Xin nghỉ việc, cả tháng không dám đi qua cổng trường vì nhớ học sinh
Hơn 2 tháng sau khi xin nghỉ việc ở trường mầm non, chị Nguyễn Thị Vân (xã Nam Tiến, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) tất bật bên cửa hàng. Cô giáo mầm non ngày nào lên lớp với trẻ giờ là một tiểu thương chuyên cung cấp hàng nông sản trên địa bàn thành phố Phổ Yên.
Đơn xin nghỉ việc của cô giáo Nguyễn Thị Vân (xã Nam Tiến, Phổ Yên, Thái Nguyên)
12 năm gắn bó với ngành giáo dục, chị Vân không nghĩ đến một ngày mình phải viết đơn xin nghỉ mà lý do không phải vì áp lực công việc, không phải do mâu thuẫn, thù hằn cá nhân mà bởi một lý do rất “đời”: Lương quá thấp.
“Thời điểm làm đơn xin nghỉ việc lương của tôi được 5,3 triệu đồng/tháng. Trừ các loại phí BHXH, BHYT, BHTN mỗi tháng cầm về chưa đầy 5 triệu. Trong khi đó thu nhập của chồng cũng rất thấp, chỉ 2 triệu/tháng. Ngần ấy thu nhập không đủ trang trải sinh hoạt gia đình trong một tháng và nuôi 3 đứa con”, chị Vân chia sẻ.
Thời điểm khó khăn nhất của gia đình chị Vân là lúc đứa con út bị đau ốm triền miên. Mỗi lần bắt xe về Hà Nội thăm khám là mất nửa tháng lương. Để đủ tiền chữa bệnh cho con, sau mỗi giờ dạy, chị tranh thủ nhận đi giao hàng.
“Những ngày đầu tiên đi giao hàng thuê, tôi cũng rất ngại vì dù sao mình cũng là giáo viên, học sinh, phụ huynh nhìn vào. Nhưng vì cuộc sống mình phải làm. Mỗi ngày đi ship hàng như thế cũng được 30 nghìn. Sau dần, tôi tập bán hàng online để có thêm tiền trang trải cuộc sống”, chị Vân nói.
Chị Vân thừa nhận, để đi đến quyết định nghỉ việc, chị mất gần một năm để suy nghĩ, cân nhắc. Ngày cầm bút viết đơn xin nghỉ việc, chị không cầm được nước mắt. Nhưng trước áp lực cuộc sống, khó khăn của gia đình, cô giáo mầm non trường làng buộc phải đứng trước lựa chọn nghiệt ngã.
Cô Nguyễn Thị Vân cùng đồng nghiệp ở trường Mầm non Nam Tiến
“Thời gian gần đây tôi bị liệt dây thần kinh số 7. Sức khỏe bị yếu đi rất nhiều không thể vừa đi dạy vừa bán hàng online được nữa. Điều này buộc tôi phải lựa chọn một trong hai công việc. Sau khi cân nhắc, tôi quyết định xin nghỉ việc ở trường vì nếu tiếp tục làm nghề mà không kinh doanh thì không thể nuôi nổi con, nhất là sau này khi các con lớn phải học đại học lấy tiền đâu để nuôi”, chị Vân nói về quyết định khó khăn của mình.
Tháng đầu tiên xin nghỉ việc ở trường, chị Vân nhớ học trò, nhớ trường đến mức không dám đi qua cổng trường, phải nhờ chồng đi đón con. Những lúc như thế, chị lại ước giá như thu nhập nghề giáo cao hơn một chút để có điều kiện theo đuổi nghề.
Ngậm ngùi khi học sinh hỏi: “Cô giáo bỏ nghề đi làm khu công nghiệp ạ?”
Khi thông tin giáo viên bỏ việc liên tiếp xuất hiện trên thông tin đại chúng những ngày qua, chị Phạm Thị Tuyến (Sóc Sơn, Hà Nội) nhớ lại quyết định của mình. 16 năm trước, chị cũng là một giáo viên trong ngành. Ở thời điểm đó, mức lương cơ sở thậm chí chưa đầy 500 nghìn đồng. Mức thu nhập này thậm chí không đủ cho chi phí xăng xe, đi lại.
Lương giáo viên quá thấp, buộc chị Tuyến quyết định từ bỏ công việc giáo viên và làm nhân viên tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Bắc Ninh.
“Mình còn nhớ khi đó học sinh cứ hỏi cô giáo bỏ nghề đi làm công nhân ở khu công nghiệp à? Nghe học sinh hỏi thế mình buồn thực sự. Nhưng nói thẳng ra nếu tiếp tục theo nghề mãi như vậy cuộc sống không đảm bảo”, chị Tuyến nhớ lại.
Sống chật vật vì lương thấp, nhiều giáo viên đã từ bỏ công việc để tìm kiếm cơ hội việc làm khác với mức thu nhập phù hợp hơn. Ảnh minh họa.
16 năm qua đi, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, mức lương cơ sở của viên chức nói chung và giáo viên nói riêng đã tăng gấp nhiều lần nhưng chị Tuyến vẫn thấy buồn cho đồng nghiệp khi đến nay vẫn phải chật vật với đồng lương eo hẹp.
“Lương của tôi hiện nay là 21 triệu đồng/tháng, chưa kể thưởng quý hay thưởng năm. Nếu so với thu nhập của một giáo viên có điều kiện đi dạy thêm thì không bằng. Nhưng nếu so với một giáo viên chỉ có thu nhập bằng đồng lương thôi thì dễ thở hơn nhiều. Chưa nói công việc của mình 5 giờ chiều đã được tan ca về nhà có thể lo cho gia đình. Trong khi đó đồng nghiệp của mình làm giáo viên, buổi tối vẫn phải lo bài vở, áp lực công việc rất lớn”, chị Tuyến chia sẻ.
Theo tính toán, một giáo viên có thời gian công tác trong ngành 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe…) khá cao.
Trong vòng xoáy của cơm, áo, gạo, tiền, nhiều giáo viên buộc phải đưa ra quyết định khó khăn, từ bỏ công việc và tìm kiếm cơ hội việc làm khác với mức thu nhập phù hợp hơn.
Trao đổi với P/V VOV2, TS. Hoàng Trung Học (Học viện Quản lý giáo dục) đau xót khi thấy nhiều thầy cô ngày lên lớp tối về bán hàng online, làm shipper và làm nhiều công việc khác để đảm bảo cuộc sống. Các thầy cô không thể tập trung chuyên môn được nếu thu nhập quá thấp.
“Một giáo viên trẻ mới ra trường, đặc biệt là giáo viên Mầm non chỉ có mức lương trên dưới 3 triệu đồng/tháng là quá thấp để họ có thể chi trả nhiều khoản sinh hoạt phí trong gia đình. Nếu nơi họ dạy học xa với chỗ làm thậm chí với mức lương như vậy không đủ tiền xăng xe, điện thoại”, ông Học băn khoăn.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm học 2021-2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Trong đó, số giáo viên công lập nghỉ việc là 10.407 người, số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người.
Cụ thể, cấp mầm non có 6.391 giáo viên nghỉ, chuyển việc; trong đó, công lập 2.503 giáo viên, ngoài công lập 3.888 giáo viên. Tiểu học có 4.493 giáo viên; trong đó, công lập 3.851, ngoài công lập 642. Trung học cơ sở có 3.425 giáo viên; công lập 3.110, ngoài công lập 315. Trung học phổ thông có 1.956 giáo viên; công lập 943, ngoài công lập 1.013.