Không một ai có thể phủ nhận lợi thế của công nghệ thông tin. Ở thời đại chúng ta đang sống, chỉ cần ngồi một chỗ, với vài lần lướt tay đã có thể biết được những sự kiện đang xảy ra cách ta nửa vòng trái đất, đặt mua một món hàng hay nói chuyện với một người bạn ở rất xa.
Càng sử dụng, ta càng bị mê hoặc bởi khả năng vô hạn của nó. Thế nhưng, song song với những ưu điểm vượt trội vẫn luôn có góc khuất ít ai thấy. Và một trong số đó chính là cách chúng ta nhìn nhận mọi thứ có thể bị bóp méo bởi những gì xuất hiện quá nhiều trên các phương tiện truyền thông.
Đã có nhiều nghiên cứu khoa học về việc tại sao con người lại sợ chú hề và búp bê. Trong đó có đề cập rất nhiều đến một hiệu ứng tâm lý mang tên "Thung lũng kỳ lạ".
Hiệu ứng này cho thấy những thứ giống người nhưng không phải là người sẽ khiến con người ta cảm thấy lo sợ, vì chúng ta tiến hóa để trở nên như vậy.
Cứ như thế này thì ai chả sợ
Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của câu chuyện. Sự thật là mọi người không sợ các chú hề mà truyền thông, văn hóa đại chúng – nhất là các bộ phim đã khiến họ sợ hãi. Nỗi sợ thông qua các sản phẩm giải trí như được "quảng cáo" vậy, và một khi bạn nghe một điều gì quá nhiều lần, bạn sẽ tin nó thật.
Cứ nghĩ đến AI, phần đông chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến những bộ phim như IT, Star Trek, Kẻ hủy diệt, người hai trăm tuổi… trong đó người máy được xây dựng với khả năng suy nghĩ, tư duy, tự chế tạo ra các người máy khác, thậm chí có cả cảm xúc và biết "hack" cả hệ điều hành của chính mình.
Người máy trong phim còn tỏ ra vượt trội so với con người như không bao giờ nhầm lẫn, không biết đau, bộ nhớ thuộc hàng "khủng" lại còn biết sáng tạo, suy nghĩ để tiến hóa. Đó là lí do trí tuệ nhân tạo hoàn toàn có khả năng áp chế con người. Một số người nổi tiếng như Elon Musk, Bill Gates… cũng đồng tình với giả thuyết này lại càng làm mọi người… phát hoảng.
Tuy nhiên, nếu nói rằng điều này sẽ xảy ra sớm thôi – đặc biệt là sau khi cả thế giới phải bất ngờ với sự tinh xảo của Sophia hay kiện tướng cờ vua thế giới đã chịu thua trước siêu máy tính Deep Blue – thì hơi quá. Con người còn phải đi chặng đường rất dài nếu muốn máy móc hoạt động độc lập mà không cần sự chỉ huy của ta.
Không ít người tiêu dùng có thói quen thẳng tay bỏ đi những vật phẩm đã quá hạn sử dụng, bất cần biết liệu chúng đã hỏng thật hay chưa.
Với một số loại mặt hàng (thường là thực phẩm), ngày ghi trên bao bì chưa hẳn đã phải là "ngày tử" của chúng. Con số này chỉ thông báo cho bạn biết rằng: sản phẩm được sử dụng tốt nhất trước ngày này, từ sau trở đi giá trị dinh dưỡng sẽ bị giảm.
Do vậy, trước khi bỏ đi một thứ gì đó – như đồ ăn chẳng hạn, hãy tự mình kiểm tra xem chúng đã hỏng thật hay chưa. Hãy thử kiểm tra những loại thực phẩm vẫn sử dụng được sau khi hết hạn tại ĐÂY.
Bức xạ của lò vi sóng không gây ra ung thư, nó chỉ làm nóng thức ăn của bạn thôi. Mặc dù mới nghe đến từ "bức xạ" là đã thấy nguy hiểm rồi nhưng thật ra chỉ một vài loại bức xạ mới có khả năng gây ung thư. Thực tế là có rất nhiều loại bức xạ khác nhau, các tia bức xạ của lò vi sóng lại có cường độ rất yếu nên cũng đừng quá lo lắng.
Mật độ bức xạ của lò vi sóng cũng như nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người đã được kết luận là rất thấp và trong phạm vi an toàn đối với người sử dụng. Hơn nữa, thiết kế của lò vi sóng ngày nay đã được nghiên cứu kĩ càng để hạn chế nhất tác động xấu của các sóng điện từ.
Chỉ cần sử dụng theo đúng hướng dẫn và không dùng lò đã quá cũ là chẳng có gì phải sợ.
Trên các bộ phim, thường nhân vật chính luôn có một câu chuyện rất bi thảm, như mắc một bệnh nào đó hay do biến cố tâm lí mà trở nên chán ghét cuộc đời...
Ngoài việc mỗi người một bệnh, tất cả đều có một điểm chung đó là rất hoàn hảo, gần như không có một khiếm khuyết gì, lại còn nhận được sự quan tâm, chú ý thậm chí là có được một người để yêu nhờ căn bệnh ấy.
"Tôi có một nỗi buồn thật đẹp" là cái gì?
Việc người mắc các triệu chứng rối loạn sinh lí – tâm lí được khắc họa và xây dựng một cách quá hoàn hảo, đẹp đẽ và đầy nghệ thuật có thể khiến nhiều người lầm tưởng, cho rằng chính căn bệnh biến nhân vật đó trở nên thật đặc biệt, thật hay ho.
Thế là nghiễm nhiên, sự biến dạng đáng nhẽ ra không hề tốt đẹp lại thành ra "ngầu", khác biệt và tất nhiên nhận thức sai lầm này đem đến không ít hậu quả xấu.