Bà Th., là một trong số nhiều trường hợp ở quận Long Biên đã phải chấp nhận đi thuê nhà để kiếm kế sinh nhai vì bản án giữa ngân hàng và người đứng tên sổ đỏ có hiệu lực, ngôi nhà đã được phát mại cho người trúng đấu giá.
Đây là bài học cảnh tỉnh cho những người thiếu hiểu biết, cả tin vào những lời quảng cáo trên trời và nảy lòng tham không đúng chỗ.
Vừa qua, dẫn chúng tôi đến ngôi nhà cũ của mình mới phải giao lại cho người được phát mại sau quyết định của tòa án, bà Th. tiếc nuối và cay đắng kể lại toàn bộ quá trình dính bẫy kẻ môi giới lừa đảo.
Bà Th. cùng một số bị hại xót của nhưng không biết cầu cứu ai
Bà Th. kể, cuối năm 2014, đầu năm 2015, vợ chồng ông bà có nhu cầu vay tiền để góp vào Công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy nên được người quen giới thiệu cho gặp một phụ nữ tên Trang. Sau đó, Trang đến nhà tự giới thiệu là người bên ngân hàng. Ông bà xin vay số tiền 1.200.000.000đ (một tỷ hai trăm triệu đồng).
"Vào ngày 03/02/2015, cô Trang cho anh Phí Nguyên Hà mang tiền đến giao cho vợ chồng tôi số tiền là 1.200.000.000 đồng. Vì tin lời trước đó cô Trang bảo là đưa sổ để vay hộ nên tôi tin. Sau khi nhận tiền, cô Trang còn nói: 'Cô lấy sổ thì cứ báo trước cháu một tháng thì cháu trả sổ cho cô'".
Theo bà Th. mấy ngày sau Trang quay lại bảo bà phải làm giấy tờ, Trang hẹn vợ chồng bà Th. rồi đưa người của Văn phòng công chứng đến.
"Hôm đó có cả người tên Hà, họ bảo tôi ký, thì cứ ký theo hướng dẫn của họ vậy. Sau khi ký thì tôi thắc mắc là 'như thế là bán đất nhà rồi còn gì', cô Trang giải thích việc ký hợp đồng mua bán chỉ là làm giả. Tại chỗ, Trang có viết cho tôi một văn bản có nội dung như cô ta giải thích. Tiếp theo đó, Trang đưa cán bộ ngân hàng đến thẩm định nhà đất, lúc này Trang đuổi vợ chồng tôi ra sau nhà và dặn đừng nói gì để bên thẩm định người ta làm việc", bà Th., nhớ lại.
Bản án
Sau khi vay được tiền biết mình bị lừa, mấy tháng sau, vợ chồng bà Th. chuẩn bị tiền trả để rút sổ đỏ nên báo cho Trang, lúc này Trang nói là cứ trả đủ tiền thì sau 1 tháng sẽ trả sổ. Thấy Trang khất nhiều lần, ông bà Th. Tìm hiểu thì "ngã ngửa" khi biết sổ đỏ của nhà mình đã mang tên vợ chồng anh Phí Nguyên Hà.
"Trong thời gian vay tiền, hàng tháng Trang vẫn đến lấy lãi và tôi nộp đủ không thiếu tháng nào. Còn tiền gốc thì trả làm nhiều lần, mỗi lần trả thì cô Trang đều ký sổ của tôi", bà Th. buồn bã.
Sau khi biết mình bị lừa, vợ chồng bà Th., vô cùng luống cuống, liên tục tìm cách gây sức ép để Trang phải có trách nhiệm. Do vậy một hôm, anh Hà đưa ông bà đến một Văn phòng công chứng ở phố Trung Kính, Hà Nội và nói là làm thủ tục ký sang lại tên đất cho ông bà Th, anh Hà yêu cầu đưa lại tờ giấy mà cô Trang viết có nội dung ký hợp đồng bán đất nhà là giả.
Lúc này, ông bà Th., đã đưa lại cho anh Hà tờ giấy đó và có được ký văn bản sang tên đất cho ông bà nhưng từ đó đến nay vẫn không thấy cô Trang hay anh Hà trả sổ đỏ.
"Đến năm 2017, có cán bộ Ngân hàng VPBank đến nhà và thông báo cho vợ chồng tôi biết việc anh Hà đứng tên thế chấp để vay 3.600.000.000đ ở ngân hàng của họ. Lúc đó vợ chồng tôi mới biết sự thật. Tôi hỏi lại anh Hà thì anh Hà nói: 'Cháu chỉ đứng tên, cô phải hỏi Trang'".
Theo bà Th., khi hỏi lại Trang thì cô này luôn lỡ hẹn, sau sự việc này chồng bà Th., vì vậy mà lâm bệnh (tức tai biến), còn con cái thì đay nghiến việc làm của bố mẹ đã khiến các con mất mọi cơ hội.
Bản án vụ tranh chấp tín dụng giữa ngân hàng và người đứng tên sổ đỏ ngôi nhà
Về vụ việc trên, theo tìm hiểu của chúng tôi, do không thực hiện đúng cam kết vay vốn, ngân hàng VPBank đã khởi kiện khách hàng. Cụ thể là kiện vợ chồng anh Hà, sau đó ngôi nhà này đã bị phát mại tài sản thế chấp do không thực hiện đúng cam kết vay vốn với ngân hàng.
Theo thông báo số 994 của Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên tiếp nhận đơn thư tố giác của nhiều hộ dân, trong đó có trường hợp bà Th. Các công dân này tố giác một số đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức vay tiền, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất.
Nội dung kết quả xác minh theo đơn thư của công dân
Bà Th. tiếc nuối khi về ngôi nhà cũ của mình
Theo đó, nội dung kết quả xác minh của cơ quan điều tra có nêu: "Nội dung vụ việc của các cá nhân đứng tên tố cáo nêu trên đều xuất phát từ nhu cầu vay tiền để tham gia đầu tư kinh doanh theo mô hình 'kinh doanh đa cấp' với công ty Thiên Ngọc Minh Uy nên đã tự nguyện ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất (có công chứng); các cam kết giữa ông, bà với người môi giới, bên nhận chuyển nhượng về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất có thời hạn 3 đến 5 năm là cam kết, thỏa thuận dân sự".
Cuối năm 2014, đầu 2015 một công ty đa cấp mở chi nhánh tại Long Biên đã thu hút sự tham gia của hàng trăm khách hàng, chủ yếu là người già, kém nhận thức. Mỗi mã đầu tư mua sản phẩm sẽ được hưởng hoa hồng và lãi suất "hời" khiến khách hàng mụ mẫm.
Nhưng lấy vốn đâu mà đầu tư? Bất ngờ xuất hiện nhóm người tự tìm đến nhà khách hàng tự giới thiệu là nhân viên ngân hàng để hướng dẫn cho vay vốn. Đáng nói, thủ tục cực kỳ đơn giản, chỉ cần đưa sổ đỏ kèm theo đó là cam kết vay hộ và hợp đồng chuyển nhượng chỉ mang tính "đứng tên giả".
Do đã có tuổi, không hiểu biết pháp luật, hầu hết các nạn nhân đều ký vào hợp đồng chuyển nhượng mà không đọc kĩ các nội dung ghi bên trong, thể hiện việc đồng ý chuyển nhượng nhà cho các đối tượng. Sau đó, các đối tượng cho vay nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đi vay tiền ngân hàng, trước khi các nạn nhân phát hiện.
Các đối tượng chỉ đưa lại cho nạn nhân một bản cam kết có dấu đỏ, ghi rõ thời hạn chuyển nhượng đất chỉ có kỳ hạn từ 3-5 năm, phụ thuộc vào nhu cầu vay vốn.
Qua tìm hiểu, thì những người đứng tên trong bản cam kết, có dấu chức danh đều không có tên trong công ty.