Hà Nội xây dựng 4 kịch bản cung ứng hàng hóa, siêu thị tăng dự trữ lên gấp 300 - 500%

Minh Nhân, Theo Nhịp Sống Việt 11:36 22/03/2020

Sở Công thương Hà Nội xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố, đảm bảo sẵn hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly.

Chiều 21/3, đoàn công tác của Bộ Công thương đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về công tác chuẩn bị hàng hóa và phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh Covid-19 .

Sở Công thương Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố, trong đó tập trung vào cấp độ 3-4, đảm bảo sẵn hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly.

Hiện, Hà Nội đang ở kịch bản số 2, giả định có 5 khu vực cách ly với số người trong khu vực cách ly 1.000 người và 12.750 người cách ly tại nhà trong thời gian 14 ngày. Hoạt động mua sắm hàng hóa vẫn diễn ra bình thường và nhu cầu tăng cao hơn.

Đến nay, các doanh nghiệp lớn, hệ thống siêu thị đã tăng lượng hàng hóa dự trữ lên gấp từ 300 – 500% so với bình thường, đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Các mặt hàng có nhu cầu cao như khẩu trang và nước rửa tay cũng được các doanh nghiệp dự trữ với lượng lớn đảm bảo đủ cung cấp cho người dân.

Hà Nội xây dựng 4 kịch bản cung ứng hàng hóa, siêu thị tăng dự trữ lên gấp 300 – 500% - Ảnh 1.

Người dân trong phố Trúc Bạch nhận nhu yếu phẩm trong suốt 14 ngày cách ly. Ảnh: Phương Thảo.

Các doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa bán hàng muộn, tăng cường nhân viên giao hàng để đẩy mạnh các hình thức bán hàng online, từ đó lượng bán hàng online của các doanh nghiệp đã tăng gấp 3-4 lần so với trước đó.

Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày, hiện lên đến 174 nghìn tỷ đồng và đang tiếp tục gia tăng, đại diện Sở Công Thương thành phố cho biết.

Căn cứ nhu cầu tiêu dùng của người dân và các cấp độ ảnh hưởng của dịch bệnh, Hà Nội đang chuẩn bị 129.544 tỷ đồng hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân trong 3 tháng của quý II/2020 với nhu cầu sử dụng tăng gấp đôi tháng bình thường.

Đồng thời, theo kiến nghị của doanh nghiệp, TP Hà Nội mới đây cũng đã cấp phép cho 21 phương tiện vận tải hoạt động 24/7 để tăng cường vận chuyển hàng hóa trong nội thành và từ các tỉnh về thẳng kho hàng của đơn vị phân phối nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân toàn thành phố.

Tuy nhiên, UBND TP.Hà Nội cũng nhận định, tình hình cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô hiện đáp ứng đầy đủ, song nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và lan rộng hơn, vẫn có thể xảy ra thiếu hàng cục bộ tại một thời gian ngắn nhất định do một số nguồn tin không chính thống ảnh hưởng đến tâm lý đám đông, số lượng người dân đi mua hàng tăng cao vào một thời điểm.

Hà Nội xây dựng 4 kịch bản cung ứng hàng hóa, siêu thị tăng dự trữ lên gấp 300 – 500% - Ảnh 2.

Hà Nội đảm bảo cung ứng đủ nhu yếu phẩm cho người dân nếu bùng phát dịch bệnh. Ảnh: Phương Thảo.

"Nếu tình hình dịch diễn ra trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thì việc cung ứng nguồn hàng cũng sẽ gặp khó khăn trong việc sản xuất, cung cấp cho nhà phân phối do thiếu hụt lao động trong sản xuất, lao động trong lĩnh vực logistics, thiếu các phương tiện vận chuyển,…", đại diện Sở Công Thương TP. Hà Nội cho biết.

Mặt khác, khi đó hoạt động sản xuất kinh doanh của các chuỗi phân phối như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chuỗi, chợ… có thể phải tạm ngừng hoạt động do nằm trong vùng cách ly.

Với trên 860 điểm bán khẩu trang và 28 đơn vị sản xuất mặt hàng này, Bộ Công Thương cho rằng Hà Nội hoàn toàn có đủ năng lực sản xuất và phân phối đáp ứng nhu cầu của người dân về khẩu trang nói riêng cũng như các mặt hàng thiết yếu nói chung.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị dù trong bối cảnh dịch bệnh vẫn cần đảm bảo bình ổn giá, duy trì chất lượng sản phẩm đi cùng với số lượng, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để sản xuất hàng giả, kém chất lượng, nâng giá vật tư y tế; chống đầu cơ tích trữ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đề xuất với Chỉnh phủ các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, phân phối trên cả nước nói chung và trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lúc dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm Hà Nội đang chỉ đạo đó là xây dựng kịch bản đảm bảo các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, tránh tình trạng thiếu hàng hóa và hàng hóa kém chất lượng.

"Việc xây dựng kịch bản nguồn cung hàng hóa không phải là việc đầu tiên Thành phố triển khai nhiệm vụ này. Đây là việc làm thường xuyên của Thành phố đặc biệt là vào các dịp Tết, vào mùa mưa bão để đáp ứng nhu cầu tăng trong các dịp này" - Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định.

Với tình hình diễn biến của dịch bệnh, Hà Nội cũng tính đến các tình huống xấu của dịch bệnh để chủ động chuẩn bị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh, "Hà Nội rất chủ động để đưa ra các tình huống trong thực tiễn, cân đối nguồn ngân sách, bảo đảm hậu cần, cung ứng hàng hóa, xây dựng công tác kiểm soát, phương tiện cung ứng để hàng hóa đến nhanh nhất, không bị xáo trộn với người dân".

Hà Nội xây dựng 4 kịch bản cung ứng hàng hóa, siêu thị tăng dự trữ lên gấp 300 – 500% - Ảnh 4.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày