GS Phạm Gia Khải, người gắn bó hơn 60 năm với BV Bạch Mai: "Tôi rất buồn vì nhiều người đi quá"

Hoàng Đan, Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 22:20 17/04/2021

GS Phạm Gia Khải cho rằng, khi chuyển từ Giám đốc BV Tim Hà Nội về làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Nguyễn Quang Tuấn không thành công vì "từ chỗ ngòi ra biển nên đã bị ngợp".

GS Phạm Gia Khải, người gắn bó hơn 60 năm với BV Bạch Mai: Tôi rất buồn vì nhiều người đi quá - Ảnh 1.

GS Phạm Gia Khải

"Tôi rất buồn vì nhiều người đi quá và cách giải thích của bệnh viện cũng không hợp lý"

Trao đổi với PV vào chiều 17/4, GS, Anh hùng lao động Phạm Gia Khải (Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, người gắn bó hơn 60 năm với Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi thấy nhiều người, trong đó có các bác sĩ, nhân lực chất lượng cao của bệnh viện xin nghỉ việc, bản thân ông thấy rất buồn.

"Tôi rất buồn vì nhiều người đi quá và cách giải thích của bệnh viện cũng không hợp lý, nhất là nói 221 người nghỉ nhưng đã tuyển lại 506 người.

Việc giải thích như vậy là không hợp lý, hai con số hoàn toàn khác nhau. Khi họ giải thích như vậy, tôi không nói chuyện, kể cả với anh Tuấn.

Có thể một số người xin nghỉ việc vì kinh tế song không thể nhiều như vậy và tôi cho rằng, ở đây, có lý do khác là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai không còn thân với mọi người", GS Khải nói.

GS Khải cho hay, ông là thầy giáo dạy của GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và rất kỳ vọng học trò của mình khi về làm lãnh đạo sẽ đưa bệnh viện phát triển vượt bậc bởi ông Tuấn thông minh, quyết đoán, làm được nhiều việc tốt. Tuy nhiên, thực tế, khi chuyển từ Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội về làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Tuấn không thành công vì từ "chỗ ở ngòi ra biển nên đã bị ngợp".

"Ở Bạch Mai giống như 'biển' vậy, có rất nhiều khoa và mỗi khoa lại có một đặc tính riêng.

Nhưng anh Tuấn đã có một sai lầm khi mang tư tưởng, ứng xử không đúng, coi nhân viên, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có một số người có kinh nghiệm, như đối tượng cần phải cải tạo, thay đổi cách nghĩ.

Việc thay đổi cách nghĩ của người khác không thể áp đặt, võ đoán mà phải tìm hiểu rõ, nhiều khi uốn theo người ta.

Thêm vào đó, trong cách làm việc của anh Tuấn không nói, trao đổi với người khác và không muốn giải quyết cũng như cho rằng, ai kém thì đi, có người khác thay nên các quyết định bị nhiều người kêu mang tính chất độc đoán.

Do đó, nhân viên họ không thích và nhiều người bỏ đi", GS Khải nêu và chỉ rõ, chính kết quả khảo sát của Bộ Y tế, với nhiều ý kiến của nhân viên, tỷ lệ hài lòng với bệnh viện, ban lãnh đạo thấp cũng thể hiện một phần điều đó.

GS Phạm Gia Khải, người gắn bó hơn 60 năm với BV Bạch Mai: Tôi rất buồn vì nhiều người đi quá - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quang Tuấn

GS Khải chia sẻ thêm, trước đây, những Giám đốc tiền nhiệm khi có các quyết sách quan trọng, nhất là về nhân sự đều tham vấn ý kiến của các chuyên gia lão thành, trong đó có ông.

Tuy nhiên, đối với ông Tuấn thì lại chỉ trao đổi với một số người khác còn những người như ông thì không được tham vấn.

"Đối với tôi, GS Tuấn vẫn tôn trọng nhưng dường như với quá khứ của bệnh viện lại không được vị Giám đốc này tôn trọng", GS Khải chia sẻ thêm.

GS Phạm Gia Khải: Cần sự vào cuộc, xem xét của tổ chức, cụ thể là Bộ Y tế

Trao đổi với báo chí, đại diện Bệnh viện Bạch Mai giải thích cho việc hơn 200 người nghỉ việc là do sắp xếp lại, xóa bỏ đơn vị dịch vụ, nhà tang lễ, giảm số nhà thuốc từ 10 xuống còn 5, thu nhập giảm đến 30%, thậm chí hơn, áp lực do dịch bệnh...

GS Phạm Gia Khải cho rằng, giải thích của bệnh viện về lý do nghỉ việc nhiều như vậy là không hợp lý, bởi từ khi xảy ra dịch Covid-19, tất cả các bệnh viện đều khó khăn chứ không riêng Bạch Mai.

"Nhưng nhiều người, trong đó, có những bác sĩ từng làm ở Bạch Mai ra đi đâu có phải kém và cũng đâu đến nỗi khó khăn, cần tiền đến thế.

Tôi ở trong Bạch Mai tôi biết, thực tế họ không thích cách quản lý của Giám đốc, ê-kíp lãnh đạo bệnh viện mới nên ra đi", GS Khải nêu.

Một số ý kiến cho rằng, Bệnh viện Bạch Mai, theo năm tháng nay đã trở nên "cũ kỹ" trên nhiều phương diện: cấu trúc hạ tầng, cách quản lý và cả trong cách nghĩ, cách làm nên việc thay đổi, tái cấu trúc, chuyển mô hình của ông Tuấn là cần thiết để Bạch Mai mãi là bệnh viện đầu ngành của Việt Nam, sánh tầm quốc tế.

Nhận định về ý kiến này, GS Khải cho rằng, nếu nhìn từ bên ngoài vào đúng là cần phải làm như vậy nhưng nhìn từ trong ra không phải thế. Bởi, đời sống nhân viên của bệnh viện hiện đang rất khó khăn, khổ.

"Bệnh nhân ít nên bệnh viện quang đãng hơn là đúng nhưng có bệnh viện nào mà lại không có nhà ăn, nhà tang lễ không? Hiện tại chỉ Bạch Mai đang như vậy. Chưa kể, còn phá, chặt bỏ nhiều thứ khác mà tôi thấy không tán thành được", GS Khải bày tỏ.

Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cũng chỉ rõ, đối với câu chuyện hiện nay ở Bệnh viện Bạch Mai, cần sự vào cuộc, xem xét của tổ chức, cụ thể là Bộ Y tế.

"Với câu chuyện nhiều người nghỉ ở Bạch Mai như vừa qua, nếu tổ chức cứ làm lơ thì sẽ còn nhiều vấn đề về sau không tốt cho bệnh viện.

Với người lãnh đạo, đứng đầu bệnh viện là anh Tuấn sẽ khó có thể thay đổi nhưng nếu không thay đổi cách điều hành, cách làm của mình mà vẫn giữ nguyên quan điểm, không chịu giải quyết thì tôi lo Bạch Mai sẽ đi xuống", GS Khải chia sẻ thêm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày