Những năm gần đây, Hà Giang- tỉnh biên giới địa đầu Tổ quốc đã trở thành một chấm đỏ trên bản đồ du lịch miền Bắc, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm, huyện rẻo cao Mèo Vạc đã đón một lượng khách rất lớn, tăng 180% so với cùng kỳ. Có thời điểm, khách đến địa phương đông đến mức quá tải. Nếu không đặt trước thì rất khó có chỗ lưu trú, nhất là sau Tết Nguyên đán.
Vì sao Hà Giang lại hấp dẫn du khách đến vậy?
Ngôi nhà của người Lô Lô ở Mèo Vạc được sử dụng làm homestay
Thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc nằm khuất nẻo trên một con dốc. Đây là nơi cư ngụ của đồng bào Lô lô – một dân tộc có số dân chưa đến 10.000 người ở Việt Nam. Nếu như trước đây, người Lô lô chỉ biết làm nương, quẩn quanh với con lợn, con gà thì nay, một số ngôi nhà đã được tu sửa lại để làm homestay đón khách.
Vợ chồng ông Lò Văn Tâm nhận thấy nhu cầu khách du lịch đến Mèo Vạc ngày một đông, cách đây 3 năm, ông bà đã quyết định mua một ngôi nhà sàn với giá 500 triệu đồng để thay thế ngôi nhà cũ kỹ của mình, làm nơi lưu trú cho khoảng 30 khách. Gia đình ông phục vụ khách ăn, ở với những món ăn địa phương. Ngoài ra, bà chủ của homestay này cũng tự tay làm thêm những đặc sản của người vùng cao như thịt ba chỉ và xúc xích gác bếp để bán cho du khách làm quà. Mỗi tháng, trừ các chi phí, gia đình ông Lò Văn Tâm cũng có thu nhập từ 20-30 triệu đồng.
Chị Veronica - du khách người Italy và các bạn chụp ảnh chung với vợ ông Tâm- bà chủ homestay
“Khách đến đây cơ bản là người nước ngoài. Nếu khách trong nước thích ở khách sạn với phòng khép kín thì khách nước ngoài thích sự trải nghiệm. Từ khi làng Lô lô trở thành địa điểm lưu trú của khách du lịch, chúng tôi cũng phải thay đổi rất nhiều, nhất là cảnh quan, môi trường” – ông Lò Văn Tâm cho hay.
Chị Veronica, một du khách người Italy sau 3 ngày lưu trú tại homestay nhà ông Tâm tất bật sửa soạn hành lý để di chuyển sang một địa điểm khác ở Hà Giang. Chị đi từ Hà Nội cùng nhóm bạn lên Mèo Vạc bằng xe máy.
“Tôi đến Việt Nam 9 ngày, đã ở Hà Nội 3 ngày và đi luôn Hà Giang. Sở dĩ tôi biết đến Hà Giang là bởi bạn bè giới thiệu. Ở châu Âu, giới trẻ nói với nhau rằng, đã đến Việt Nam thì nhất định phải đi Hà Giang vì đây là một địa danh nổi tiếng. Bản thân tôi đến đây đã bị quyến rũ bởi cảnh sắc thiên nhiên, sự yên tĩnh, thanh bình và văn hóa bản địa độc đáo, cả ẩm thực của họ nữa. Tôi cũng hài lòng vì cách mà họ phục vụ du khách” – nữ du khách Italy tươi cười cho hay.
Bà Doãn Thị Tuyên (vợ ông Tâm) làm thêm các món đặc sản địa phương để bán cho du khách
Ngay sát nhà ông Tâm là một ngôi nhà sàn khá cổ kính của người Lô lô. Ngôi nhà được phục dựng lại năm 1992 và trở thành nơi lưu trú rất độc đáo cho du khách. Độc đáo bởi vẻ yên tĩnh, lãng mạn. Đi qua một cái dốc cao là một cánh cổng mở ra, một khoảnh sân rất rộng với hàng rào hoa tầm xuân rực rỡ. Chị Nông Thị Tuệ - người dân tộc Tày được chủ nhà giao cho quản lý homestay này bởi chị có kinh nghiệm.
Một homestay của người Lô Lô ở thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc
Chị đã tiếp thị du khách bằng cách giới thiệu nét hay, nét đẹp của người Lô lô, làng Lô lô trên các trang mạng xã hội như fanpage, facebook, booking… vì thế, ngôi nhà đã đón một lượng khách ổn định và người quản lý có mức thu nhập từ 8-11 triệu đồng/tháng.
Quy hoạch du lịch cộng đồng để thu hút du khách
Du khách đến Hà Giang không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên mà chính bởi muốn được trải nghiệm văn hóa đặc sắc của người dân vùng cao.
Một homestay trong làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc
Nắm bắt được nhu cầu của du khách, tại huyện Mèo Vạc, chính quyền đã quyết định quy hoạch các khu du lịch tập trung. Trên một khu đất rộng khoảng 2,7 ha bằng phẳng, những ruộng ngô của người Mông được đền bù và di dời. Thay vào đó là một ngôi làng du lịch với 28 căn homestay được thiết kế theo một quy hoạch chung, mang đậm bản sắc văn hóa của người Mông, từ thiết kế đến cách trang trí, các món ăn truyền thống… Đến đây, du khách được trải nghiệm nhiều nét văn hóa trong đời sống của bà con địa phương như đan quẩy tấu, se sợi, dệt vải, các trò chơi dân gian... , được trải nghiệm dịch vụ tắm, ngâm chân bằng lá thuốc dân tộc; thưởng thức các chương trình văn hóa, văn nghệ đậm sắc văn hóa Mông vào các tối cuối tuần. Đó là làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông tại thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, cách trung tâm huyện Mèo Vạc khoảng 3km. Đây cũng là ngôi làng nổi tiếng với du khách gần xa, chiếm 2/3 lượng du khách đến với Mèo Vạc.
Phát triển du lịch cộng đồng đang là một hướng thoát nghèo bền vững ở Mèo Vạc nói riêng và Hà Giang nói chung. Theo ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc, khách du lịch đến với Mèo Vạc là để trải nghiệm văn hóa bản địa. Hiện, trên toàn huyện có 5 địa chỉ phát triển du lịch cộng đồng, mang đậm bản sắc của người Mông, người Lô Lô, người Giáy và người Nùng. Việc triển khai các mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng đã mang lại giá trị kinh tế, tạo công văn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo bền vững cho huyện Mèo Vạc. Trên cơ sở thành công của Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông tại xã Pả Vi, tới đây, huyện cũng sẽ xây dựng một làng du lịch văn hóa cộng đồng của người Lô Lô ngay chính tại thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc để thu hút thêm khách du lịch.
“Người Lô Lô có những bản sắc rất riêng, không ở đâu có. Ngoài trang phục rất đẹp mắt, người Lô Lô còn lao động chăm chỉ, hát hay, múa dẻo… Cái gì họ cũng làm tốt. Người Lô Lô là một trong 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người, cần phải bảo tồn. Khi quy hoạch xây dựng làng văn hóa của người Lô Lô, chúng tôi cũng sẽ rất chú trọng đến việc thể hiện bản sắc văn hóa của họ. Quy hoạch như vậy để cơ sở hạ tầng tốt hơn, đón được nhiều khách cùng lúc và các phương tiện có thể di chuyển dễ dàng”- Phó Chủ tịch huyện Mèo Vạc cho hay.
Ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc, Hà Giang
Trước lượng khách nước ngoài đổ về Mèo Vạc ngày một tăng cao, chính quyền địa phương đã cho mở các lớp đào tạo cấp tốc tiếng Anh cho bà con. Nhiều hộ gia đình được tạo điều kiện đi thăm quan, học hỏi các mô hình homestay hiệu quả tại Lào Cai, Hòa Bình, Thái Nguyên,...Huyện miền núi khó khăn này cũng bắt đầu triển khai dạy tiếng Anh trực tuyến cho trẻ em từ lớp 3 trở lên theo một Dự án từ thiện của các nhà hảo tâm.
Hà Giang giờ đây đã được nối gần hơn với trung tâm thủ đô nhờ các tuyến cao tốc. Trên những cung đường bám vào vách núi để lên các huyện vùng cao như Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc… xuôi ngược, ngược xuôi hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế.
Con đường Hạnh Phúc nối thành phố Hà Giang với 4 huyện vùng cao xưa kia là con đường được đổi bằng xương bằng máu của những thanh niên xung phong. Ngày nay, cũng chính con đường đó đã mang lại sinh kế, mang lại ấm no cho người dân địa phương nhờ phát triển du lịch dựa vào cộng đồng.