồng bào và học múa dân vũ - Ảnh 2.

Những đoạn lên dốc xuống dốc uốn lượn giống như đang trải nghiệm thực tế trò roller coaster

Có một chi tiết khá buồn cười nhưng tôi cứ nhớ mãi: trong lúc trời lạnh ngăn ngắt mà chúng tôi cứ phải đẩy xe vã mồ hôi, vừa đói, vừa mệt thì ngay đoạn đường ấy có một con heo cứ ngoe nguẩy mông đi trong rừng rất bình tĩnh an nhiên, trông phát ghét.

Đến trường, tôi và anh Tùng được ngồi ăn vội bát mì trong bếp còn các thầy có giờ lên lớp chẳng được nghỉ ngơi, chỉ kịp thay quần áo sạch để vào dạy.  

Dưới chia sẻ của anh Chung, ta có thể phần nào cảm nhận được một môi trường khó khăn, đầy khắc nghiệt ngay từ chặng đầu tiên: con đường di chuyển để đưa cái chữ vào với những trẻ miền cao. 

Tiếng chày giã tiêu làm nhịp điệu múa

Việc tập trung đủ 46 thầy giáo từ 6 điểm trường về điểm trường chính để cùng nhau tập múa là không thể được, cho nên thầy Quyền chỉ cử mỗi điểm trường một thầy về.

4 giờ 30, các lớp học kết thúc, chúng tôi bắt đầu tập trong một tiếng trước khi tỏa ra để đi hái rau, xúc cá và chuẩn bị bữa ăn tối.

Tôi và anh Tùng muốn sẽ dùng ngôn ngữ múa và âm nhạc lấy cảm hứng từ chính những sinh hoạt thường xuyên trong cuộc sống của thầy trò ở trường, như hành động lái xe lên núi xuống núi, phủi quần áo cho bớt lấm lem, đánh bóng chuyền vào buổi chiều, xúc cá dưới suối, lắp bóng đèn... Âm nhạc cũng sẽ dùng các tiếng động thực hàng ngày như tiếng trống trường, tiếng trẻ đọc bài, tiếng vỗ tay, tiếng chày giã muối với hạt mắc khén (hạt tiêu rừng) để làm món ăn, tiếng dao băm thịt chuột trên thớt gỗ, tiếng rửa bát chén lách cách mỗi buổi sáng... để tạo thành nhịp điệu tiết tấu.

Mỗi ngày chúng tôi lại tập cùng nhau từ những bước nhún chân cơ bản nhất đến những động tác lắc hông. Thỉnh thoảng có những thầy lại bước chân nọ xọ chân kia và tất cả lại được một màn cười phá lên.

Hết một ngày, chúng tôi vào bếp chuẩn bị bữa tối với nhau. Thầy Hiệp và thầy Rùa chăm chỉ ngồi tập các bước chân và tập gõ tiết tấu. Thầy Dương vừa nấu ăn vừa nhún nhảy điệu Xiêng Khoảng- điệu múa Lào. Bỗng dưng tôi lại được các thầy gọi là thầy Chung, một vinh dự mà mới đầu tôi nghe vẫn còn thấy ngại. Các thầy nói: "Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy".  

Những chi tiết nhỏ nhất đều được đưa vào điệu nhảy dân vũ

Thứ ba, 12/12/2017

7g 30: Tiếng trống trường vang lên cũng là lúc các thầy sẵn sàng cho buổi dạy học.

Trong bữa tối hôm qua, các thầy kể ở đây toàn bộ là đồng bào H’Mông; theo phong tục người H’Mông, tiếng trống là dấu hiệu khi có đám tang (làm vía), nên ban đầu các thầy phải mất nhiều thời gian để giải thích về tiếng trống trường; dần dần giúp bà con cũng như học sinh nghe tiếng trống trường như dấu hiệu để biết được giờ ra chơi, giờ vào lớp cũng như giờ sinh hoạt thể dục.

Buổi chiều, có thầy tranh thủ đi lên đỉnh đồi cách trường khoảng năm bảy phút đi xe máy để  bắt sóng điện thoại gọi về gia đình. Ở điểm trường chính này chỉ duy nhất nơi đó bắt được sóng điện thoại. Dù đã quen với hoàn cảnh công việc nhưng tôi vẫn hiểu nỗi nhớ gia đình, nhớ vợ, nhớ con, nhớ người yêu của các thầy khi cả tuần chỉ được sum họp có hai ngày cuối tuần.

Cuối giờ tập múa, tôi kiểm tra và « dọa » thầy nào chưa nhớ bài sẽ phải ở lại tập thêm. Nhìn các thầy giáo bỗng biến thành "học trò", cố gắng để nhớ và nỗ lực thực hiện đúng động tác thật đáng yêu. Phải khó lắm mới bắt gặp được thầy Hùng cười hết mình, thế mà hôm nay thầy đã cười rất vui vẻ. Bây giờ trước mắt tôi không còn là những thầy giáo nghiêm nghị khi lên lớp dạy nữa mà là những con người trẻ trung, thoải mái, và niềm vui thích khi được nhảy múa và cười đùa với nhau. Một hình ảnh đời thường, tự nhiên và rất đẹp.

