Ở trung tâm Doha, nước chủ nhà đã xây dựng fanzone, dựng lên các màn hình lớn để người hâm mộ khắp nơi có thể đổ về xem lễ khai mạc và trận mở màn World Cup. Nhưng có lẽ họ không thể ngờ rằng có hàng chục nghìn người đến đây, gây nên cảnh chen chúc và xô đẩy.
Cảnh sát chống bạo động đã được nước chủ nhà triển khai, nhưng họ vấp phải sức ép rất lớn từ những người không thể chen chân vào khu fanzone vì tới trễ. Ban đầu, những người này cầu xin cảnh sát để họ qua. Khi cầu xin không thành, họ bắt đầu dồn ép, xô đẩy hàng rào cảnh sát.
Bên trong fanzone, cảnh tượng chen lấn, chèn ép nhau cũng diễn ra khi nhiều nhóm người tìm cách vào xem ở khu vực có mái che, nơi gần màn hình cũng như chỗ mua bia. Cảnh sát chống bạo động đã phải dùng dùi cui để ngăn chặn các thành phần này. Chứng kiến những gì diễn ra, nhiều người đã liên tưởng đến thảm họa.
Hàng chục ngàn người đã xuất hiện tại fanzone
"Thật quá mạo hiểm. Mọi người có thể chết", Hatem al-Bairari, một công dân Iraq làm việc ở Dubai, cảnh báo. "Có những người đàn ông và phụ nữ lớn tuổi. Bạn không thể dồn ép một đám đông như thế này. May mắn là tôi cao nên tôi có thể thở được, nhưng tôi thấy một số đứa trẻ không thể thở được. Mọi người yêu cầu bế chúng lên.
Tôi nhìn thấy một số người đàn ông xô đẩy nhau và nhiều phụ nữ thì khóc. Gia đình tôi ở bên trong. Tôi lạc mất họ rồi, tôi không biết phải làm gì".
Luis Reyes, một du khách Mỹ, đã so sánh cảnh tượng này với thảm họa gây chấn động thế giới không lâu trước đó ở Hàn Quốc, khi đã có hơn 150 người thiệt mạng.
"Bạn không thể tiến lên hoặc lùi lại" anh giải thích. "Tôi nói với con: 'Mình ra ngoài đi, nguy hiểm lắm!'".
Không rõ liệu có bất kỳ chấn thương hoặc vụ bắt giữ nào hay không. Nhưng rõ ràng, đây là một lời cảnh báo cho khâu tổ chức của nước chủ nhà, rằng họ sẽ còn đối mặt với áp lực từ hàng triệu NHM đổ về quốc gia nhỏ bé của mình trong dịp World Cup. Chưa kể thời gian này, giải đua xe Công thức 1 cũng diễn ra, càng gia tăng số người xuất hiện ở Qatar trong cùng một thời điểm.