Vào 7 giờ sáng nay 6/9, tâm siêu bão YAGI trên vùng biển phía bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía đông đông nam, cách Quảng Ninh khoảng 600km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.
Theo các đài khí tượng thế giới và Việt Nam, bão YAGI tiếp tục duy trì cường độ của một siêu bão đến chiều nay (6/9) trước khi áp sát đảo Hải Nam, Trung Quốc. Dự báo đêm nay, bão vượt qua đảo Hải Nam đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ mạnh tới cấp 13-14, giật cấp 17, có thể là cơn bão mạnh nhất từng ghi nhận ở khu vực này.
Dự báo ngày 7/9, bão đổ bộ vào Hải Phòng – Quảng Ninh với cường độ rất mạnh, sau đó quét qua khu vực Đông Bắc Bộ sang Tây Bắc Bộ với cường độ suy giảm nhanh.
Với kịch bản trên, Hà Nội dự báo nằm trong vùng tâm bão đi qua. Do ảnh hưởng rìa xa cơn bão, từ trưa chiều nay, Hà Nội bắt đầu có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Từ đêm nay, trời nhiều mây, có mưa to, có nơi mưa rất to.
Từ ngày 7 đến ngày 9/9, thành phố Hà Nội có mưa to đến rất to và dông, trong đó đỉnh điểm mưa tập trung từ 7-8/9.
Tổng lượng mưa tại Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh từ 200 - 300mm, có nơi trên 400mm.
Thị xã Sơn Tây và các huyện Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên thời gian này mưa từ 150 - 250mm, có nơi trên 350mm.
Cũng do ảnh hưởng của bão, từ sáng sớm mai (7/9), Hà Nội có gió mạnh dần lên cấp 5-6, giật cấp 8. Từ chiều mai, các quận huyện Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 10.
Từ chiều tối ngày 7/9, thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ có gió mạnh cấp 4, cấp 5, sau tăng lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 9.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, cường độ gió mạnh như trên có thể gây tốc mái, hư hại nhà cửa, làm gãy đổ cây cối, cột điện, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, trên các sông Cà Lồ, sông Bùi, sông Tích có khả năng xảy ra một đợt lũ, làm tăng nguy cơ ngập lụt các vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, riêng khu vực thoát lũ của huyện Chương Mỹ có thể tái diễn tình trạng ngập sâu kéo dài.
Các chuyên gia cũng nhận định, nếu kịch bản bão đi dịch xuống phía Nam, đổ bộ vào Thái Bình – Nam Định thì Hà Nội còn có thể đón mưa lớn hơn, gió giật mạnh hơn.
Trong tối qua (5/9), Hà Nội và một số địa phương phía Bắc đã bắt đầu xuất hiện dông lốc trước bão. Riêng tại Văn Lý, Nam Định ghi nhận gió mạnh cấp 9, giật 10 trong cơn dông lúc 22h20 tối qua.