Tôi từng có niềm tin bất diệt vào câu chuyện “trai tốt thì sẽ không hạnh phúc trong tình yêu” vì gái ngoan đi yêu hết trai hư rồi - nhiều bộ phim đã tiêm vào đầu tôi những thứ như vậy, còn lũ trai tốt sẽ muôn đời bất hạnh trong tình yêu vì ai lại đi thèm yêu một thằng trai tốt?
Khi chưa yêu “trai tốt”, tôi hay hậm hực thay cho họ: Ủa trai tốt có vấn đề gì?
Để tôi miêu tả cho các bạn một “trai tốt” điển hình - là người yêu cũ của tôi: Anh có một công việc ổn định, không hút thuốc rượu bia cờ bạc (hình mẫu của thế hệ cũ, nhưng tôi cứ tạm cho vào), anh hài hước hóm hỉnh, ngoại hình không nổi bật nhưng không quá tệ, nhìn chung cũng thuộc dạng khéo léo, quan tâm người yêu, thuộc tuýp người sẵn sàng cho đi tất cả. Bị đá lần đầu, anh lẩm bẩm trách cái đứa con gái “bội bạc”, lần hai anh thề sẽ không bao giờ tha thứ cho cô ta nữa. Đến khi năm lần bảy lượt bị đá, anh bắt đầu nghĩ về vấn đề? Phải chăng lời nguyền “trai tốt bị đá” là có thật? Vậy nguyên nhân là gì, vì những cô gái đó hay vì chính anh trai tốt?
Nếu bạn là trai tốt bị đá lần đầu, hãy coi như cô ta không biết trân trọng bạn. Nhưng nếu đến lần thứ 4, thứ 5 bạn vẫn bị bỏ rơi, hãy xem lại mình.
Trai tốt: Như nào là tốt?
Định nghĩa “tốt” là thứ trừu tượng đầu tiên trong câu chuyện “trai tốt”. 7 tỷ người trong các mối quan hệ yêu đương, bất kể trai gái, có hàng trăm những tiêu chuẩn khác nhau về cái tốt. Là một “chàng trai tốt” không có giá trị chỉ riêng trong chuyện tình cảm giữa hai người, chưa nói tới bức tranh tình yêu của cả thế giới này. Anh chàng nghĩ không uống rượu thì tốt, nhưng cô ấy chẳng mảy may coi đó là một điểm cộng trong chuyện tình yêu. Vậy điểm cộng đó có nghĩa lý gì đâu?
Thường cái khái niệm “trai tốt” cũng toàn do các chàng trai tự phong cho mình. Khi thất bại trong chuyện tình yêu, họ tự gọi mình là một chàng trai tốt và “nạn nhân hóa” như cách người ta vẫn thương hại đám trai tốt. Nhưng xin thưa các chàng trai tốt, vấn đề đầu tiên của các bạn chính là việc nghĩ mình đã quá hoàn hảo, tốt “đủ” cho một mối quan hệ rồi nên không cần thay đổi hay cố gắng gì thêm cả.
Trai tốt hay cho rằng điều gì mình cũng biết! Họ coi “tốt” là chuẩn mực của sự thông thái vì “người có học sẽ không làm những điều sai trái”. Tôi phát sợ cái suy nghĩ ấy khi mỗi cuộc tranh luận, chàng người yêu cũ “tốt” của tôi đều là người phải giành chiến thắng; đôi khi anh quên đi cái ranh giới giữa một chàng trai “tốt” và một chàng trai “trẻ con”. Anh gọi sự trẻ con của mình là thân thiện, dễ gần, được mọi người yêu quý - tôi gọi đó là sự cố tình không trưởng thành. Có những điều ý nghĩa với các mối quan hệ trong xã hội nhưng nếu duy trì trong tình cảm có thể giết chết một mối tình. Trai tốt quy mọi thứ vào một mối, chừng nào những điều ấy còn giúp anh được mọi người yêu quý thì anh sẽ không thay đổi.
Và tan tành một mối tình.
Áp lực của cái tốt
Điều mà các chàng trai tốt có thể không biết, hoặc biết nhưng vô tình lờ đi là việc họ thể hiện cái tốt của mình ra quá đôi khi gây áp lực cho cả mối tình. Điều thứ hai với các chàng trai tốt: Tạo ra một áp lực vô hình, đôi khi là sự nghi ngờ khi không biết điều tiết “cái tốt” của mình.
Tôi có đọc được câu chuyện về một cô gái xinh đẹp, học thức, giỏi giang tìm đến một anh chàng kia. Mọi thứ cứ như một chuyện tình trong mơ ấy; cô nàng xuất hiện duyên dáng trong mỗi bữa tiệc cùng người yêu, giúp anh trong công việc, lo mọi việc chu toàn từ đi chơi tới đi du lịch và kể cả cô muốn kết hôn với anh. Cuối cùng, họ vẫn chia tay. Anh chàng kia cảm thấy áp lực khi mọi điều tốt đẹp ấy dồn dập đến với cuộc đời mình - nó như một câu hỏi vang dội trong đầu “này, em tốt với anh này, anh có thể làm gì để xứng đáng với em không?”.
Không có bữa ăn nào là miễn phí, và không có cô gái nào sau một đêm thức dậy hóa thành công chúa với mối tình trong mơ. Những chàng trai hay cô nàng quá tốt sẽ khiến chúng ta áp lực, thậm chí là nghi ngờ: “Liệu họ đang có ý gì với mình phải không? một ý đồ tiêu cực?”.
Bạn có “quyền lực” nhưng không biết điều tiết nó, thì cũng chỉ đành nhắm mắt nhìn mối tình qua đi thôi người tốt ạ.
Những chàng trai tốt không biết yêu
Lần đầu đi hẹn hò, người yêu tôi nói muốn đi cafe. Tôi thích, nơi đó thật yên tĩnh, đủ để chúng tôi trò chuyện râm ran.
Lần thứ hai đi hẹn hò, quán cafe ấy vẫn đẹp và lặng lẽ. Tôi với anh lại ngồi ở chiếc bàn quen thuộc ngày nào.
Lần thứ 10 đi hẹn hò, quán cafe đó trông không ra thể thống gì cả. Thế quái nào mà sao tôi suốt ngày phải đi hẹn hò ở quán cà phê? Tôi ghét chỗ này tận cổ rồi!
Anh nói vì anh không đi chơi bao giờ nên cũng không còn lựa chọn nào khác. Tôi cho anh vài lựa chọn, nhưng 10 lần sau thì lại là cái nơi mới ấy. Tôi ngán ngẩm không biết nói gì nữa.
Ở những năm tháng ngoài 20, tình yêu của người trẻ đâu phải bức tranh một màu với những lối cũ đi về quen thuộc. Điều thứ ba, những chàng trai tốt không biết tẻ nhạt, buồn chán chẳng thuộc trong phạm trù “tốt”. Họ coi chuyện tình yêu như những thứ lặp đi lặp lại trong cuộc đời mình. Nhiều chàng trai cứ nghĩ ở nhà suốt ngày, làm “mommy’s boy” là một tiêu chuẩn quan trọng của việc tốt, rồi cuối cùng họ cũng không biết phải làm sao để một mối tình luôn mới mẻ, sôi sục. Người ta luôn nhấn mạnh rằng tình yêu cần sự làm mới, nhưng những điều mới mẻ cho một tình yêu lấy đâu ra có được? Tôi không coi đây là một ví dụ của trai tốt - dù họ có nhận đi nữa.
Bạn tốt nhưng bạn có 1001 tính xấu?
Khi ai đó hỏi tôi vậy làm sao để trai tốt được hạnh phúc trong tình yêu? Khắc phục những tính cách khó chịu của mình? - không, điều bạn cần làm là ngừng việc than thở mình là “trai tốt”. Bạn là một chàng trai vừa kết thúc một mối tình, một cô gái vừa chia tay chứ đừng tự gán cho mình là một “cô gái, chàng trai tốt” bị đá. Khi chúng ta nhận mình là trai tốt đồng nghĩa với việc ta đã tạo nên một tấm bình phong cho những điểm xấu xí của bản thân trong mối quan hệ.
Là một chàng trai tốt không phải một chiếc nhãn hàng tiêu dùng chất lượng cao với một cuộc tình, nhất là trong thời buổi văn hóa yêu đương đã có rất nhiều thay đổi của thế hệ Millennial. Điều thứ tư, và cũng là điều quan trọng nhất với tôi khiến các chàng trai tốt ngậm ngùi kết thúc các cuộc tình: Bạn tốt thật đấy nhưng bạn vẫn có lấy 1001 tính xấu thì hãy trách mình trước.
Hùng là một chàng trai tốt, chỉ có một nhược điểm là thích kể chuyện tình yêu của mình cho cả thiên hạ nghe để cảm thông.
Nam là một chàng trai tốt nhưng Nam lại quá tốt với tất cả các chị em bạn bè thân thiết.
Vũ là một chàng trai tốt chỉ có điều Vũ quá yếu đuối, không nỡ rời người yêu một bước và luôn cảm thấy bất an trong mối quan hệ.
Và cả Hùng, Nam, Vũ đều viết status “trai tốt như này, các bạn còn không muốn sao?” sau khi chia tay.
Không, chẳng ai muốn những chàng trai tốt như thế cả.
Có hàng trăm câu chuyện về các chàng trai, cô gái “tốt” thất bại trong chuyện yêu đương và tôi biết rằng, những lý do sẽ nhiều vô kể, không chỉ gói gọn trong bốn câu chuyện tình yêu đầy màu sắc cá nhân của tôi. Nếu có một chàng trai thành công trong chuyện tình cảm, có một cái kết viên mãn thì cũng không phải họ “tốt” hơn bạn mà họ biết yêu hơn bạn. Chàng trai “tốt” trong tình yêu đâu có tồn tại, chỉ là chàng trai/cô gái nào thực sự hiểu mình, hiểu người yêu và biết làm những điều phù hợp nhất để dù có kết thúc, họ cũng biết rằng lỗi thuộc về định mệnh.