Trong lịch sử điện ảnh và võ thuật Hồng Kông, câu nói “Quyền có Trần Huệ Mẫn, cước có Lý Tiểu Long” đã trở thành biểu tượng, phản ánh tài năng vượt trội và sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai nhân vật này. Trần Huệ Mẫn với nắm đấm thép từ đường phố và Lý Tiểu Long với cước pháp thần tốc, đã cùng nhau tạo nên một chương huy hoàng cho võ thuật Hong Kong (Trung Quốc).
Trần Huệ Mẫn, sinh năm 1944 tại Tân Giới, Hong Kong (Trung Quốc) rèn giũa bản thân qua những trận chiến đường phố và đam mê quyền Anh. Năm 1972, ông giành chức vô địch giải quyền Anh Đông Nam Á, một chiến thắng đưa ông đến với ánh hào quang và sự chú ý của Lý Tiểu Long – huyền thoại võ thuật đang ở đỉnh cao. Theo báo chí Trung Quốc, Lý Tiểu Long đặc biệt ấn tượng với khả năng thực chiến của Trần Huệ Mẫn, đánh giá cao lối đánh mạnh mẽ và thực dụng của ông.
Mối quan hệ giữa hai người bắt đầu từ đây, không chỉ là sự gặp gỡ giữa hai võ sĩ mà còn là sự kết nối qua niềm đam mê võ thuật. Nhờ sự ủng hộ của Lý Tiểu Long, Trần Huệ Mẫn bước vào điện ảnh, mang tinh thần thực chiến từ giang hồ lên màn ảnh, bổ sung cho phong cách biểu diễn của Lý Tiểu Long.
Nhiều năm sau đó, khi được hỏi về các ngôi sao võ thuật Hong Kong, Trần Huệ Mẫn từng thẳng thắn nhận xét: Thành Long: Chỉ biết nhào lộn làm xiếc; Chân Tử Đan: Thể hình nhỏ con, sức không mạnh, chỉ hợp đóng phim. Và ông nói rằng: “Trong thực chiến, người duy nhất khiến tôi e ngại là Lý Tiểu Long".
Câu nói “Quyền có Trần Huệ Mẫn, cước có Lý Tiểu Long” không chỉ là lời ca tụng, mà còn thể hiện sự khác biệt giữa hai phong cách: Lý Tiểu Long với cước pháp nhanh nhẹn và nghệ thuật; Trần Huệ Mẫn với những cú đấm thực chiến đầy uy lực. Báo chí Trung Quốc kể rằng Lý Tiểu Long từng khuyến khích Trần Huệ Mẫn giữ nguyên phong cách của mình khi đóng phim, bởi đó là điều làm ông nổi bật.
Trong các bộ phim, nếu Lý Tiểu Long mang đến những pha hành động đẹp mắt, thì Trần Huệ Mẫn lại trung thành với lối đánh thực dụng, đậm chất giang hồ. Sự khác biệt này không tạo ra cạnh tranh, mà là sự bổ sung hoàn hảo, khiến cả hai được khán giả yêu mến.
Cả hai chưa từng chính thức tỉ thí, nhưng danh tiếng và uy tín của Trần Huệ Mẫn luôn song hành với cái tên Lý Tiểu Long trong những cuộc trò chuyện của giới võ thuật – như một cách đặt họ ngang hàng, một sự song hành mang tính lịch sử.
Hào quang võ đạo ấy cũng từng khiến không ít đồng nghiệp trong nghề cảm thấy khó chịu. Hồng Kim Bảo, khi còn trẻ, từng không phục Trần Huệ Mẫn, thậm chí công khai thách đấu. Kết quả, chỉ sau ba chiêu, Hồng Kim Bảo bị quật ngã, để lại một vết sẹo nơi khóe miệng như minh chứng im lặng cho thất bại hôm nào.
Mối quan hệ giữa hai người bị cắt đứt bởi cái chết của Lý Tiểu Long năm 1973. Dù ngắn ngủi, ảnh hưởng của Lý Tiểu Long vẫn in đậm trong sự nghiệp của Trần Huệ Mẫn. Ông tiếp tục đóng phim với phong cách thực chiến, kế thừa một phần tinh thần mà Lý Tiểu Long để lại. Trong các phỏng vấn, Trần Huệ Mẫn thường bày tỏ sự kính trọng, xem Lý Tiểu Long như nguồn cảm hứng lớn cho cả võ thuật và cuộc sống.
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của Lý Tiểu Long và Trần Huệ Mẫn
Trần Huệ Mẫn và Lý Tiểu Long – hai huyền thoại, một thời đại – đã cùng nhau để lại dấu ấn không phai trong lịch sử võ thuật Hong Kong, nơi nắm đấm và cước pháp hòa quyện thành một câu chuyện của 1 thời đại
(Còn tiếp)
Phần 4: Trần Huệ Mẫn: Dùng 3 tiếng đồng hồ giải cứu Lưu Gia Linh khỏi "vụ bắt cóc chấn động showbiz", tự tay đòi lại ảnh nóng
(Nguồn: Sohu, 163)