Dịch Covid -19 ở thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp trong khi đó ở Việt Nam, số ca mắc mới trong hơn 2 tuần giảm đáng kể. Tuy vậy, có thể nói đại dịch này tác động rất mạnh đến nền kinh tế của Việt Nam.
Dịch Covid -19 ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nền kinh tế của Việt Nam.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Trọng Thủy - chuyên gia nông nghiệp cho biết, tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới hiện đang giảm tốc, rồi lại bị dịch Covid- 19, nên mức độ giảm tốc có thể cao hơn và tác động mạnh mẽ đến tổng cầu kinh tế thế giới, các đối tác thương mại và đầu tư của Việt Nam.
Mặt khác, các chuỗi sản xuất bị chặn bởi những kết nối, giao thương để tạm thời chống dịch. Trong khi đó, rất nhiều lĩnh vực của Việt Nam đều phụ thuộc đầu vào trong chuỗi cung ứng đó.
Trong nước, hàng ngàn doanh nghiệp dừng hoạt động, thậm chí là phá sản, nhiều lĩnh vực kinh tế như hàng không, du lịch, vận tải bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Hoàng Trọng Thủy - Nguyên Tổng Biên Tập tạp chí Nông thôn mới. Ảnh VOV.
Bên cạnh những chính sách, chỉ đạo của Nhà nước nhằm ngăn chặn, kiểm soát bệnh dịch, tâm lý hoang mang lo sợ là điều không thể tránh khỏi. Điều này cũng dẫn đến những thay đổi lớn trong thói quen và hành vi tiêu dùng hàng ngày.
Tuy nhiên theo ông Thủy tác động ngắn hạn đến nền kinh tế Việt Nam có thể lớn nhưng không kéo dài nếu như dịch bệnh được kiềm chế nhanh chóng, tương tự các đợt dịch bệnh trước đây.
Trong mảng màu u ám của nền kinh tế, ông Thủy cho hay hiện vẫn còn một số ngành nghề, sản phẩm made in Việt Nam gây ấn tượng trong mùa dịch vừa qua.
Theo ông Thủy, mặt hàng khẩu trang y tế của Việt Nam gây ấn tượng, bởi vừa cung cấp cho công cuộc chống dịch vừa có đơn đặt hàng từ nước ngoài. Ảnh internet.
"Do dịch Covid -19, các ngành xuất khẩu của Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều. Bởi phần lớn những quốc gia nhập khẩu hàng Việt Nam đều đang có dịch và họ đều tạm ngừng hết.
Tuy nhiên vẫn còn có một số mặt hàng Việt Nam gây ấn tượng trong thời gian vừa qua.
Rõ nhận thấy nhất là mặt hàng sản xuất khẩu trang, nước sát khuẩn mang thương hiệu Việt Nam. Khẩu trang, thuốc sát trùng Việt tăng lên 25% đến 30%. Sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế là một ví dụ điển hình của ngành dệt may khi trong thời kỳ hậu bệnh dịch các nước nhiều khả năng sẽ tăng cường các kho hàng dự trữ y tế của mình.
Một mặt vừa sản xuất cung ứng cho công tác chống dịch trong nước, mặt khác lại có nhiều đối tác đặt mua hàng trăm triệu khẩu trang y tế với giá hàng chục triệu USD. Ngoài ra có ngành thủy sản còn vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng, dù hơi chậm tý không đáng kể. Hàng năm tốc độ tăng trưởng từ 7 đến 8 %, hiện tại vẫn giữ được 6%.
Trong nước thì có các mặt hàng đồ ăn nhanh, các mặt hàng nhu yếu phẩm như nước mắm, tương ớt mỳ ăn liền của Masan", ông Thủy nói.
Ngành thủy sản còn vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng. Ảnh internet.
Theo ông Thủy, trong thời kỳ hậu Covid-19, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài, một khi thế giới chưa khống chế hoàn toàn được bệnh dịch.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động thích ứng dịch chuyển sản xuất trong thời kỳ khó khăn. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp chỉ cần có một mục tiêu duy nhất, đó là phải tồn tại.
Hiện nay, hầu hết các nước vẫn đang tập trung nguồn lực cho khoanh vùng, giãn cách xã hội và dập dịch Covid-19. Vì vậy, hướng mạnh và lấy thị trường trong nước để phục vụ người tiêu dùng là thượng sách.
Việc Chính phủ bắt tay ngay vào việc phục hồi kinh tế sau khi tạm khống chế được dịch bệnh là việc làm cần thiết và đúng thời điểm.