Tại Trung Quốc, sưu tầm cổ vật là một thú chơi phổ biến, được đông đảo người dân quan tâm. Để thu thập cũng như bảo tồn những cổ vật lưu lạc trong dân gian, các đài truyền hình Trung Quốc đã sản xuất nhiều chương trình định giá đồ cổ cho nhân dân khắp mọi miền đất nước được tới tham gia thẩm định miễn phí.
Thế nhưng ít ai ngờ rằng bên trong những chương trình kiểm định bảo vật uy tín này cũng có thể phát sinh nhiều thủ đoạn mờ ám.
Năm 2009, hai anh em nhà họ Chu mang một bức tranh gia truyền tới đăng ký kiểm định tại chương trình "Hoa Dự Chi Môn" - show kiểm định bảo vật uy tín của Đài truyền hình tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).
Khi đứng xếp hàng tại địa điểm đăng ký, hai anh em tình cờ được nói chuyện cùng chuyên gia Lưu Nham. Lưu Nham là một chuyên gia hội họa, thư pháp và gốm sứ có tiếng, ông cũng đồng thời là chuyên gia kiểm định trong chính chương trình "Hoa Dự Chi Môn".
Vị chuyên gia nhìn quá bức tranh của hai anh em rồi hỏi xuất xứ bảo vật. Anh em họ Chu cho biết đây là bức tranh thư pháp "Tung dương hán bách đồ" (cây bách dưới ánh nắng Tung Sơn), do chính tay vua Càn Long họa nên.
Bức tranh "Tung dương hán bách đồ" được Hoàng đế Càn Long vẽ khi ông 40 tuổi, trong một lần đến thăm dãy núi Tung Sơn và cảm động trước cảnh đẹp nơi đây (Ảnh: Sohu)
Lưu Nham nhìn bức tranh này rồi chau mày: "Tranh này thì đúng là tranh cổ, nhưng không phải do Càn Long vẽ mà có lẽ của tác giả khác. Bây giờ người xếp hàng vẫn còn đông người tôi không nói kỹ được, nếu hai anh em muốn có thể đến chỗ tôi tôi sẽ thẩm định thêm cho".
Buổi tối hôm ấy, hai anh em đã mang bức tranh thư pháp tới cho chuyên gia Lưu Nham. Lưu Nham vui vẻ tiếp nhận rồi giải thích: "Tác phẩm này thực chất là đồ giả, không phải tranh Càn Long vẽ. Tuy nhiên niên đại của nó cũng được khoảng 200 năm. Nếu đem bán được cao nhất là 30.000 NDT".
Lưu Nham là chuyên gia thẩm định của chương trình "Hoa Dự Chi Môn" nên chủ nhân bảo vật đặt hoàn toàn niềm tin vào ông (Ảnh: Haokan)
Vị chuyên gia còn lấy ra một xấp hồ sơ đấu giá, chỉ ra các tác phẩm của Càn Long để làm bằng chứng: "Các bạn thấy đấy, bức này là tranh thật của Càn Long mà giá bán cũng chỉ hơn 80.000 NDT, tranh giả được giá như vậy là rất tốt rồi".
Hai anh em họ Chu nghe tới đây thì thất vọng vô cùng, món bảo vật gia truyền nhà họ chỉ có giá 30.000 NDT, quả thực không phải con số lớn. Nhìn rõ thái độ thất vọng của họ, chuyên gia Lưu Nham lập tức động viên.
Ông nói mình có quen nhiều người sưu tầm thư pháp và tranh cổ, ông có thể giới thiệu, trao đổi cho nhau để đạt mức giá tốt hơn. Hai anh em mừng "như bắt được vàng", họ nghe theo lời chuyên gia và bán lại bức "tranh giả" cho ông với giá 170.000 NDT, cao hơn rất nhiều so với mức định giá ban đầu.
Chân tướng sự việc hé mở
Tròn một năm sau khi bán tranh, anh em họ Châu nhận được thông tin bức tranh "Tung dương hán bách đồ" của họ đang được đấu giá tại Bắc Kinh.
Tác phẩm có giá khởi điểm là 78 triệu NDT và đã được bán với giá 87 triệu NDT, phá vỡ mọi kỷ lục đấu giá các tác phẩm cá nhân của Càn Long. Chủ nhân cũ của bảo vật chỉ biết ngỡ ngàng: Năm ngoái chuyên gia còn nói là hàng giả, mua lại giá 170.000 NDT mà giờ đã đạt 87 triệu NDT.
Nguyên mẫu ba cây bách chụm lại ở núi Tung Sơn trong bức tranh "Tung dương hán bách đồ" (Ảnh: Sohu)
Lúc này họ mới bàng hoàng nhận ra mình đã bị lừa một vố đau điếng. Anh em nhà họ Chu báo cáo vụ việc này với phía cảnh sát và mong được đền bù số tiền thỏa đáng.
Vụ kiện tụng kéo dài suốt nhiều năm mà vẫn không có kết quả gì vì hai anh em đã tự nguyện ký vào thỏa thuận mua bán bức tranh. Hơn nữa, Lưu Nham thẩm định cho hai anh em dưới vai trò chuyên gia cá nhân nên họ không thể khởi kiện chương trình "Hoa Dự Chi Môn".
Song vụ việc rùm beng này đã làm chấn động giới nghiên cứu cổ vật, khiến danh tiếng của chuyên gia Lưu Nham sau đó bị hủy hoại nghiêm trọng.