Giống Singapore, Indonesia xây dựng lộ trình sống chung với Covid-19

Hương Trà, Theo VOV 09:21 11/08/2021

Giống như Singapore và một số quốc gia khác, Indonesia - tâm dịch của khu vực đang chuẩn bị lộ trình sống chung sống với đại dịch Covid-19, dự tính sẽ còn tồn tại trong nhiều năm tới.

Theo chỉ đạo của Tổng thống Joko Widodo, Bộ Y tế Indonesia đã bắt tay xây dựng lộ trình nhằm “giữ cho các hoạt động diễn ra bình thường với một nền kinh tế an toàn hơn” nếu dịch bệnh còn kéo dài trong nhiều năm. Bộ trưởng Y tế Indonesia, ông Budi Gunadi Sadikin cho biết, chính phủ sẽ tiến hành một dự án thử nghiệm trong sáu lĩnh vực hoạt động cộng đồng, bao gồm trung tâm thương mại, văn phòng và công nghiệp, giao thông vận tải, du lịch, tôn giáo và giáo dục. Theo đó, các hoạt động trên sẽ áp dụng các giao thức y tế và hoạt động dựa trên nền tảng kỹ thuật số.

Theo Bộ trưởng Budi, hiện có hai ứng dụng sức khỏe là CareProtect và PeduliLindung sẽ được phát triển trở thành công cụ quan trọng để sống chung với Covid-19. Đặc biệt, chương trình thí điểm đề cao giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine. Theo đó, những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 được tích hợp dữ liệu trong ứng dụng trên thì sẽ được tham gia các hoạt động với quy trình lỏng lẻo hơn so với những người chưa tiêm chủng. Hiện Indonesia đã bắt đầu triển khai hệ thống này khi mở cửa thử nghiệm các trung tâm mua sắm ở Jakarta, Bandung, Surabaya và Semarang.

Ngoài việc xây dựng lộ trình để cùng tồn tại với Covid-19, chính phủ cũng sẽ tiếp tục tăng cường xét nghiệm và truy vết thông qua việc phối hợp với quân đội và cảnh sát quốc gia. Quốc gia với số dân đông thứ 4 thế giới kỳ vọng với nỗ lực cải thiện quy trình y tế bằng cách sử dụng công nghệ thông tin, tăng cường xét nghiệm truy vết, sự cân bằng giữa nền kinh tế và sức khỏe dần dần được thực hiện hóa, mặt khác an ninh quốc gia cũng sẽ được duy trì, đảm bảo.

Nhà dịch tễ học từ Đại học Griffith Australia, Dicky Budiman, cho rằng Indonesia phải chuẩn bị ngay lộ trình chung sống với Covid-19. Theo ông, các nước phát triển như Australia hay Singapore đã làm được điều đó. Bởi Covid-19 sẽ trở thành căn bệnh đặc hữu và có thể sẽ kéo dài từ 5-10 năm tới. Ông cho rằng, hiện Indonesia phải dùng bài học từ nhiều đợt bùng phát dịch bệnh trước kia để xây dựng một lộ trình phù hợp .

Theo ông Dicky, trong tương lai, thế giới sẽ áp dụng hộ chiếu vaccine. Ngoài ra, các nước phát triển có xu hướng xác định loại vaccine hiệu quả, đặc biệt trước các biến thể mới.

Nhà dịch tễ học này đề xuất chính phủ xây dựng lộ trình theo từng giai đoạn, phù hợp với tình hình tiêm chủng ở từng khu vực.

Hiện nay Indonesia vẫn là tâm dịch châu Á với số ca mắc và tử vong do Covid-19 vẫn tăng cao. Tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia ghi nhận hơn 3,7 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 110.000 người đã tử vong.

Bộ Y tế nước này đang mở các đợt tiêm chủng đại trà và hợp tác với nhiều thành phần khác nhau của xã hội để tăng tốc tiêm chủng. Chính phủ Indonesia tiếp tục nỗ lực đảm bảo nguồn vaccine thông qua các chương trình đa phương hoặc song phương để duy trì tỷ lệ tiêm chủng phù hợp. Hiện có 24.212.024 người Indonesia được tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19, đạt 11,63% mục tiêu đề ra.