GS.TS Hoàng Xuân Cơ: "Không thể coi Air Visual là nguồn thông tin chính thống và đáng tin cậy"

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 03/10/2019

GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho rằng thông tin từ ứng dụng Air Visual chỉ nên dừng lại ở mức tham khảo. Về mặt khoa học, ông không đánh giá cao nền tảng quan trắc không khí này.

Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên Môi trường, từ ngày 13/9, chất lượng không khí tại Hà Nội nhiều thời điểm trong ngày kém, nhất là ô nhiễm bụi mịn PM2.5. Website Air Visual đưa Thủ đô của Việt Nam vào top những thành phố lớn có chỉ số ô nhiễm không khí tức thời cao nhất thế giới, khi mà chỉ số AQI luôn trên 200 nhiều ngày liên tiếp. Hiện, người dân đang tiếp nhận quá nhiều luồng thông tin từ nhiều trang quan trắc khác nhau, có sự chênh lệch và mức độ tin cậy không chính thống.  

Được biết, tổ chức AirVisual được thành lập vào năm 2015, có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc và Thụy Sĩ. Hệ thống này quan trắc chất lượng không khí dựa trên việc tổng hợp số liệu thu được từ cảm biến đặt tại 10.000 thành phố của 80 quốc gia trên thế giới. AirVisual chỉ quan trắc chỉ số bụi mịn PM2.5.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Không thể coi Air Visual là nguồn thông tin chính thống và đáng tin cậy - Ảnh 1.

Nhiều ngày qua, Air Visual liên tục xếp hạng Hà Nội ở mức ô nhiễm không khí nhất thế giới. Ảnh chụp màn hình.

Tại Hà Nội, AirVisual thu thập dữ liệu từ 14 trạm kiểm soát không khí, gồm có 10 trạm thuộc chính phủ. Đó là mạng lưới quản lý chất lượng không khí Hà Nội, (http://moitruongthudo.vn/), Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc (http://cem.gov.vn), Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Các tổ chức phi chính phủ gồm ba đối tác của AirVisual (AirVisual Contributors) trong đó có một tổ đối tác do Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) vận hành.

Tại TP HCM, AirVisual có dữ liệu từ 7 trạm, gồm Lãnh sự quán Mỹ, các tổ chức phi chính phủ gồm các đối tác của AirVisual (một đại học và các trường học). Mỗi kết quả ở mỗi trạm có sẵn trên website và app của AirVisual. Địa điểm của mỗi trạm có thể xác định được.

Ở mỗi trạm, các chỉ số được thu thập theo thời gian thực, chất ô nhiễm được đo và dựa theo Chỉ số chất lượng không khí của Mỹ (U.S. Air Quality Index value). Số liệu xấu nhất về chất lượng không khí được AirVisual công bố cho phép người dùng tra cứu nồng độ một số tác nhân nguy hiểm như: PM2.5, PM10, ozone, nitơ dioxide, sulfur dioxide và carbon monoxide. 

Tuy nhiên, số liệu xấu nhất này không được AirVisual chú thích khiến nhiều người lầm tưởng đây là kết quả đại diện cho cả thành phố. Mức chênh lệch của nơi thấp nhất trong thành phố Hà Nội với nơi cao nhất có thể lên đến 100 điểm AQI. Từ đó, kết quả có thể thay đổi từ mức kém lên mức cực rất có hại cho sức khỏe.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Không thể coi Air Visual là nguồn thông tin chính thống và đáng tin cậy - Ảnh 2.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội.

Sau 20 năm nghiên cứu về chất lượng không khí ở Hà Nội, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cho rằng thông tin từ ứng dụng Air Visual chỉ nên dừng lại ở mức tham khảo. Về mặt khoa học, ông không đánh giá cao nền tảng quan trắc không khí này. 

"Air Visual là một kênh thông tin, qua đó chúng ta có thể nắm được chỉ số chất lượng không khí của rất nhiều nơi trên thế giới, nhưng không thể coi đó là nguồn chính thống và đáng tin cậy. Nếu như dựa vào số liệu mà Air Visual công bố, nhiều nơi trên thế giới còn khủng khiếp hơn Việt Nam nhiều, ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ với chỉ số AQI ở mức 999. 

Để đánh giá chính xác chất lượng không khí của cả TP, không thể chỉ dựa vào một con số. Chúng ta phải so sánh số liệu từ nhiều trạm, mỗi trạm lấy nhiều lần từ các thời điểm khác nhau trong ngày mới cho ra cách nhìn chuẩn xác" GS.TS Hoàng Xuân Cơ nói.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Không thể coi Air Visual là nguồn thông tin chính thống và đáng tin cậy - Ảnh 3.

Ông Cơ nhấn mạnh, ứng dụng Air Visual có thông tin từ rất nhiều nguồn, có cả nguồn chính thống từ các trạm quan trắc tự động của nhà nước, nhưng cũng có nguồn chưa được kiểm chứng. Ông đưa lời khuyên, người dân có thể vào website của sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để có những đánh giá thực sự khách quan vì số liệu được đo trên những thiết bị đã kiểm chuẩn. 

"Cách tính AQI của Mỹ khác với Việt Nam nên giữa các ứng dụng thường xuyên có sự chênh lệch. Dù muốn hay không, chúng ta buộc phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm không khí, theo tôi phán đoán là còn phải hàng chục năm nữa"GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhận định. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày