Những ngày qua, mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến, quan điểm cho rằng sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1 bộ Cánh diều (do GS. Nguyễn Minh Thuyết chủ biên), có sử dụng nhiều từ ngữ khó hiểu, từ địa phương, trích những câu chuyện thiếu tính giáo dục đối với trẻ nhỏ.
Trong đó, một số tài khoản trên mạng xã hội còn đăng tải, chia sẻ hình ảnh bài học số 4, với hình và dòng chữ "bốn cái làn". Đọc được thông tin này, không ít người dùng mạng xã hội bày tỏ bức xúc, cho rằng sách sử dụng nội dung như trên là không phù hợp để dạy trẻ, dễ bị suy diễn.
Trao đổi với PV vào chiều 11/10, Giáo sư Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt khẳng định, không có bài học với nội dung "bốn cái làn" trong tất cả các sách giáo khoa lớp 1.
Ông nói, bản thân đang giữ các bộ sách giáo, đã kiểm tra từng quyển, từng trang nhưng không có một trang sách nào có ví dụ về "bốn cái làn"
"Tôi đã hỏi Hội đồng thẩm định SGK Toán và được trả lời không có ví dụ này. Tôi cũng kiểm tra cả 5 bộ SGK Tiếng Việt 1 cũng không có ví dụ như vậy. Đây là hành vi dựng chuyện, bịa đặt, đưa sai sự thật làm ảnh hưởng đến sách Tiếng Việt", GS Sử nhấn mạnh.
Ông nêu rõ, không bao giờ có chuyện Hội đồng thẩm định lại để lọt những nội dung suy diễn không hay như vậy vào SGK Tiếng Việt lớp 1. Đồng thời, nếu có nội dung nào còn "gợn", Hội đồng sẽ tra cứu, tìm hiểu thật kỹ càng.
Liên quan đến các ý kiến nêu sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1 bộ Cánh diều, sử dụng từ ngữ không thông dụng, GS. Trần Đình Sử cho rằng, những từ như "gà nhí", "gà nhép", "chả", "tợp" đều có trong cuốn Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, nên không thể nói không thông dụng.
Với những từ như "chén", "mõm", "tợp", ông cho hay, không dạy trẻ nói năng thô tục như một số người phản ánh.
Cụ thể, một bài tập đọc trong Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, bộ sách Cánh diều với tên “Cua, cò và đàn cá (1)”, trong đó có câu “Thế là cò dần chén hết đàn cá”.
GS Sử nói, dùng từ "chén" ở đây, chỉ về việc ăn nhưng với những người ăn thô tục. Với bối cảnh của bài học này, dùng từ "chén" là phù hợp, không sai.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, dù tiêu đề bài tập đọc là "Cua, cò và đàn cá (1)" nhưng nội dung lại không hề thấy "cua", Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt giải thích, sẽ có ở bài tập đọc sau.
Theo ông, truyện "Cua, cò và đàn cá" được chia làm 2 phần trong sách và được mở ngoặc đơn đánh số (1) và (2) thể hiện cho 2 phần.
Với mục đích không để học sinh lớp 1 đọc quá dài nên các tác giả đã chia ra. Đây là bài phần 1 và còn tiếp tục nội dung ở bài phần 2. Tuy nhiên, bài học còn có sự hướng dẫn và giảng dạy của giáo viên. Giáo viên sẽ giải thích cho học sinh trong quá trình học tập.
GS Sử khẳng định trong quá trình thẩm định, Hội đồng đã xem xét từng trang, bài, câu hỏi, từng câu chữ, tranh vẽ và không có chuyện đọc lướt, đọc qua loa như một số người nêu.