Hà Nội giãn cách xã hội, PGS.TS Trần Đắc Phu: Nên thực hiện nghiêm, nếu "ngoài chặt, trong lỏng" thì giãn cách vô ích

Lê Liên, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 12:06 24/07/2021
Chia sẻ

Các chuyên gia đánh giá cao việc thực hiện giãn cách xã hội của Hà Nội. Tuy vậy cũng không nên chủ quan vì Hà Nội là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.

Từ 6h ngày 24/7, toàn TP. Hà Nội bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, giãn cách xã hội trong 15 ngày.

Về việc này, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, Hà Nội làm như vậy là hoàn toàn chính xác bởi Hà Nội có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao.

Nhiều chùm ca bệnh phức tạp được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng với những triệu chứng ho, sốt, trong đó có chuỗi lây tại nhà thuốc Đức Tâm (Láng Hạ)… cho thấy các ca bệnh không rõ nguồn lây nằm rải rác.

Những ca phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc khi bị ho, sốt chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" nên nguy cơ cao.

Trong khi Hà Nội còn có thể xuất hiện những trường hợp dương tính, những ổ dịch còn lẩn khuất ở trong cộng đồng mà chưa phát hiện ra", ông Phu phân tích. Chính vì vậy việc thực hiện giãn cách xã hội ở Hà Nội theo Chỉ thị 16 phải được thực hiện nghiêm.

"Nếu thực hiện không nghiêm thì cũng sẽ không có tác dụng gì. Giống như anh chỉ rào hai đầu ngõ, đầu phố nhưng ở trong người dân vẫn giao lưu, tiếp xúc thì cũng không có tác dụng", ông Phu nói.

Đặc biệt vi rút chủng Delta này lây lan rất nhanh, chỉ trong thời gian ngắn có thể lây lan ra nhiều người, nếu người nhiễm vi rút mà đi lại nhiều nơi thì dịch nhanh chóng lây lan ra diện rộng.

Hà Nội giãn cách xã hội, PGS.TS Trần Đắc Phu: Nên thực hiện nghiêm, nếu ngoài chặt, trong lỏng thì giãn cách vô ích - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Đắc Phu

Ngoài việc giãn cách xã hội, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, Thủ đô cần đảm bảo cung ứng đủ thực phẩm cho người dân, tránh hiện tượng thiếu nhu yếu phẩm. Việc này nhằm tránh việc người dân tập trung đông người, chen chúc chờ đợi khi đi mua thực phẩm.

Không để diễn ra bất kỳ hoạt động nào tập trung đông người như khi đi xét nghiệm hay tới đây là ra quân chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.

"Đặc biệt, Hà Nội cũng phải lên phương án cho cách ly, điều trị cần thiết nếu số ca mắc tăng cao. Bởi khi số mắc tăng cao thì số tử vong cũng tăng cao, bệnh nhân tử vong cũng nhiều. Trong bối cảnh này, Hà Nội nên chuẩn bị kịch bản, triển khai thí điểm cho F1 cách ly tại nhà, tất nhiên người cách ly đảm bảo quy định của Bộ Y tế", PGS Phu nhấn mạnh.

Theo ông Phu, ban chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia đã cho phép, Hà Nội nên triển khai ngay. Việc làm này vừa có tính chất thí điểm nhưng cũng vừa có tính chất tập dượt sẵn sàng cho tình huống khi các ca bệnh nhiều lên. Số ca mắc ở Hà Nội chưa thật nhiều nên việc giám sát trên diện rộng có chỉ định, không xét nghiệm tràn lan nhằm phát hiện những ổ dịch và truy vết vẫn là cần thiết để tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Do đó, Hà Nội cần tiếp tục giám sát, xét nghiệm để phát hiện những ổ dịch. Song song với đó, chính quyền, các cơ quan chức năng của Hà Nội cũng cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.

Và PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, chỉ có tiêm chủng mới phòng bệnh bền vững nhất còn giãn cách chỉ là thời điểm. Đối với người dân lúc này, khi ho, sốt phải báo ngay với nhân viên y tế.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày