Thủ đoạn mới: Dàn cảnh đâm xe để cướp tài sản
Những ngày gần đây, trên trang facebook cá nhân của một số người liên tục xuất hiện thông tin cảnh báo về thủ đoạn cướp tài sản tinh vi trên các tuyến phố tại Hà Nội. Cụ thể, nhóm này có khoảng 2-3 người, 1 người trong số đó sẽ đâm ngã xe của đối tượng sau đó người còn lại tranh thủ lúc nạn nhân sơ hở để cướp toàn bộ tài sản rồi bỏ chạy.
Tài khoản H.T cho biết: "Mình vừa đi gần về đến nhà chỗ ngã 4 Thanh Nhàn - Kim Ngưu. Đang đỗ đèn đỏ loay hoay thì bị đâm xe ngã và bị cướp hết tài sản là 1 cái túi màu đen bên trong có tương đối nhiều tiền, điện thoại, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân và chứng minh thư, hộ chiếu là quan trọng nhất. Suốt từ trưa cứ bần thần cả người vừa đi vừa khóc sướt mướt không ngừng. Xác định là mất tiền mất điện thoại rồi".
Dòng chia sẻ của tài khoản H.T
Chia sẻ với chúng tôi, chị H.T cho biết hiện đã báo công an nhưng chị xác định toàn bộ giấy tờ đã mất và đang tìm cách làm lại: "Mình chưa có bất kì thông tin gì về tài sản đã mất, giờ chỉ có giấy xác nhận để đi làm lại giấy tờ thôi. Mình chỉ mong tìm lại được giấy tờ vì nó vô cùng quan trọng với công việc và cuộc sống hiện tại, không biết có ai đọc được hoặc biết trả lại cho mình thì tốt quá".
Chị X.K cũng là nạn nhân của vụ cướp tương tự, cho biết: "Khoảng 21h ngày 22/11, đang đi đường với đứa bạn thân, dừng ở ngã tư đèn đỏ Đại Cồ Việt - Phố Huế thì có một ông đi xe Nouvo vàng đen khoảng 35-40 tuổi đâm vào đuôi xe, 2 đứa quay lại xem, không thấy gì đi tiếp, nào ngờ đến Nguyễn Du thì chả thấy cái túi treo ở xe đâu".
Dòng chia sẻ của một nạn nhân khác về vụ việc tương tự
Trao đổi với chúng tôi, chị X.K cho biết, ngày 22/11, khi chị đang đi trên đường thì xảy ra vụ việc. Chị cũng cho biết chị nghi ngờ đây là thủ đoạn dàn cảnh của một nhóm khoảng 2-3 người: "Một ông đâm khoảng 2 lần vào đuôi xe của mình, trong khi mình quay ra thì đã có một người khác lấy mất chiếc túi rồi.
Hiện mình đã báo công an nhưng vẫn chưa có kết quả gì cả. Lúc phát hiện điện thoại bị mất, mình có định vị và thấy nó ở khu vực đường Nguyễn Thái Học. Tuy nhiên, đến khoảng vài giờ đồng hồ sau, đối tượng đã tắt điện thoại của mình và theo định vị thì đang ở khu vực Nhân Chính. Hiện mình đang làm một số thủ tục để làm lại giấy tờ đã mất".
Không chỉ 1, 2 người mà có khá nhiều người cho biết mình là nạn nhân của thủ đoạn tinh vi này. Tuy nhiên, các nạn nhân đều khẳng định một phần nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do sự sơ suất trong quá trình đi đường. Đa số đều chỉ treo chiếc túi ở trên xe trong khi bên trong có nhiều tài sản quan trọng.
Một nạn nhân khác chia sẻ lại sự việc tương tự.
Đối tượng lợi dụng sơ hở của nạn nhân để ra tay
Liên quan đến những thông tin đăng tải trên mạng, ngày 25/11, trao đổi với chúng tôi, thượng tá Nguyễn Thành Tín, Phó trưởng công an quận Hai Bà Trưng cho biết, công an quận Hai Bà Trưng và các phường có bị hại trình báo về việc bị trộm cắp tài sản trên đường sau va chạm giao thông.
Hiện công an sẽ cho kiểm tra thông tin, mời bị hại lên trụ sở để xem có đúng hay không để còn phòng ngừa đấu tranh với loại tội phạm này.
Theo thượng tá Tín, loại tội phạm giả vờ va chạm với người tham gia giao thông rồi chờ cơ hội bị hại không để ý để trộm cắp tài sản trên địa bàn quận Hai Bà Trưng thi thoảng xảy ra. Tuy nhiên, không riêng gì trên địa bàn quận Hai Bà Trưng mà nhóm tội phạm này còn gây án ở một số quận huyện trên địa bàn thành phố.
Đơn trình báo của một nạn nhân trong vụ việc. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hiện công an quận có kế hoạch đấu tranh với loại tội phạm này từ lâu nay, có một số nhóm hoạt động xung quanh Hà Nội. Công an quận Hai Bà Trưng phối hợp với Đội 8, Phòng cảnh sát hình sự (PC45, Công an TP Hà Nội). Khi có thông tin, Đội 8 sẽ nắm được vì nhóm này hoạt động không chỉ riêng quận Hai Bà Trưng mà còn thông sang cả Hoàn Kiếm, Đống Đa...
"Đội 8, Phòng CSHS sẽ tập hợp tài liệu của các quận huyện để đấu tranh. Phía công an quận cũng luôn tích cực đấu tranh với những loại tội phạm này. Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng thi thoảng xảy ra một vụ. Nhóm người này sẽ đi theo một ai đó có thể trộm cắp tài sản được. Có thể sẽ theo từ quận này sang quận khác và chờ cơ hội người nào đó sơ hở, không để ý thì chúng dùng thủ đoạn trên chứ không phải chúng nó gây ra ngay", thượng tá Tín cho hay.
Theo Phó trưởng Công an quận Hai Bà Trưng, các đơn vị khi có sự việc xảy ra báo cáo về, sau khi hỏi bị hại thì nhận dạng đặc điểm của các đối tượng, từ đó các trinh sát phải ra ngoài đường để lùng tìm xác định các đối tượng để bám theo khi các đối tượng này gây án, các trinh sát mới bắt được.
"Nói chung xác định mất nhiều công sức để phá được những vụ như thế này. Tại vì nếu không bắt được quả tang thì chúng sẽ chối ngay. Năm ngoái công an quận Hai Bà Trưng cũng đã bắt được 1 nhóm người trộm cắp theo hình thức này", thượng tá Tín nói thêm.