Thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch trồng mới 500 nghìn cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021 - 2025.
Theo UBND thành phố, năm 2021, thành phố đã trồng hơn 52 nghìn cây xanh, năm 2022 đã trồng hơn 49 nghìn cây xanh. Trong năm 2023, thành phố sẽ trồng hơn 133 nghìn cây xanh, năm 2024 là hơn 145 nghìn cây xanh và năm 2025 trồng mới khoảng 118 nghìn cây xanh.
Thời điểm cuối năm 2022, Hà Nội dự định
Cụ thể, Hà Nội sẽ trồng bổ sung, thay thế cây bóng mát vào những vị trí cây chết, hố trống, cây cong, xấu, nguy hiểm, già cỗi, kém phát triển, cây không thuộc danh mục cây đô thị trên một số tuyến phố và trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện; đầu tư cải tạo, xây dựng các vườn hoa, sân chơi, công viên; trồng cây xanh thuộc phạm vi các dự án xây dựng do thành phố đầu tư và các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông thuộc đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận; các dự án đầu tư công viên…
Cùng với đó, sẽ trồng cây đồng bộ, hình thành các tuyến đường đặc trưng về cảnh quan, không gian xanh và từng bước nâng cao chất lượng cảnh quan và môi trường cho đô thị thành phố, gắn thiết kế cây xanh đô thị với công tác thiết kế đô thị. Hệ thống cây xanh phải gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội và không gian công trình ngầm đô thị.
Thành phố cũng tập trung rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư triển khai các dự án đầu tư phát triển công viên, vườn hoa đáp ứng diện tích cây xanh đô thị. Yêu cầu các chủ đầu tư khi triển khai các dự án giao thông, các dự án phát triển đô thị phải thực hiện đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong đó có cây xanh; đảm bảo tuân thủ đúng các chỉ tiêu về cây xanh theo quy hoạch chi tiết được duyệt và triển khai đồng bộ với việc triển khai các hạng mục của dự án. “Không chuyển đổi các diện tích cây xanh sang các mục đích khác”, văn bản nêu.
Đáng chú ý, về công tác cải tạo hệ thống cây xanh hiện hữu, thành phố yêu cầu xây dựng phương án cải tạo, trồng thay thế đối với những cây bị sâu bệnh, cong, nghiêng, xấu, nguy hiểm; cây còi cọc, chậm phát triển; cây không đúng chủng loại cây đô thị ảnh hưởng mỹ quan trên các tuyến đường nhằm tạo sự đồng bộ cho cảnh quan khu vực.
Thành phố yêu cầu xây dựng phương án cải tạo trên cơ sở tham vấn ý kiến chính quyền địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học, các viện, trường, các tổ chức, cá nhân về cây xanh; tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, công khai, minh bạch tạo sự đồng thuận của nhân dân và dư luận xã hội trước khi tổ chức triển khai thực hiện trồng cây thay thế đối với các chủng loại cây già cỗi gây nguy hiểm, không thuộc danh mục cây được bảo tồn, cây quý hiếm, cây cổ thụ trên các tuyến phố, cây hoa sữa tại một số khu vực nhằm giảm mùi hương đậm đặc, nồng nặc khi mùa hoa nở trên các tuyến phố.
"Thực hiện việc dịch chuyển hoặc chặt hạ và trồng cây thay thế ngay trong đêm, đảm bảo mật độ cây xanh, tránh phản cảm trong dư luận; lựa chọn chủng loại cây trồng phù hợp, có hình dáng cân đối, thân cây thẳng, phân cành cao, không sâu bệnh, phù hợp điều kiện khí hậu thổ nhưỡng; phù hợp với điều kiện đô thị", Kế hoạch, nêu.