Ngày 18/8, bà Paetongtarn Shinawatra đã chính thức nhậm chức Thủ tướng Thái Lan sau lễ đón nhận Sắc lệnh Hoàng gia được tổ chức trọng thể tại Bangkok với sự tham dự của hàng trăm quan chức, chính trị gia hàng đầu.
Tại buổi lễ, sau khi thực hiện các nghi thức Hoàng gia, bà Paetongtarn đã cam kết trong phát biểu tuyên thệ nhậm chức: "Với chức trách là Thủ tướng, tôi cảm thấy có trách nhiệm to lớn trong việc đưa đất nước Thái Lan tiến lên phía trước, vượt qua các khó khăn, giải quyết các vấn đề nóng, giải quyết vấn đề trong cuộc sống để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thái Lan".
Là người chưa có nhiều kinh nghiệm chính trị và điều hành, lên nắm quyền trong bối cảnh kinh tế Thái Lan đang chật vật khôi phục sau đại dịch COVID-19 và sự ủng hộ dành cho đảng Pheu Thai có dấu hiệu suy giảm, bà Paetongtarn sẽ phải chứng minh bản thân có đầy đủ phẩm chất lãnh đạo để dẫn dắt đất nước vượt qua mọi chông gai, đặc biệt là những vấn đề kinh tế.
Những người chỉ trích đã tuyên bố sẽ xem xét kỹ lưỡng chương trình ví điện tử của đảng Pheu Thai, cũng như Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra về cổ phần của bà trong một công ty đã mua một lô đất tu viện gây tranh cãi ở Pathum Thani, nơi có Câu lạc bộ Golf Alpine và một khu phức hợp dân cư.
"Pheu Thai đã cam kết khoản tiền 10.000 Baht (ví điện tử) sẽ được phân phối ngay lập tức mà không cần phải vay tiền. Thế nhưng, gần 1 năm đã trôi qua, công chúng vẫn chưa nhận được một Baht nào từ chương trình này", ông Suwit Thongprasert - một nhà hoạt động - bức xúc.
Chương trình phát tiền cho dân được cựu Thủ tướng Srettha đưa ra từ tháng 9/2023 nhưng từng bị trì hoãn từ tháng 2 sang tháng 4, sau đó lùi về quý IV năm nay.
Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia (NACC) trước đó đã cảnh báo chính phủ không nên thực hiện kế hoạch này, viện dẫn nhiều cạm bẫy pháp lý và nguy cơ tham nhũng.
Bà Paetongtarn Shinawatra trong lễ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Thái Lan hôm 18/8 (Ảnh: AFP)
Trong khi đó, ông Chao Meekhuad, cựu phó phát ngôn viên của đảng Dân chủ, cũng đã cân nhắc về tranh cãi liên quan đến vấn đề đất đai ở Pathum Thani, nói rằng bà Paetongtarn nên trả lại mảnh đất cho ngôi đền để tránh bất kỳ tranh chấp pháp lý nào có thể gây nguy hiểm cho vị trí lãnh đạo của bà.
Báo Bangkok Post đánh giá con đường phía trước của bà Paetongtarn có thể đầy rẫy những thử thách, đòi hỏi bà phải thận trọng trong từng bước đi. Đặc biệt, một trong những thách thức đầu tiên là việc cha bà có khả năng sẽ can thiệp vào quá trình điều hành đất nước.
Hiến pháp Thái Lan quy định sự can thiệp chính trị có thể sẽ cấu thành hành vi vi phạm Đạo luật Đảng phái chính trị Thái Lan. Theo đó, bất cứ bước đi sai lầm nào của bà Paetongtarn và cha mình có thể sẽ khiến bà phải chịu số phận tương tự như cựu Thủ tướng Srettha Thavisin hay người cô ruột - cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Bà sẽ phải vô cùng thận trọng để không đi vào vết xe đổ của những người tiền nhiệm.
Trên mạng xã hội X ngày 20/8, bà Yingluck Shinawatra đã đăng tải thông điệp chúc mừng cháu gái Paetongtarn Shinawatra vừa nhậm chức Thủ tướng Thái Lan.
Bà Yingluck, người đang sống lưu vong, nói rằng bà tự hào về cháu gái vì đã quyết định đảm nhiệm vị trí người đứng đầu chính phủ Thái Lan. Tuy nhiên, bà Yingluck cũng nhắc nhở cháu gái rằng người đảm nhận vai trò này phải đối mặt với cả áp lực và kỳ vọng lớn lao. Dù vậy, bà Yingluck tin rằng tân Thủ tướng Paetongtarn sẽ vượt qua mọi khó khăn và thành công trên cương vị mới.