Nếu là một người chăm lượn lờ hàng quán cafe, trà chanh chém gió hay lên bar nghe nhạc, cảnh tượng nam thanh nữ tú cầm trên tay những trái bóng đủ màu sắc, đưa vào miệng hít rồi cười ngặt nghẽo có lẽ phải gặp như cơm bữa. Những trái bóng đó là funky ball - bóng cười - với thành phần chính là khí nitrous oxide (N2O).
Nhìn thì vui thật đấy, nhưng liệu bóng cười có gây nghiện, và gây ra hậu quả gì không?
N2O - Một chất kích thích thần kinh dạng nhẹ
Nitrous oxide vốn là một chất khí không màu, có vị và mùi ngọt nhẹ. Đây vốn là chất khí được sử dụng để gây mê, nhưng đến năm 1772, nhà khoa học người Anh Joesph Priestley đã tình cờ nhận ra khả năng... giải trí của chất khí này. Từ đó, N2O được xem là linh hồn của những buổi tiệc vào đầu thế kỷ 19.
Khi hít N2O, cơ thể sẽ trải qua cảm giác hưng phấn nhẹ, một chút chóng mặt, và đầu óc tương đối không tỉnh táo. Nếu hít một lượng lớn khí này một lúc có thể khiến bạn cười ngặt nghẽo, không dứt ra nổi.
Tuy có gây kích thích đến hệ thần kinh, nhưng N2O không được xem là chất gây nghiện. Ngoài ra do ứng dụng rộng rãi của nó, bóng cười cũng trở thành một thú chơi "an toàn", không bị pháp luật cấm cản.
Chơi bóng cười - có thật là an toàn không?
Nhìn chung, rủi ro có thể gặp phải khi chơi bóng cười khá thấp, trừ khi bạn sử dụng rượu đi kèm. Đó là vì khí cười sẽ giúp cồn lên não nhanh hơn, nên bạn có thể "sập" bất kỳ lúc nào.
Tuy nhiên, cần biết rằng chất khí duy trì sự sống duy nhất chỉ có Oxi. Điều này có nghĩa rằng nếu hít một lượng lớn N2O, não bộ của bạn sẽ thiếu oxi trầm trọng, đặc biệt nếu như sử dụng bóng cười ở những không gian hẹp, thông khí kém như bar, sàn nhảy hay các quán cafe.
Hậu quả thì... hên xui, nhưng thường thì những trường hợp này sẽ rơi vào trạng thái bất tỉnh nhân sự do sự sụt giảm đột ngột của Vitamine B12.
Nguy hiểm hơn, ngạt thở vì thiếu oxy có thể gây tác động cực kỳ nghiêm trọng lên hệ thần kinh, khiến hệ miễn dịch suy yếu, và thậm chí đã có người tử vong vì nó.
Theo như một số báo cáo từ trường ĐH London thì từ năm 2006 - 2012, trên toàn nước Anh có 17 trường hợp tử vong vì N2O.
Nhưng rủi ro không dừng lại ở đó đâu. Bóng cười - công cụ chính của thú chơi này thường được làm từ cao su, và chất liệu này có thể gây nguy hiểm cho những người mắc chứng "dị ứng cao su" (latex allergy).
Triệu chứng dị ứng cao su
Cụ thể, các loại protein có trong cao su có thể kích hoạt một kháng thể mang tên immunoglobulin E (lgE) để sản sinh ra hóa chất histamine - hoá chất có tác dụng duy trì hoạt động sinh lý của cơ thể. Nhưng một lượng lớn chất này xuất hiện có thể khiến cơ thể xuất hiện những triệu chứng dị ứng như nổi phát ban, chảy nước mũi...
Thậm chí trường hợp nặng có thể gây giảm huyết áp đột ngột, tăng nhịp tim, khó thở, hoặc tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
Chưa kể, một số cửa hàng nhằm tiết kiệm chi phí nên đã tái sử dụng những trái bóng đã bán từ trước. Chắc cảnh tượng trăm người chung một quả bóng cũng đủ khiến bạn rùng mình, nhỉ?
Kết
Chơi bóng cười hiện vẫn là một thú chơi hợp pháp, nhưng hợp pháp không có nghĩa là an toàn. Trên thực tế, một số quốc gia như Anh cũng đã cấm bán bóng cười trong các vũ trường vì sự nguy hiểm của nó.
Chính vì thế, bạn cũng nên cân nhắc trước khi đến với thú chơi vui phút chốc mà rủi ro có thể đánh đổi cả tính mạng.
Nguồn: Independent, BBC, Daily Mail