Bây giờ trước mắt tôi không còn là những thầy giáo nghiêm nghị khi lên lớp dạy nữa mà là những con người trẻ trung, thoải mái, và niềm vui thích khi được nhảy múa và cười đùa với nhau

Thứ tư, 13/12/2017

Hôm nay tôi được đánh thức bởi những tiếng vỗ tay tiết tấu tập luyện ở ngoài sân của các thầy.

Buổi sáng khi các thầy đang lên lớp, thầy Vi Văn Dương hát một bài hát về quê hương Quế Phong: "

Mấy ngày này, chúng tôi nghe được rất nhiều tiếng chuông được gõ quanh làng, hỏi ra mới biết đó là phong tục của người dân ở đây, đó là lễ làm vía để xua đi ốm đau bệnh tật. Vừa tỏ ý thật tiếc khi không có cơ hội để đi xem thì thầy Rùa đã ngay lập tức diễn lại cảnh lên đồng cho chúng tôi coi, thầy Cử thì lôi trống ra gõ minh họa. Sự hài hước trong động tác của thầy khiến tất cả chúng tôi lại được một trận cười đau cả bụng.

Chúng tôi cứ thế chung sống, tập luyện và vui cười cùng nhau.  

47 thầy giáo tiểu học Tri Lễ: Lên vùng cao, ở với đồng bào và học múa dân vũ - Ảnh 6.

Thứ bảy 16/12/2017

10 ngày trên núi qua nhanh chóng. Rồi cũng đến lúc chúng tôi phải chia tay. Tôi và anh Tùng về lại Sài Gòn, còn các thầy chỉ được nghỉ hai ngày với gia đình rồi đầu tuần lại quay lên núi.  

Chủ nhật 17/12/2017

Sáng sớm thức dậy giữa sự ồn ào của Sài Gòn, tôi lại nhớ những buổi sáng yên bình ở trên núi. Tôi nhớ những đoạn đường đất đá gồ ghề, những lần đẩy xe vất vả cùng các thầy. Tôi nhớ tiếng trống trường mỗi sáng, tiếng đánh vần trong trẻo của các em học sinh. Tôi nhớ những lúc các thầy cười đùa với nhau, những lúc động viên chăm sóc nhau thật ân cần. Tôi nhớ những món ăn rất "Tri Lễ 4". Tôi nhớ những trận bóng chuyền mỗi chiều. Tôi nhớ những bữa tối ngồi bên bếp lửa tâm sự về cuộc sống. Tôi nhớ những nụ cười vô tư đầy lạc quan của các thầy và các em.

Một chuyến đi ngắn ngủi nhưng đọng lại rất nhiều cảm xúc. Tôi tự thấy mình thật may mắn khi được gặp và cùng chia sẻ đời sống với các thầy trong 10 ngày khó quên. Một hành trình không bao giờ dừng lại cùng tinh thần lạc quan trong cuộc sống, đó là nguồn cảm hứng lớn nhất các thầy truyền cho tôi và tôi hy vọng nó sẽ lan toả mãi.

Cảm ơn các thầy trò trường tiểu học Tri Lễ 4. Hẹn một ngày gặp lại để cùng nhau nhảy điệu múa "Tri Lễ 4".

47 thầy giáo tiểu học Tri Lễ: Lên vùng cao, ở với đồng bào và học múa dân vũ - Ảnh 7.
47 thầy giáo tiểu học Tri Lễ: Lên vùng cao, ở với đồng bào và học múa dân vũ - Ảnh 8.

Nguyễn Thành Chung, Sài Gòn

18/12/2017  


Nguyễn Thành Chung tốt nghiệp trường múa Việt Nam năm 2009. Năm 2013, anh tham gia cuộc thi múa hiện đại tại Hàn Quốc và nhận được giải thưởng đặc biệt từ Hội nghệ sĩ múa Hàn Quốc. Năm 2014, anh chuyển tới Singapore làm việc trong hai năm, sau đó đến Thuỵ Sĩ học tiếp về múa. Tháng 6/2017 vừa rồi, tiết mục múa “A trip of” của anh đã được chọn để biểu diễn trong chương trình Open Stage của M1 Contact Contemporary Dance Festival tại Singapore. Hiện tại anh đang hoạt động ở Việt Nam với tư cách nghệ sĩ tự do.

Là thương hiệu luôn nỗ lực đồng hành cùng điệu múa dân vũ cũng như các hoạt động cộng đồng, hơn ai hết, VinaPhone thấu hiểu nỗi vất vả và sự hi sinh cao đẹp của các thầy trong hành trình "cõng" chữ lên núi. Thông qua điệu múa dân vũ, VinaPhone và những nghệ sĩ trẻ muốn tri ân, tôn vinh một câu chuyện đẹp và biến dân vũ trở thành một hoạt động, nét văn hóa cho trẻ em và người lớn tại Tri Lễ, nơi mà điều kiện vật chất và giải trí còn quá thiếu thốn. Và sâu xa hơn nữa, VinaPhone hướng tới sự đồng cảm và cùng đồng hành với những người trẻ để lan tỏa những giá trị tinh thần, cảm hứng sống tốt đẹp đến cộng đồng, như sứ mệnh đã làm với rất nhiều cảm hứng khác.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày