GS.TS. Harvard Hồ Nhật Nam: "Tôi ít khi nào ngồi học trên 1 tiếng"

Lê Ái, Theo Trí Thức Trẻ 00:39 09/12/2016
Chia sẻ

GS.TS. gốc Việt, Hồ Nhật Nam, người có nhiều đóng góp cho ngành khoa học thế giới, chia sẻ suy nghĩ về câu chuyện sinh viên Harvard học đến 4:30 sáng. Anh cũng tiết lộ bí quyết chơi nhiều hơn học nhưng vẫn sở hữu bảng thành tích khủng.

Nhà khoa học, GS.TS. Hồ Nhật Nam (Dr. Nicolas Ho) là một người Mỹ gốc Việt có nhiều đóng góp cho nền khoa học thế giới. Ở tuổi 24, chàng trai gốc Việt trở thành thành viên trẻ tuổi nhất của Viện Hàn lâm Khoa học New York (The New York Academy of Sciences). Anh tham gia nghiên cứu tại các nhà máy nguyên tử thuộc viện Đại học Stanford; Đại học Chicago…

Hồ Nhật Nam có 1 năm học tại đại học Harvard trong giai đoạn hậu tiến sĩ. Anh nghiên cứu về đề tài "Cao phân tử và Xác định cấu trúc" tại đây.

Những ngày qua, vị GS.TS trẻ theo dõi thông tin về bài viết "Harvard 4:30 sáng" trên truyền thông Việt Nam. Từ trải nghiệm thực tế và vốn kiến thức sâu rộng, anh chia sẻ với Kenh14.vn những quan điểm cá nhân về việc học và chơi; bí quyết để đạt được những thành công như hiện tại.

GS.TS. Harvard Hồ Nhật Nam: Tôi ít khi nào ngồi học trên 1 tiếng - Ảnh 1.

GS.TS. Hồ Nhật Nam (bên phải) được bác sĩ Nguyễn Hùng Anh mời lên sóng phát thanh để nói về giáo dục ở Mỹ

"Tôi tin có sinh viên học đến 4:30 sáng"

GS.TS. Hồ Nhật Nam cho rằng cách viết bài của tác giả Trung Quốc Wei Xuiying làm cho anh liên tưởng đến những sinh viên chỉ học và học đến ngừng thở.

"Học đến 4:30 sáng mà không biết lúc bắt đầu thì không ổn. Sinh viên Harvard giỏi và siêng nhưng không đồng nghĩa với học không thấy ngày mai như vậy. Tôi tin có sinh viên học sáng đêm nhưng không phải tất cả sinh viên đều như vậy", Nhật Nam nói.

Là một người đạt được nhiều thành tựu trong học tập lẫn nghiên cứu khoa học, GS.TS. Nam cho rằng, việc sinh viên vùi đầu vào sách vở là chuyện bình thường. Nhưng nếu một người nào đó học quá nhiều thì cũng cần xem xét lại năng lực tiếp thu của bản thân.

"Sinh viên phải đọc nhiều và học thật nhiều, nhưng nếu cứ phải học đến 4:30 sáng như vậy thì không nên, nhất là ở đại học Harvard. Phải học đến giờ đó thì chỉ có 2 lý do: thứ nhất, học không kịp bạn bè, thứ hai, học hoài mà không hiểu. Nhưng điều đó là hiếm thấy ở sinh viên đại học này. Harvard thường khuyến khích sinh viên làm thêm việc xã hội ngoài giờ học. Đó có nghĩa là trường không muốn thấy sinh viên chỉ biết học không thôi", nhà khoa học gốc Việt nhấn mạnh.

GS.TS. Harvard Hồ Nhật Nam: Tôi ít khi nào ngồi học trên 1 tiếng - Ảnh 2.

Giáo sư gốc Việt khuyến khích sinh viên của mình tư duy và trải nghiệm nhiều hơn là trở thành "mọt sách"

Trong quá trình giảng dạy tại Đại học Brown, Đại học California và làm thỉnh giảng ở nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới, Hồ Nhật Nam thường hỏi học sinh về động lực học tập của họ là gì. Vì sao họ đam mê môn học và tương lai sau này các em sẽ làm gì?  Sau đó, anh động viên và hướng dẫn các sinh viên.

"Tôi dạy học theo cách "practical". Đó là dạy học sinh những kiến thức căn bản, rồi từ đó, các em phát triển theo bản năng và khả năng. Ví dụ, tôi dạy về thuyết acid.  Nếu chỉ nhớ và biết những gì về acids thì tốt nhưng hiểu cách áp dụng acid trong nhà máy hoặc phòng thí nghiệm quốc gia thì tốt hơn nữa! 

Khi sinh viên suy nghĩ xa hơn để rồi bạn ấy nói là đã nghĩ ra được một chất acid cực mạnh chưa từng có. Và chất acid đó có khả năng ứng dụng tốt hơn chất acid khác mà ta từng biết. Đó là sự truyền đạt mà tôi muốn tập cho sinh viên. Đó là sự sáng tạo mà tôi muốn rèn luyện cho sinh viên chứ không phải chỉ học từ sách!

Sinh viên nên chọn cách học và môn học yêu thích trước rồi sau đó phát triển hết khả năng. Chỉ vùi đầu vào học như cái máy thì chẳng khác nào robot. Tôi thấy cách học đó không hoàn hảo và không hợp cho đời sinh viên", giáo sư gốc Việt chia sẻ quan điểm về việc học.

Ngồi học không quá 1 tiếng và bảng thành tích khủng

Giá trị của thời sinh viên sôi nổi và giàu khát vọng mà Hồ Nhật Nam có tại các trường đại học hàng đầu thế giới, được gói gọn trong quan điểm: "Học để hiểu chứ không phải học chỉ để nhớ!".

Trong những năm tháng ấy, anh thường vào lớp để nghe thầy giảng bài rồi tiếp thu những ý chính của bài giảng. Anh thích khám phá sự mới mẻ của chúng hơn là cố gắng ghi nhớ nó.

Chàng GS.TS. gốc Việt bộc bạch: "Tôi ít khi nào ngồi học trên 1 tiếng. Tác giả của những cuốn sách hay luôn muốn bạn trẻ hãy đọc và hiểu nó, suy nghĩ, áp dụng và sáng tạo thêm. Tôi học bằng lý trí và cả sự khoa học".

"Thời ấy, tôi dành nhiều thời gian để bơi lội và trượt tuyết hơn ngồi học đến 4:30 sáng. Hiện tại, cũng như bao nhiêu vị giáo sư khác, tôi không ngừng học hỏi, nghiên cứu và sáng tạo", Hồ Nhật Nam nói thêm.

GS.TS. Harvard Hồ Nhật Nam: Tôi ít khi nào ngồi học trên 1 tiếng - Ảnh 3.

Vẻ ngoài năng động, trẻ trung của nhà khoa học Mỹ gốc Việt

Sinh ra tại Sài Gòn và lớn lên ở California, Hồ Nhật Nam luôn được mẹ khuyến khích trau dồi vốn từ tiếng Việt. Nó như cách để anh và gia đình thể hiện tình yêu với quê hương.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Creighton, anh tiến thẳng lên bậc tiến sĩ. Hồ Nhật Nam được sự hướng dẫn của hai tiến sĩ từng đạt giải Nobel là William Lipscomb và Arieh Warshel. Hiện nay, anh là giáo sư tại Đại học California (Mỹ).

Nhật Nam là thành viên của nhiều hiệp hội lớn như hiệp hội Hoá Mỹ, hiệp hội nghiên cứu Mỹ. Anh được vinh danh trong Quốc Hội Mỹ về Lãnh đạo khoa học.

Vị giáo sư trẻ đang mơ về giải Nobel đầu tiên cho người Việt.

Là người được hưởng thụ nhiều tinh hoa giáo dục Mỹ nhưng Hồ Nhật Nam luôn hướng về quê hương. Trăn trở lớn nhất của anh là làm sao để trình độ phát triển khoa học - kỹ thuật của Việt Nam đuổi kịp các nước trong khu vực.

Nhà tuyển dụng Mỹ quan tâm đến kinh nghiệm và kỹ năng làm việc hơn điểm số hạng A

Trương Phạm Hoài Chung, Thạc sĩ Giáo dục Đại học Harvard, cho biết: "Tại Harvard, chỉ khoảng 5% học sinh của trường cần làm việc qua đêm. Cảnh tượng sinh viên học tới 4:30 sáng chỉ có thể đúng với tuần trước khi thi, khi các bạn phải ôn tập khá nhiều. Ở Harvard, giáo sư ra bài tập nhiều nhưng họ không kiểm tra hết. Bạn nào thật sự đam mê, hứng thú thì sẽ tự dành thời gian tìm hiểu thêm. Nếu mình học ở mức cơ bản, thì không cần thức tới 4 giờ sáng.

Mục tiêu của các sinh viên khi học ở các trường đại học hàng đầu thế giới cuối cùng vẫn là có việc làm. Các nhà tuyển dụng Mỹ rất quan tâm đến việc bạn có kinh nghiệm làm việc ở các công ty lớn hay không? Bạn có khả năng giải quyết vấn đề không? Học tập không phải là cách duy nhất để có được điều đó.

Để tương lai có nhiều cơ hội, bạn trẻ cần tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, tạo mối quan hệ với nhiều người cũng như luyện các kỹ năng mềm để xin được suất thực tập ở những công ty lớn".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày