Hiện nay, vẫn còn nhiều bộ tộc sống hoang dã, gần gũi với thiên nhiên, thu hút sự tò mò của thế giới hiện đại. Một trong số đó là người Jarawa sống trong rừng sâu của đảo Andama, thuộc lãnh thổ Ấn Độ.
Tổ tiên của họ đã sống trên đảo từ 55.000 năm trước, tức là trước cả Kim tự tháp Ai Cập. Họ cũng may mắn sống sót qua thảm họa sóng thần vào năm 2004.
Ấy thế mà chỉ trong 10 năm nữa, cái tên bộ tộc Jarawa có thể bị lãng quên mãi mãi. Hiện nay, dân số của tộc còn khoảng 400 người. Điều gì đã xảy ra?
Tộc Jarawa có đáng sợ như lời đồn?
Cái tên "Jarawa" cũng không phải do bộ lạc này nghĩ ra. Mà do bộ lạc cổ Aka-Bae đối địch với họ trong quá khứ đặt cho. "Jarawa" trong tiếng Aka-Bae vừa có nghĩa hiếu chiến vừa mang nghĩa "người ngoài".
Cái tên ấy không hẳn là hư danh. Từ xưa, người Jarawa đã biết dùng lửa trong sinh hoạt và chiến đấu bảo vệ lãnh thổ.
Các thủy thủ từng ghé thăm đảo Andaman ngày trước cũng đồn rằng, tộc Jarawa ăn thịt người! Chuyện này thực hư vẫn chưa rõ. Nhưng Marco Polo - nhà thám hiểm nổi tiếng người Ý vào thế kỉ 13, từng chu du quanh châu Á suốt 24 năm, cũng nói về tộc Jarawa rằng: "Họ sưu tầm những cái đầu lâu chó"!
Tượng người Jarawa cổ
Tuy nhiên, năm 2017, nhờ sự giúp đỡ của một nhà xã hội học Ấn Độ, hai nhà làm phim tài liệu người Pháp, Alexandre Dereims và Claire Beilvert đã ghi nhận nhiều góc nhìn mới mẻ về người Jarawa.
Lối sống của họ suốt mấy ngàn năm vẫn không khác nhiều thời kỳ Đồ đá.
Từ chuyện săn bắn, chuẩn bị thức ăn, nơi ở... đến việc dùng lá, cây cỏ để che thân đều phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Cuộc sống vì vậy khá bấp bênh.
Thế nhưng, niềm vui vẫn luôn hiện hữu trên khuôn mặt của người Jarawa - những khuôn mặt được vẽ kĩ càng với họa tiết đặc trưng.
Một người phụ nữ trẻ bày tỏ: "Chúng tôi hát khi vui. Và lúc nào tôi cũng vui vẻ hết". Một nam thanh niên khác thì nói: "Chúng tôi sống thầm lặng và vui vẻ trong rừng. Rừng có tất cả những gì chúng tôi cần: cây trĩu quả và hoa nở rất đẹp".
Nhưng thế giới đang thay đổi quá nhanh. Hiện đại hóa diễn ra khắp mọi nơi, kể cả ở những cánh rừng xa xôi, biệt lập trên đảo Andaman.
Bắt đầu từ nửa sau thế kỉ 20 đến nay, từng bước người Jarawa đã quen thuộc với vật dụng của thế giới bên ngoài như cây kéo để cắt tóc, quần áo để mặc thay vì lá cây, và biết dùng gương khi trang điểm.
Hay một ví dụ khác, nếu hàng ngàn năm nay người Jarawa vẫn thắp nến làm từ sáp ong thiên nhiên, thì nay họ đã có đèn pin, đèn flash hiện đại. Đáng buồn là họ có được chúng hầu hết thông qua nhóm săn trộm trái phép. Và mặt trái của việc này đã nhanh chóng hiện rõ.
Thợ săn trái phép luôn thẳng tay bắn lợn rừng trên đường đi, khiến nguồn thức ăn của người Jarawa trở nên khan hiếm.
Vì thế, thổ dân phải làm 1 chuyện mà trước đây chưa từng làm: săn nai giết thịt! Đây là 1 quyết định khó khăn, và nữ giới trong bộ tộc vẫn từ chối món thịt này. Họ vẫn chỉ ăn cá như hàng ngàn năm trước. Thức ăn đã ít ỏi hơn, nhưng có 1 loại đồ uống mới mà thổ dân cực kỳ ghét bỏ - bia rượu!
Sau nhiều mâu thuẫn giữa bộ lạc Jarawa với thợ săn trái phép, các cuộc đụng độ đã diễn ra. Một bên với súng trường, một bên với cung tên và đã có thương vong.
Bên cạnh vấn đề thợ săn, người Jarawa còn đối diện với những mối nguy khác. Bắt đầu từ những năm 1970, một con đường huyết mạch đã được xây dựng, nối các thị trấn nhỏ rải rác với thị trấn trung tâm đảo Andaman.
Đường màu đỏ là đường chính xuyên đảo. Phần màu vàng là nơi ở của người Jarawa.
Tuyến đường này ban đầu chỉ để phân phối hàng hóa, được quản lí bởi cảnh sát Ấn Độ. Và người chở hàng luôn bị giám sát, hạn chế cho ra khỏi xe.
Tuy vậy, ngày nay đã có xe buýt chạy trên đường này cùng với khách du lịch khắp nơi. Từ cánh cửa sổ, họ dùng ống nhòm để nhìm ngó, máy ảnh để quay phim, chỉ trỏ những người Jarawa bắt gặp trên đường.
Trên các diễn đàn, trang web du lịch, trên Youtube, "ngắm thổ dân" đã dần lan truyền như 1 hình thức du lịch.
Điều này khiến truyền thông quốc tế phẫn nộ. Họ liên tưởng đến những "human zoo" hay "human safari" tàn bạo trong quá khứ. Ở châu Âu, từng có những "sở thú người", chủ yếu là người da màu bị lọc lừa hay dùng vũ lực ép buộc đến sống trong những chiếc lồng sắt, hàng rào gỗ, là mục tiêu "tham quan" của du khách!
Sau nhiều lần đấu tranh, mãi đến tận thập niên 1950, các mô hình "sở thú người" phi nhân đạo mới chấm dứt. Vậy mà bây giờ, một hình thức của nó lại xảy ra trên đảo Andaman với tộc Jarawa bản địa.
Trên tuyến đường xuyên đảo, đã có nhiều biển cấm: Cấm quay phim, chụp hình. Cấm đưa thức ăn. Cấm tương tác. Cấm can thiệp vào cuộc sống của người Jarawa...
Nhưng du khách hiếu kỳ vẫn làm lơ mọi điều trên, không biết rằng chúng đang đe dọa lối sống và cả sự tồn tại của người Jarawa.
Theo nhà làm phim Alexandre Dereims, nếu sự can thiệp của thế giới hiện đại tiếp tục diễn ra thô bạo, 400 người Jarawa còn lại sẽ biến mất. Họ chết vì đói khi những cánh rừng bị cắt xẻ. Hoặc họ hòa lẫn vào các dân tộc khác trong thị trấn Port Blair – trung tâm đảo Andaman.
Dù "kịch bản" thứ hai nghe không quá nghiêm trọng, nhưng thực ra cũng nghiệt ngã không kém. Vắng người Jarawa đồng nghĩa vắng đi "người bảo hộ" của cánh rừng ngàn năm.
Đồng thời, nhóm người bản địa này bị đẩy vào tình thế không học vấn, không có nguồn tài chính, dẫn đến cuộc sống càng bấp bênh hơn.
Chính phủ cũng như nhiều tổ chức phi lợi nhuận đang nỗ lực giải quyết vấn đề trên. Còn mỗi người chúng ta nên tôn trọng hơn những nền văn hóa bản địa nhé. Hãy có một cái nhìn đúng đắn về các bộ lạc hoang dã ít ỏi còn lại của thế giới.
Nguồn: Bored Panda