Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội).
Luôn có khoảng 100 bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị, Bệnh viện Đống Đa đã phải triển khai phương án giảm tải cho khoa Truyền nhiễm. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, nguy cơ quá tải bệnh viện đang hiện hữu.
“Trước đây, thường bị sốt xuất huyết đến ngày thứ 4 mới có những dấu hiệu cần nhập viện. Tuy nhiên năm nay có điểm khác là 3 ngày đầu bệnh nhân sốt rất cao nên nhiều người xin nhập viện. Chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo bệnh viện triển khai phương án đưa bớt bệnh nhân nhẹ tại khoa Truyền nhiễm sang những khoa khác đang ít bệnh nhân. Bệnh nhân nặng vẫn để lại khoa Truyền nhiễm. Trước đó, chúng tôi đã tập huấn cho y, bác sĩ các khoa khác và khi cần vẫn hội chẩn liên khoa. Hiện tại một số khoa cũng đang đông kín bệnh nhân rồi nên chúng tôi phải tính đến những phương án dự phòng khác nếu số ca nhập viện tiếp tục gia tăng… ”- BSCKII Nguyễn Thái Minh cho biết.
Cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội).
Trung tâm Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp và nhiều cơ sở y tế khác trên địa bàn Hà Nội cũng đang có đông bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị. Các ổ dịch xuất hiện gần như tại tất cả 30 quận huyện. Thời tiết lại mưa nắng xen kẽ như hiện nay là điều kiện thuận lợi để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng, nở ra bọ gậy trong các bể nước sinh hoạt không đậy nắp hoặc dụng cụ đọng nước mưa, từ đó phát triển thành các đàn muỗi bay khắp nơi, phát tán dịch bênh. Có những ổ dịch bùng phát hàng tháng trời vẫn chưa khống chế được như tại thôn Vực, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì và thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất. Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì cho hay, đã tổ chức phun hoá chất 4 lần tại ổ dịch thôn Vực nhưng mật độ muỗi và bọ gậy vẫn ở mức cao.
“Ổ dịch tại thôn Vực, xã Thanh Liệt ghi nhận ca bệnh đầu tiên từ ngày 1/8. Nguyên nhân xuất hiện ổ dịch là tháng 8 vừa qua là thời điểm mưa nhiều, đọng nước, thuận lợi cho muỗi đẻ trứng, bọ gậy phát triển thành muỗi. Trước đó việc vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa được triển khai, chỉ khi có ca bệnh mới làm”- BS Nguyễn Thị Xuân Quỳnh cho biết.
Theo Sở Y tế Hà Nội, dịch sốt xuất huyết thường có chu kỳ 5 năm và năm nay là chu kỳ kế tiếp của vụ dịch bùng phát mạnh năm 2017. Ngành y tế Thủ đô đã sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, hoá chất phục vụ phòng chống. Bên cạnh việc tổ chức tập huấn cho hệ thống khám chữa bệnh, Sở Y tế đã phân tầng, phân tuyến thu dung điều trị bệnh nhân để hạn chế tình trạng quá tải. Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, mục tiêu đặt ra là kiềm chế sự gia tăng ca mắc, giảm tối đa bệnh nhân nặng và tử vong.
Bệnh nhân sốt xuất huyết.
“Một số biện pháp cụ thể về y tế dự phòng, chúng tôi đã tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp mắc bệnh và các yếu tố nguy cơ. Đặc biệt, cần phải giám sát muỗi và bọ gậy, tổ chức điều tra dịch tễ, xử lý hiệu quả các khu vực có ca bệnh, ổ dịch. Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hoá chất diệt muỗi và các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng. Chúng tôi cũng cho rằng cần phải nâng cao khả năng đánh giá, dự báo tình hình, diễn biến và nguy cơ dịch…”- Bà Trần Thị Nhị Hà cho biết.
Các chuyên gia dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội sẽ diễn ra từ cuối tháng 9 đến tháng 11. Nếu không thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp khống chế sự gia tăng của các ca mắc trong giai đoạn cao điểm này thì tình trạng dịch chồng dịch sẽ xảy ra khi Covid-19, cúm A và một số dịch bệnh khác chưa chấm dứt hoặc đang nguy cơ bùng phát cao. Những ổ dịch bùng phát hàng tháng trời vẫn chưa khống chế được cho thấy, công tác phòng chống trong giai đoạn đỉnh dịch sốt xuất huyết sắp tới tại Hà Nội vẫn có nhiều thách thức./.