Hai màn trình diễn cực viral tại Lễ hội Sông nước 2024: Từ kịch tính đến câu chuyện “nói hộ tiếng lòng” khiến giới trẻ vỗ tay rần rần

H. Trang, Theo Đời sống pháp luật 16:30 03/06/2024
Chia sẻ

Ngoài hoạt cảnh Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước thì đây có lẽ là 2 phân đoạn xúc động và sâu lắng nhất trong show diễn "Chuyến tàu huyền thoại" được các bạn trẻ chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội.

Có thể nói, chưa bao giờ khán giả xúc động nhiều đến thế cho đến khi chiêm ngưỡng show diễn “Chuyến tàu huyền thoại” - chương trình mở màn của Lễ hội Sông nước TPHCM diễn ra vào tối 31/5 tại Bến Nhà Rồng Khánh Hội - Cảng Sài Gòn. Dù đêm khai mạc đã qua được vài ngày, nhưng chương trình vẫn khiến khán giả phải nhắc đi nhắc lại những dấu mốc quan trọng cùng những giai thoại lịch sử hào hùng của TP.HCM với tất cả niềm tự hào, hãnh diện.

Ngoài những phân đoạn đáng nhớ như màn tái hiện Hồ Chủ tịch ra đi tìm đường cứu nước từ  Nhà Rồng khiến ai nấy cũng rưng rưng, thì còn có 2 phân đoạn cũng gây ấn tượng không kém, thậm chí như “chạm” vào trái tim của thế hệ trẻ đó chính là Cuộc bãi công của thợ máy Bason ở cảng Sài Gòn năm 1925 và huyền thoại đoàn đặc công chiến đấu với thủy quái trong Rừng Sác.

Ảnh: Phạm Thế Hiển, Ở Đâu Cũng Chụp

Không kìm được nước mắt với trận đánh vang dội trên sông của chiến sĩ đặc công Rừng Sác

Nhắc đến những sự kiện, dấu mốc lịch sử gắn liền diễn ra trên sông Sài Gòn thì không thể không nhắc đến trận đánh vang dội trên sông của chiến sĩ đặc công Rừng Sác. Những câu chuyện huyền thoại về Đặc công rừng Sác luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo người nghe, bởi ở đó không chỉ là lòng dũng cảm, tinh thần bất khuất trong chiến đấu mà còn là sự sáng tạo, mưu trí trong cuộc sống và chiến đấu để làm nên chiến thắng của bộ đội đặc công. Và trong show diễn “Chuyến tàu huyền thoại” tại Lễ hội Sông Nước TPHCM 2024, phân đoạn chiến sĩ đặc công nước chiến đấu với cá sấu và bị cá sấu ngoạm vào thân trong khu Rừng Sác được đánh giá là một trong khoảnh khắc anh hùng và cảm động nhất của đại nhạc kịch.

Ảnh: @Ở Đâu Cũng Chụp

Phân cảnh này tái hiện lại những trang hồi ký của phóng viên, nhiếp ảnh gia chiến trường Đỗ Trọng Hội. Khi ông kể lại rằng trong lúc tác nghiệp ở Rừng Sác, ông đã chứng kiến cảnh những chiến sĩ đặc công Rừng Sác bị cá sấu cắn đứt đôi người, trong giờ phút cuối cùng, chiến sĩ ấy vẫn kịp dùng dao đâm vào đỉnh đầu cá sấu, để con cá sấu này không thể hại được thêm một đồng đội nào nữa…

Ảnh: @Ở Đâu Cũng Chụp

Diễn viên vào vai các chiến sĩ đã thể hiện một cách chân thực và sống động những cuộc vật lộn sinh tử với những con cá sấu hung dữ. Nó là một loài vật mà các đặc công Rừng Sác gọi là "giặc không tên", thậm chí với các đặc công thì việc đói khát, bom đạn cày xéo, chất độc hủy diệt không đáng sợ bằng sự rình rập của lũ "thủy quái" ấy.

