Hình ảnh Hà Nội luôn khắc sâu trong trái tim mỗi người
Chương trình tọa đàm "Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng” có nội dung lịch sử xuyên suốt từ năm 1954 - 1975 với 3 chủ đề: Miền Bắc - hậu phương vững chắc; Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - thống nhất đất nước.
Các đại biểu tham dự chương trình
Chương trình mang đến cho khán giả những câu chuyện chân thực, đầy cảm xúc về một thời bom đạn của các nhân chứng lịch sử, những người đã trực tiếp tham gia và chứng kiến các sự kiện quan trọng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Trong không khí đầy xúc động, tự hào, điểm chung trong mỗi câu chuyện của các nhân chứng đều chan chứa một tình yêu sâu sắc với Hà Nội. Họ dù sinh ra hay không sinh ra ở Hà Nội trong tim đều đau đáu một tình yêu với Thủ đô, trái tim của cả nước.
Trên sân khấu của buổi giao lưu, bà Đặng Thị Ty (sinh năm 1947, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) – nguyên Trung đội trưởng nữ dân quân Trung đội dân quân đập Đáy vô cùng xúc động khi chia sẻ về những năm tháng hòa mình trong phong trào “Ba đảm đang” của địa phương.
Tháng 2/1965, cô gái trẻ Đặng Thị Ty cùng 11 chị em phụ nữ ở độ tuổi 18 – 19 được phân công làm nhiệm vụ trực chiến tại đập Đáy – hay còn gọi là đập Phùng, công trình phân lũ sông Đáy nhằm điều tiết nước cho Hà Nội mỗi khi lũ dâng cao với 4 khẩu súng 12 ly 7. “Hồi mới tập bắn súng 12 ly 7, chúng tôi cảm thấy rất khó. Nhưng lúc bấy giờ thanh niên, đàn ông đều ra chiến trường hết, ở nhà chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Do đó, chúng tôi động viên nhau quyết tâm tập luyện, bảo vệ vững chắc trận địa đập Phùng. Bởi đây là công trình phân lũ rất quan trọng bảo vệ cho Hà Nội”.
Nhà báo Tạ Bích Loan giao lưu với bà Đặng Thị Ty tại chương trình.
Đến tận bây giờ, hình ảnh thân thương nhất về Hà Nội vẫn luôn khắc sâu trong tim bà Đặng Thị Ty là những lần đi bộ hàng chục cây số ra Hà Nội xem duyệt binh mỗi dịp Quốc khánh 2/9. “Mỗi lần nhìn thấy hình ảnh chị em phụ nữ mặc áo nâu, đội khăn mỏ quạ, đeo súng duyệt binh là tôi thấy thiêng liêng lắm và ao ước sau này mình cũng được như thế” – bà Ty nhớ lại. Rồi những que kem Phùng Hưng mát lạnh, tiếng xình xịch của những chuyến tàu hỏa... luôn là ký ức đẹp về Hà Nội không thể quên với bà. Tình yêu với Hà Nội lớn đến nỗi, người con thứ ba của bà Đặng Thị Ty được đặt là Bùi Hà Nội.
Hay với bà Nguyễn Thị Sang - nguyên Trưởng tàu, phụ trách Tổ tàu “Ba đảm đang” ngành đường sắt Việt Nam, dù không phải là người con quê hương Hà Nội nhưng Thủ đô luôn trong tim bà. Tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông vận tải, năm 1968 bà được giao phụ trách những đoàn tàu chở bộ đội vào Nam tiếp viện cho Chiến dịch Mậu Thân và tiếp nhận thương binh từ chiến trường ra Bắc để điều trị.
Cầm chiếc đèn tín hiệu của trưởng tàu trên tay, tái hiện lại những động tác báo động hướng dẫn tàu, bà Nguyễn Thị Sang cho biết, lúc bấy giờ Mỹ đánh phá ác liệt, đặc biệt là các cứ điểm cầu Hàm Rồng, ga Vinh… Do đó, toàn bộ chị em trên Tổ tàu “Ba đảm đang” luôn phải nêu cao tinh thần cảnh giác, quan sát, khi phát hiện máy bay địch thì phải báo động để tàu dừng đỗ, đi sơ tán kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Sang - nguyên Trưởng tàu, phụ trách Tổ tàu “Ba đảm đang” ngành đường sắt Việt Nam tại buổi giao lưu.
“Tôi nhớ nhất là những đoàn tàu quân đội chở sinh viên các trường đại học ở Hà Nội như Trường Đại học Giao thông vận tải, Đại học Tổng hợp, Đại học Kinh tế quốc dân… gác bút nghiên lên đường vào Nam chiến đấu. Trên tàu lúc nào cũng hát vang bài ca cách mạng rất vui và hào hùng. Nhìn hình ảnh đó tôi rất xúc động, không biết các chàng trai ra chiến trường có còn được trở về lại Hà Nội không? Hà Nội với tôi thiêng liêng lắm, người Hà Nội vừa thanh lịch, văn minh, hào hùng, sẵn sàng hy sinh bảo vệ Tổ quốc” – bà Sang bồi hồi nhớ lại.
Ký ức hào hùng về những thời khắc lịch sử
Tại tọa đàm, các nhân chứng lịch sử cũng chia sẻ những câu chuyện xúc động và hào hùng về Hà Nội trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” hay thời khắc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, làm nên giây phút lịch sử, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Đinh Thế Văn là một trong những nhân chứng đặc biệt của buổi tọa đàm khi ông từng tham gia hai chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Ông chia sẻ, năm 1972 đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và sự hy sinh, quân và dân Hà Nội chiến đấu với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Bằng ý chí kiên cường và chiến thuật phòng không xuất sắc đã làm nên chiến thắng oanh liệt “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. “Cái khác biệt làm nên nét riêng, độc đáo và bản lĩnh Hà Nội chính là văn hóa. Dù chiến tranh, bom rơi, máu chảy, nhà cháy, cây cỏ ngổn ngang, người mất người còn… nhưng người Hà Nội luôn mang trong tim độc lập tự do thiêng liêng” – đại tá Đinh Thế Văn chia sẻ.
Các nhân chứng tại buổi giao lưu.
Hay những câu chuyện của ông Phạm Duy Đô (Phạm Nghi Đô) – nguyên Đại đội trưởng của Trung đoàn đặc công 116; ông Vũ Đăng Toàn - nguyên Chính trị viên, Chỉ huy xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975; ông Nguyễn Văn Tập - người lái chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập… cũng mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả về thời khắc lịch sử của dân tộc.
“Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã phải trải qua rất nhiều cuộc chiến, đi trên nhiều con đường quanh co, ác liệt nhưng có lẽ khúc cua đưa xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập vào trưa 30/4/1975 là khúc cua đẹp nhất của đời tôi” - ông Nguyễn Văn Tập, người lái chiếc xe tăng 390 chia sẻ.
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Bạch Liên Hương và Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà tặng hoa, giấy chứng nhận cho các nhân chứng lịch sử.
Phát biểu tại chương trình, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, chương trình là dịp để ôn lại những ký ức hào hùng và bày tỏ lòng biết ơn đến thế hệ cha, anh đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên trung, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng thông qua những chia sẻ chân thực từ nhân chứng lịch sử.
Điều này càng trở nên đặc biệt và thiêng liêng khi trong những ngày tháng Tư lịch sử này, cả nước đang hân hoan hướng về cột mốc lịch sử trọng đại 50 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn thu liền một dải.
Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, mang trong mình trọng trách lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, luôn là điểm tựa, là niềm tin, là hậu phương vững chắc, luôn hướng về miền Nam với tình cảm thân thương nhất với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, hết lòng, hết sức cùng cả nước động viên cổ vũ cuộc đấu tranh kiên cường của đồng bào, chiến sĩ miền Nam, chi viện sức người, sức của cho miền Nam đi đến thắng lợi cuối cùng.
Người dân tham quan triển lãm “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng”.
“Ý nghĩa sâu sắc của sự kiện ngày hôm nay, như một lần nữa khẳng định lịch sử cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, đã khơi dậy ý chí tự lực, tự chủ, tự tin, tự cường, tự hào của dân tộc, huy động sức mạnh toàn dân kết hợp với sức mạnh thời đại. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để thế hệ chúng ta hôm nay vững tin và thực hiện thành công Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng” - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Bạch Liên Hương chia sẻ.
Cũng tại sự kiện, Sở VH&TT chỉ đạo Bảo tàng Hà Nội công bố những tài liệu, hình ảnh, hiện vật minh chứng cho “một thời đạn bom, một thời hòa bình” của Hà Nội nói riêng và đất nước ta nói chung, trong triển lãm “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng”.
Mỗi hiện vật, mỗi bức ảnh, mỗi câu chuyện được giới thiệu thành tổ hợp trưng bày giúp chúng ta hiểu hơn về những hy sinh, sự đấu tranh bền bỉ, ý chí kiên cường của thế hệ cha ông đi trước. Dù trong bom đạn hay gian khó, họ vẫn giữ vững tinh thần chân trần, chí thép, đóng góp vào chiến thắng chung của dân tộc.