Trong một thử nghiệm âm thầm kéo dài 2 tuần, Trung Quốc đã tạo cơ hội để hàng triệu người truy cập vào các trang web nước ngoài vốn bị cấm từ lâu tại quốc gia này như YouTube và Instagram.
Điều này dường như cho thấy chính phủ Trung Quốc đang tiến tới việc cho phép người dân có quyền truy cập nhiều hơn vào Internet toàn cầu nhưng đồng thời vẫn kiểm soát những ai đang xem gì trên mạng.
Ứng dụng trình duyệt Tuber do 360 Security Technology Inc, một đơn vị liên kết với chính phủ thành lập, đã âm thầm xuất hiện vào cuối tháng 9, cho phép người dùng lần đầu tiên truy cập vào một số trang web bị cấm như Google, Facebook… sau nhiều năm. Nhiều người dùng Trung Quốc bày tỏ sự vui mừng xen lẫn lạ lẫm khi được xem trực tiếp nội dung bị chặn từ trình duyệt di động mà không cần dùng VPN (mạng riêng ảo).
Tuber được vận hành trên các cửa hàng ứng dụng do Huawei và một số đơn vị khác điều hành. Ứng dụng đã được tải xuống 5 triệu lượt từ cửa hàng ứng dụng của Huawei kể từ khi ra mắt. Nhà phát triển ứng dụng này do ông trùm công nghệ Zhou Hongyi điều hành.
Tỷ phú công nghệ Zhou Hongyi
Có khả năng, Bắc Kinh đang muốn thử nghiệm nhiều cách để 904 triệu người dùng Internet của mình tiếp cận với các trang web bị cấm. Tuy đã bị gỡ xuống mà không có lời giải thích nào vào ngày 10/10 vừa qua nhưng Tuber cho thấy đây là thử nghiệm quan trọng của Bắc Kinh nhằm hướng tới quyền tự do Internet lớn hơn.
Các ứng dụng như Tuber cũng có điều kiện: Một môi trường được kiểm soát, trong đó hoạt động có thể được theo dõi và sàng lọc nội dung. Đồng thời, mọi người có thể trao đổi thông tin với nhau. Nó cũng giúp các tập đoàn trong nước truy cập dễ dàng hơn dữ liệu quan trọng từ nước ngoài.
Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã loại bỏ thành công hàng trăm VPN thường được sử dụng để vượt qua tường lửa. Việc tạo ra một cổng truy cập được nhà nước cho phép để dùng Internet nhiều khả năng sẽ làm giảm tính hữu dụng của các VPN bất hợp pháp.
Và điều đó có thể có tác động đối với Facebook, Microsoft, Apple hay Alphabet, những công ty chưa tiếp cận được với người dùng Trung Quốc do quy định hạn chế của nước này.
Hiện vẫn chưa rõ liệu có cơ quan chính phủ Trung Quốc nào ra lệnh gỡ Tuber hay không. Nhân viên quan hệ công chúng của 360 Security cũng từ chối bình luận về vấn đề này.
Theo Bloomberg, Tuber có vẻ như kiểm duyệt một số nội dung, bao gồm trên YouTube. Ứng dụng yêu cầu đăng ký số điện thoại di động để nhà phát triển có thể theo dõi hoạt động vì mọi số điện thoại sử dụng smartphone tại Trung Quốc đều được "nhận dạng". Cũng giống nhiều ứng dụng khác, Tuber yêu cầu quyền truy cập vào danh bạ của người dùng.
Yik Chan Chin, nhà nghiên cứu chính sách truyền thông tại một trường đại học ở Tô Châu, cho biết: "Trung Quốc phải thực sự thận trọng để cân bằng giữa việc mở cửa nhiều hơn và duy trì trật tự xã hội trong nước. Điều rất quan trọng là phải giải phóng luồng thông tin và để người Trung Quốc tương tác nhiều hơn cũng như hiểu hơn về thế giới bên ngoài. Thông tin về Tuber đã lan truyền rất nhanh và tạo ra nhiều sự phấn khích của người dân. Đây là minh chứng cho sự khát khao truy cập Internet toàn cầu tại Trung Quốc".