Ngày 12/11, trao đổi với Tiền Phong, bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, vào ngày thứ Hai tới (14/11), UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ họp với Sở Y tế và Bệnh viện Bà Rịa để tìm hướng giải quyết việc máy lọc máu nhân tạo tại khoa Lọc máu, Bệnh viện Bà Rịa bị hư hỏng hàng loạt.
Để phục vụ bệnh nhân, khoa phải lọc máu cho người bệnh từ 3 ca/ngày tăng lên 5 ca/ngày khiến khoa Lọc máu, Bệnh viện Bà Rịa rơi vào tình trạng quá tải, gặp nhiều khó khăn trong hoạt động khám, chữa bệnh. Hiện tại, khoa Lọc máu đang quản lý và sử dụng 55 máy lọc máu nhân tạo để lọc máu thường kỳ cho hơn 280 bệnh nhân.
Các máy lọc máu nhân tạo tại khoa Lọc máu, Bệnh viện Bà Rịa bị hư hỏng hàng loạt, được để dồn về một khu vực
Sau nhiều lần rải rác các máy bị hư hỏng, phải sửa chữa, thay thế nhưng đến nay đã có gần một nửa máy bị hư hỏng đồng loạt, không còn hoạt động được khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn trong việc lọc máu cho người bệnh.
Trước đây y, bác sỹ cũng như người bệnh kết thúc ca lọc máu trong ngày vào lúc 21 giờ thì nay phải đến 3 giờ ngày hôm sau mới hoàn thành công việc. Nhiều người phải ngủ ngay tại hành lang bệnh viện sau khi kết thúc lọc máu ca 4 và ca 5 vì đêm khuya.
Tuy nhiên, việc tăng lọc máu lên 5 ca/ngày sẽ dẫn đến nguy cơ các máy còn lại hoạt động quá tải, có thể xảy các hư hỏng sớm hơn và nguy cơ thiếu máy lọc máu tại khoa sẽ trở nên nghiêm trọng.
Các y, bác sỹ khoa Lọc máu, Bệnh viện Bà Rịa mong muốn được trang bị máy mới hoặc sửa chữa máy lọc máu trong thời gian sớm nhất để đơn vị không bị quá tải và người bệnh đỡ vất vả.
Anh L. (quê ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là bệnh nhân lâu năm của Bệnh viện Bà Rịa. Từ nhà lên bệnh viện hơn 40 cây số, trong khi đó nhà lại neo người. Do đó, khi máy lọc máu nhân tạo trong khoa bị hư hỏng hàng loạt, anh phải chuyển lên ca 5 lọc máu vào cuối ngày hôm trước và kết thúc vào lúc 3 giờ sáng hôm sau. Khi kết thúc ca chạy thận, anh không thể về nhà được và phải ngủ lại tại hành lang bệnh viện chờ trời sáng. Anh L. mong muốn các máy lọc máu sớm được sửa chữa để người bệnh đỡ vất vả, khổ cực, không phải trắng đêm tại bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, trước mắt đã chỉ đạo khoa Lọc máu bố trí nhân sự để triển khai lọc máu ngày 5 ca để phục vụ người bệnh. Khoa Lọc máu sẽ đánh giá lại tình trạng bệnh nhân, bệnh nhân nào có khả năng giảm số lần lọc máu thì sẽ giảm số lần lọc máu. Đồng thời thông báo đến các bệnh nhân về tình hình hoạt động hiện tại. Tăng cường tư vấn bệnh nhân kiểm soát nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt để hạn chế tối đa tình trạng quá tải dịch cơ thể, tăng kali máu.
Tuy nhiên, bác sỹ Nguyễn Văn Thanh cũng nói rằng, việc tăng số ca chạy trong ngày cũng sẽ có nguy cơ dẫn đến việc các máy hoạt động quá tải, do đó các hư hỏng có thể xảy ra sớm hơn và nguy cơ tình hình thiếu máy lọc máu sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
“Do đặc thù các máy lọc máu này có sử dụng hóa chất ăn mòn, sử dụng hệ thống bơm để lưu dẫn máu trong hệ thống dây lọc máu và các thành phần hao mòn khác nên qua một thời gian dài sử dụng, nhiều thành phần linh kiện đã hư hỏng. Bệnh viện đã tích cực bảo trì, sửa chữa để đảm bảo hoạt động lọc máu trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, nhiều hư hỏng không thể sửa chữa được, do khó khăn về tài chính nên bệnh viện chưa thể bố trí kinh phí để sửa chữa, thay thế linh kiện toàn diện cho các máy này”, bác sĩ Thanh nói.
Bệnh nhân đang lọc máu nhân tạo tại khoa Lọc máu, Bệnh viện Bà Rịa
Do khó khăn về việc bố trí kinh phí cho sửa chữa thiết bị y tế, Bệnh viện Bà Rịa đã có tờ trình, xin chủ trương bố trí vốn trong ngân sách năm 2023 cho việc sửa chữa lớn trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ người bệnh tại Bệnh viện Bà Rịa. Trong đó, phần kinh phí đề nghị cấp cho sửa chữa các máy lọc máu là 2,4 tỷ đồng.
Ngành y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thiếu hơn 700 nhân sự
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến nay, ngành còn thiếu 711 nhân sự, trong khi đó, năm 2021-2022 số nhân sự của ngành nghỉ việc cũng khá nhiều.
Cụ thể, tổng nhân sự toàn ngành Y tế tỉnh được giao cho 18 đơn vị ngân sách và 4 đơn vị tự chủ là 4.802 người. Trong khi đó, tổng số nhân sự toàn ngành Y tế hiện có là 4.091 người. Như vậy, toàn ngành còn thiếu 711 người. Trong đó, đơn vị ngân sách thiếu 338 người, đơn vị tự chủ thiếu 373 người.
Từ năm 2021 đến đầu tháng 11/2022, trên địa bàn tỉnh có 233 nhân viên y tế nghỉ việc (gồm 45 bác sĩ, 71 điều dưỡng, 16 kỹ thuật y và 101 nhân viên khác). Theo Sở Y tế, nguyên nhân nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt là do các cơ sở y tế tư nhân có chính sách về tiền lương, chế độ đãi ngộ luôn cao hơn đơn vị y tế công lập.
Trong khi đó, thu nhập từ nguồn lương của nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của công chức, viên chức. Ngoài ra, do áp lực của nhân viên y tế quá lớn, nhất là trong thời gian dịch bệnh xảy ra.
Do đó, Sở Y tế đưa ra giải pháp là tiếp tục tuyển dụng bổ sung nhân sự còn thiếu đáp ứng nhu cầu hoạt động của các đơn vị. Sở tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành các chính sách đãi ngộ để giữ chân, thu hút nhân lực ngành Y tế.
Ngành Y tế đang tham mưu xây dựng các chính sách, gồm chính sách hỗ trợ đào tạo và thu hút bác sĩ để phát triển nguồn nhân lực chuyên môn cho ngành Y tế tỉnh giai đoạn 2022-2026; quy định mức hỗ trợ, động viên đối với đội ngũ công chức, viên chức và người lao động lĩnh vực y tế đang công tác tại các cơ quan, đơn vị công lập trên địa bàn tỉnh...