Sự ác liệt của cuộc chiến sinh tồn được khắc họa rõ nét qua những pha hành động gay cấn, dồn dập. Cùng với đó là sự kết hợp của âm thanh hỗn loạn, tiếng gầm rú của cá sấu và tiếng hò hét của các chiến sĩ tạo nên một không gian kịch tính, nghẹt thở.Khán giả dù được trực tiếp hay gián tiếp theo dõi màn biểu diễn đều có cảm xúc chung đi từ bàng hoàng, cảm động và có cả những giọt nước mắt rơi và lòng thán phục sự kiên cường và dũng cảm của các chiến sĩ, những người đã hy sinh bản thân vì độc lập, tự do của đất nước.

Cuộc bãi công Ba Son bất ngờ lọt "top trending" vì như nói hộ tiếng lòng của thế hệ trẻ

Nếu thường xuyên theo dõi mạng xã hội những ngày quay, chắc hẳn bạn sẽ thấy rất nhiều đoạn clip với hình ảnh người công nhân đang cầm tấm bảng với khẩu hiệu "Tăng lương" rất quyết liệt. Đó chính là phân đoạn mô tả đại cảnh Cuộc bãi công của thợ máy xưởng Ba Son tại cảng Sài Gòn (tháng 8/1925), gắn liền với sự tổ chức và lãnh đạo của Công hội do đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập.

Thông qua màn biểu diễn đầy cảm xúc và chân thật của dàn diễn viên, những khẩu hiệu đòi tăng lương, những cuộc đối thoại căng thẳng với ban quản lý và cả những giọt mồ hôi, nước mắt của công nhân đã được đưa lên sân khấu một cách sinh động. Khán giả như được sống lại những giây phút căng thẳng và quyết liệt của một cuộc đấu tranh vì quyền lợi chính đáng.

Vốn là một sự kiện lớn trong phong trào công nhân Việt Nam, chắc hẳn nhiều bạn trẻ chẳng còn lạ lẫm gì với cuộc bãi công đòi quyền lợi này qua những giờ học Lịch sử. Thế nhưng khi được chứng kiến hoạt cảnh vô cùng chân thực ấy, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ sự đồng cảm và cho rằng phân cảnh này đã nói hộ tiếng lòng của họ trong cuộc sống hiện đại.

Ảnh: @kieuhang_leeki.model

Hai màn trình diễn cực viral tại Lễ hội Sông nước 2024: Từ kịch tính đến câu chuyện “nói hộ tiếng lòng” khiến giới trẻ vỗ tay rần rần - Ảnh 7.

Tuy nhiên đây chỉ là một khoảnh khắc đùa vui của lớp trẻ nhưng ý nghĩa đằng sau những hình ảnh đó lại rất sâu sắc. Những phân cảnh đã trở thành một biểu tượng cho sự đấu tranh công bằng và quyền lợi lao động, nhận được sự yêu thích và ủng hộ rộng rãi từ công chúng và nếu có thể tìm hiểu thêm về sự kiện này sẽ thấy xúc động, tự hào.

Quá nhiều điều bất ngờ và ấn tượng đến không thể nói thành lời là những cảm nhận mà khán giả dành cho show diễn “Chuyến tàu huyền thoại” tại Lễ hội Sông nước TPHCM 2024. Những câu chuyện lịch sử, những khoảnh khắc vào sinh ra tử của những người anh hùng chiến sĩ, những bi thương mà thế hệ sau chẳng thể tượng tượng ra được càng khiến giới trẻ ngày nay thêm biết ơn, thêm yêu cội nguồn, truyền thống và khơi gợi nên tâm hồn son sắt với nước non.

https://kenh14.vn/hai-man-trinh-dien-cuc-viral-tai-le-hoi-song-nuoc-2024-tu-kich-tinh-nghet-tho-den-cau-chuyen-noi-ho-tieng-long-khien-gioi-tre-vo-tay-ran-tan-20240603160351353.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày